Tại sao cha mẹ không nên cấm con nghịch ngợm và khám phá?
Việc cha mẹ kiểm soát mọi thứ của con quá kỹ lưỡng khiến con cái lớn lên theo quỹ đạo mà họ kỳ vọng nhưng cũng cản trở sự phát triển của con.
Neil deGrasse Tyson là một nhà thiên văn học người Mỹ, cũng là một tác giả và diễn giả có uy tín bậc nhất trong giới khoa học. Ông đam mê thiên văn học từ năm lên 9 tuổi. Ông có 2 người con nên có thể nói việc nuôi dạy con trở thành những công dân giỏi giang và có ích nhưng vẫn giữ được niềm đam mê của bản thân luôn khiến ông bố này trăn trở.
Trong một bài phát biểu, ông Tyson chia sẻ, mỗi đứa trẻ đều là một nhà khoa học bẩm sinh và cách phản ứng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tới bản năng khám phá, khả năng sáng tạo của trẻ. Tyson khẳng định, sự tò mò và hăng say khám phá những điều mới mẻ chính là chìa khóa để ươm mầm cho một nhà khoa học tương lai.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ luôn tỏ ra cáu gắt và không hài lòng khi trẻ muốn tìm kiếm hay khám phá một điều gì mới. Trẻ em là những “nhà khoa học bẩm sinh”. Chúng thích khám phá mọi thứ như lật những hòn đá lên, bứt cánh hoa... Chúng làm những việc mà chúng ta thường nhìn là “phá hoại”. Nhưng đó chính là một kiểu khám phá. Những đứa trẻ thích khám phá luôn thử tách rời mọi thứ để tìm cách lắp lại. Và ông Tyson ví một nhà khoa học trưởng thành như là một đứa trẻ không bao giờ lớn lên.
Ở nhà, bọn trẻ mở tủ lạnh lấy trứng tung hứng lên xuống. Việc đầu tiên các bậc phụ huynh làm là gì? Đa số phụ huynh sẽ xử sự kiểu như: “Đừng có nghịch trứng! Vỡ bây giờ. Cất lại ngay!”.
Hãy để trẻ tự khám phá ra rằng khi trứng rơi, nó sẽ vỡ. Cha mẹ có thể coi đây là một thí nghiệm vật lý về sức bền vật liệu. Và nó cũng có thể trở thành thí nghiệm sinh học rất nhanh. Khi đó lòng trắng và lòng đỏ chảy ra, bạn nói với trẻ rằng: “Lòng trắng và đỏ sẽ biến thành con gà đấy! Nhưng tại sao lại biến thành con gà? Con tìm hiểu thử xem”.
Theo ông Tyson, giá thành của quả trứng và chút công sức dọn dẹp không đáng kể bằng trải nghiệm và kiến thức mà trẻ sẽ học được.
“Còn khi bạn ngăn lũ trẻ gõ liên hồi vào đám xoong chảo, thì cũng là lúc bạn vừa phá hỏng một thí nghiệm về âm thanh đấy!", Neil deGrasse Tyson phân tích.
Những câu chuyện như vậy khiến ông không ngừng đặt câu hỏi và cảm thấy kì cục về cách mà những cha mẹ hiện đại đang dạy con, thật kì lạ khi mà “trong những năm đầu đời của trẻ, chúng ta dạy con tập đi và học nói. Và rồi sau đó, trong suốt phần đời còn lại của cuộc đời chúng, chúng ta chỉ muốn chúng ngồi một chỗ và đừng nói gì cả”.
Đây cũng chính là mâu thuẫn nội tại lớn nhất của cha mẹ hiện đại. Thay vì lắng nghe, quan sát, kiên nhẫn với con cái, cha mẹ thường muốn kiểm soát và làm chủ. Thay vì giao tiếp với con bằng ánh mắt và những từ ngữ khích lệ, cảm thông, thấu hiểu, chúng ta thường ngăn cản và ra lệnh cho chúng.
Trẻ em từ khi sinh ra cho đến khi 4 tuổi đều là những thiên tài, chúng phát triển não bộ, học hỏi các kĩ năng, sáng tạo và khám phá, học hỏi và đúc kết với tốc độ của một thiên tài. Vậy những thiên tài hay tài năng tỏa sáng này đã đi đâu?
Chúng không biến mất mà bị chôn vùi bởi một hệ thống những câu nói mà chúng nghe thấy mỗi ngày từ thầy cô, hàng xóm, cộng đồng và cả cha mẹ. Chẳng hạn như: “Đừng tô chờm màu ra ngoài đường viền”, “Ngồi xuống ngay”, “Đừng động vào đó, con sẽ làm hỏng hết đấy”, “Con không làm được đâu, để bố mẹ làm cho”…
Theo một thống kê, một đứa trẻ khi tròn 17 tuổi đã nghe khoảng 150.000 lần từ “Không” và chỉ được nghe khoảng 5.000 lần từ “Có/Đồng ý”. Khi trẻ càng nghe nhiều về những gì chúng không thể làm, những nơi chúng không thể đi và những con người mà chúng không thể trở thành, một “vết hằn” được tạo ra trong não bộ của chúng và cắt đứt, đóng sập lại những phát triển cá nhân của chúng. Cha mẹ tỏ ra hài lòng khi các con tham gia với các lớp học kĩ năng sống, các khóa huấn luyện làm chủ cảm xúc, các sự kiện sôi động, nơi mà chúng ta nghĩ rằng lũ trẻ có cơ hội trải nghiệm và thể hiện bản thân.
"Tôi nghĩ rằng điều tốt nhất cha mẹ có thể làm khi nuôi dạy con cái mình, đơn giản là tránh sang một bên trên hành trình lớn lên của chúng" - Neil deGrasse Tyson tuyên bố.