Trẻ “nghiện” mạng xã hội có biểu hiện tiêu cực, cha mẹ cần làm thế nào?
Tình trạng trẻ “nghiện” mạng xã hội đang gia tăng đến mức đáng báo động, gây ra những bất ổn về tâm lý của các em.
“Nghiện” mạng xã hội khiến trẻ trầm cảm và hung hăng hơn
Một nghiên cứu sử dụng hình ảnh của não để phân tích những tác động của mạng xã hội đối với trẻ em tại Canada đã chỉ ra, những đứa trẻ dành hàng giờ lướt mạng xã hội thường có biểu hiện hung hăng, trầm cảm và lo lắng nhiều hơn.
Bà Emma Duerden - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Canada về khoa học thần kinh và rối loạn học tập nhận xét, khi trẻ em dành nhiều thời gian hơn trước màn hình, sự căng thẳng sẽ gia tăng, mức độ lo lắng hay trầm cảm của trẻ tăng lên. Điều này giống như việc serotonin (hormone hạnh phúc) có chiều hướng giảm khi chúng ta đói (đói và tức giận thường xuất hiện đồng thời). Thời gian ngồi trước màn hình có thể ảnh hưởng mạnh tới “hệ thống khen thưởng” của não, vốn là chìa khóa cho việc đưa ra các quyết định tích cực và sáng suốt.
Khi thiếu niên xem một bộ phim hoạt hình không có lời thoại, hoặc không hiểu lời thoại do không biết ngôn ngữ đó, các vùng não cốt lõi liên quan đến xử lý vấn đề xã hội cho thấy sự thay đổi về mức độ oxy, các vùng khác của não hạn chế hoạt động. Vỏ não trước trán sẽ được kích hoạt khi xem một nhân vật trong phim phải trải qua nỗi đau thể xác. Đối với trẻ em, vỏ não trước trán đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt những kiến thức ở trường.
Theo TS. Michaela Kent - thành viên nhóm nghiên cứu, bà cảm thấy thực sự bất ngờ khi nói chuyện với những học sinh nghiện mạng xã hội. Những trẻ này rất khó nắm bắt những vấn đề xã hội thông thường. Chúng đã quá quen với sự kích thích liên tục khi lướt mạng nên việc phải tập trung là thực sự khó khăn.
Chính quyền nhiều bang ở Mỹ đã phải tăng cường sự giám sát đối với các mạng xã hội, do nguy cơ tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của người dùng, đặc biệt là trẻ em. Một nghiên cứu nhóm trẻ em độ tuổi từ 9-10 tuổi tại Mỹ cho thấy, trẻ em xem nhiều điện thoại, máy tính bảng hay chơi điện tử bị trầm cảm cao hơn so với bình thường. Nhóm trẻ này dễ có biểu hiện hung hăng và thiếu kỷ luật hơn.
Làm thế nào để hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến trẻ em?
Quản lý việc sử dụng mạng xã hội
“Ép” trẻ từ bỏ sử dụng mạng xã hội là điều khó có thể làm được, tuy nhiên cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con sử dụng mang xã hội theo cách tích cực nhất. Đầu tiên, cha mẹ cần giới hạn khoảng thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ. Có thể áp dụng quy tắc “mỗi ngày có 1 tiếng cho việc sử dụng mạng xã hội trong 1 khung giờ cố định”cho tất cả thành viên trong gia đình.
Trong thời gian trẻ sử dụng mạng xã hội, cha mẹ cũng cần quan tâm xem trẻ đang làm gì, nói chuyện với những ai… Dạy trẻ cách nhận biết người lạ, người có hành vi xấu cũng như cách ứng xử văn minh trên mạng là điều cần thiết. Hãy khuyến khích trẻ thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội theo hướng tích cực, xây dựng và cùng nhau phát triển.
Tạo khoảng thời gian gắn kết gia đình
Sau khoảng thời gian trẻ sử dụng mạng xã hội và học tập xong, nếu còn thời gian rảnh, cha mẹ hãy cố gắng gắn kết các thành viên trong gia đình bằng cách cùng trẻ tâm sự, chia sẻ các vấn đề, khó khăn đang gặp phải trong cuộc sống cần giải quyết.
Ngoài ra, cả gia đình có thể cùng nhau đọc sách, xem phim, chơi thể thao, đi dã ngoại… miễn là hoạt động đủ sôi nổi và hứng thú để lôi cuốn trẻ quên đi cám dỗ của mạng xã hội. Nếu xây dựng tốt, có thể một trong những phương pháp bổ ích này sẽ trở thành thú “tiêu khiển” mới của con trong tương lai thay vì phải “giết” thời gian vào các trang mạng xã hội.
Đăng ký lớp học ngoại khóa mà trẻ thích
Tuổi “teen” là giai đoạn mà các con có sự thay đổi và hoàn thiện về tâm sinh lý. Chính bởi vậy, các con rất khó chịu với những hoạt động mà không liên quan tới việc tụ tập bạn bè. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu xem, con thực sự thích hoạt động nào, để giúp trẻ thêm nhiều bạn bè hơn.
Hãy khuyến khích trẻ làm những gì chúng thích và theo đuổi đam mê của mình. Bằng cách này, cha mẹ sẽ khiến con thực sự quên đi việc hao tốn thời gian và năng lượng của bản thân vào mạng xã hội. Thay vào đó, con sẽ học hỏi thêm những kiến thức và kĩ năng mới từ các lớp học ngoại khóa.