Lời khuyên của bác sĩ về việc xử trí khi trẻ bị ho
Thời tiết lạnh mùa thu đông là thời điểm xuất hiện nhiều bệnh hô hấp, trong đó ho là một triệu chứng phổ biến. Có nên tự dùng thuốc ho khi trẻ có các biểu hiện ho không?
Số trẻ bị ho tăng mạnh khi chuyển mùa
Thời tiết thất thường và đặc biệt là chuyển lạnh đột ngột mới đây khiến bệnh lý đường hô hấp dễ dàng tăng cao ở trẻ em mà ho là biểu hiện ban đầu thường gặp nhất. Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày này tiếp nhận trung bình khoảng gần 300 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp.
Ho là phản xạ có lợi vì làm sạch đường thở, làm long đờm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ. Tuy nhiên, ho cũng là triệu chứng của nhiều nguyên nhân bệnh như: hô hấp; tim mạch (suy tim trái); tiêu hóa (do trào ngược dạ dày thực quản); tác dụng phụ của thuốc; tâm lý…
Có 2 loại ho là ho khan và ho có đờm. Ho khan là ho không có đờm do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu…).
Còn ho có đờm là ho tiết nhiều đờm đặc hoặc loãng do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen suyễn. Về mức độ ho, nếu trẻ ho dưới 3 tuần được xem là ho cấp tính, từ 3-8 tuần là ho bán cấp tính, trên 8 tuần trở lên là ho mãn tính.
Nhiều cha mẹ tự ý sử dụng thuốc ho cho trẻ
Cũng bởi vì ho là một triệu chứng phổ biến khi chuyển mùa nên nhiều cha mẹ cho rằng có thể dễ dàng điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi phân liều cho trẻ uống… Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đây là điều cha mẹ tuyệt đối không được làm.
Theo bác sĩ CKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, trong trường hợp trẻ bị ho do cảm lạnh hoặc viêm họng, mà không có dấu hiệu bệnh nặng hay nguy hiểm như sốt cao, rét run, đau ngực, khó thở, ho khạc ra máu, trẻ ho khạc đờm đặc màu xanh, vàng, nâu... cha mẹ nên tập trung giữ ấm cho con; đồng thời, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và cho trẻ uống nhiều nước, như nước cam, chanh. Sau khoảng 1 tuần chăm sóc, nếu tình trạng ho không giảm, cha mẹ nên cho con đi thăm khám và dùng thuốc giảm ho cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
Khi cho trẻ dùng thuốc, cha mẹ lưu ý tuân thủ theo đúng liều lượng và thời gian sử dụng mà bác sĩ đã kê. Không tự ý cho trẻ sử dụng 2 loại thuốc cùng lúc. Việc uống nhiều loại thuốc cùng lúc có thể dẫn tới một hoạt chất thành phần nào đó bị vượt quá liều lượng, gây ra những tác dụng phụ không đáng có.
Lạm dụng kháng sinh cho trẻ cũng là vấn đề gây “nhức nhối” trong những năm gần đây. Việc cha mẹ sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh sẽ mang đến rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ. Các bác sĩ cho biết, sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị ho ở trẻ chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ sau khi xác định nguyên nhân gây ho là do vi khuẩn như viêm họng, viêm phổi, viêm mũi… Đây không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus vì kháng sinh không có tác dụng điều trị với virus. Chẳng hạn như trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm do virus rhinovirus, influenza, virus hợp bào hô hấp (RSV)… thì việc sử dụng kháng sinh không giúp làm giảm ho cho trẻ.
Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe của trẻ. Vi khuẩn có thể trở nên kháng kháng sinh khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng… Thậm chí, trẻ có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh có thể gây sốc phản vệ rất nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Anh Khoa (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, không phải lúc nào ho cũng nguy hiểm và cần phải đến bác sĩ. Quan trọng nhất là phải tìm là được nguyên nhân gây ho ở trẻ để điều trị phù hợp. Trong trường hợp ho do thay đổi thời tiết thì có thể điều trị tại nhà, đồng thời hạn chế tiếp xúc gần các tác nhân gây ho để giảm kích ứng đường thở.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, trẻ em có các triệu chứng như ho dai dẳng, sốt, khó thở, mất nước, không thể nuốt thức ăn, cơ thể mệt mỏi, nhợt nhạt, tím tái... hay đối với người trưởng thành khi có các triệu chứng như ho kéo dài trong nhiều tuần nhưng không có biểu hiện thuyên giảm, ho ra máu, sốt cao hơn 38 độ C, ho dữ dội không ngừng gây khó thở, hay bị ợ nóng... đều rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Cha mẹ cần lưu ý theo dõi để biết khi nào trẻ bị ho có thể chăm sóc, theo dõi tại nhà, khi nào cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị tích cực.
Cách để giữ gìn sức khỏe của trẻ khi thời tiết thay đổi
- Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cha mẹ cần kịp thời thay đổi quần áo cho trẻ để tránh trường hợp cơ thể bị tác động hại từ thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
- Sử dụng khẩu trang, kính chắn bụi bẩn khi ở nơi công cộng, hạn chế đến những nơi đông người để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ lây bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh để ngăn ngừa nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh và gây ra tình trạng trẻ bị ho.
- Trẻ cần bổ sung thêm các đồ ăn lành mạnh, ăn thức ăn giàu vitamin, uống nhiều nước để củng cố hệ miễn dịch.
- Thực hiện nếp sống sinh hoạt đúng giờ giấc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, siêng năng tập thể dục để nâng cao sức khỏe.
- Cha mẹ cần học cách nhận biết sự thay đổi sức khỏe của trẻ, phân biệt khi nào là ho do thay đổi thời tiết, ho để tống dị vật ra ngoài, ho do bệnh giao mùa hay bệnh lý nghiêm trọng… để có thể xử trí phù hợp.