Thứ năm, 25/01/2024, 10:38 (GMT+7)

Dạy con biết cách tức giận cũng là “chìa khóa” để con hạnh phúc

Cha mẹ không muốn con tức giận và cáu kỉnh. Tuy nhiên, đây là cảm xúc bình thường của con người. Thay vì gạt bỏ và kiềm chế, hãy dạy trẻ biết tức giận và kiểm soát nó.

CNBC dẫn lời nhà tâm lý học lâm sàng Jazmine McCoy (Mỹ) rằng, cha mẹ có con nhỏ không né tránh hay đè nén cơn tức giận của con bằng mọi giá. Mục tiêu là phải dạy trẻ biết cách xử lý cơn giận của mình một cách lành mạnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, học cách điều chỉnh cảm xúc hiệu quả, đặc biệt là những cảm xúc mãnh liệt như giận dữ và buồn bã, có thể giúp trẻ em phát triển khả năng phục hồi, cải thiện khả năng tập trung và thúc đẩy phát triển nhận thức.

Theo các nhà tâm lý, những kỹ năng và phẩm chất đó đều là chìa khóa cho thành công và hạnh phúc của trẻ sau này. Sau đây là 4 bước cha mẹ cần thực hiện để dạy con biết cách tức giận qua chia sẻ của chuyên gia tâm lý McCoy.

1. Vạch ra ranh giới rõ ràng

Chuyên gia McCoy cho biết, trẻ em cần cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, đặc biệt là từ cha mẹ. Trẻ nên biết rằng những cảm xúc tiêu cực là bình thường và cha mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ và sẽ vẫn yêu thương trẻ vô điều kiện ngay cả khi trẻ cư xử không đúng mực.

tuc gian
Cần giữ ranh giới giữa tức giận và hành vi không được phép

Tuy nhiên, chấp nhận một cảm xúc không nhất thiết có nghĩa là chấp nhận hành vi có hại mà nó có thể gây ra, như la hét hoặc đánh người khác. Trong những trường hợp đó, bạn có thể nêu rõ những ranh giới không nên vượt qua và giúp con bình tĩnh lại.

2. Thừa nhận cảm xúc của con

Thừa nhận sự tức giận của trẻ có thể giúp trẻ gọi tên cho những cảm xúc mãnh liệt trong lòng. Đó là một bước quan trọng để giúp trẻ quản lý những cảm xúc mà không cần hành động thiếu kiểm soát.

Bạn có thể hỏi con về điều gì khiến trẻ tức giận và tại sao (ngay cả khi bạn đã biết lý do). Sau đó, hãy thảo luận với trẻ về cách giải quyết vấn đề, chẳng hạn như chơi một món đồ chơi khác trong khi đợi anh/chị/em của trẻ chơi xong món đồ mà trẻ muốn ban đầu.

Chuyên gia McCoy nhận định, khi chúng ta dạy trẻ cách giao tiếp bằng lời nói, trẻ sẽ không cảm thấy mình cần phải la hét và hung dữ để truyền đạt những gì trẻ cần. Bạn có thể sử dụng sách thiếu nhi và các phương tiện truyền thông khác để bắt đầu cuộc trò chuyện về cảm xúc. Khi đọc một cuốn sách, bạn có thể hỏi trẻ vì sao nhân vật lại có vẻ buồn bã, sau đó suy nghĩ các giải pháp có thể giúp ích…

3. Giúp con bình tĩnh

tuc gian
Tập hít thở cùng con để bình tĩnh kiểm soát cảm xúc

Dạy con bạn hít thở sâu khi bực bội là một cách phổ biến và hiệu quả để giảm thiểu những cơn tức giận. Cách hiệu quả nhất là cha mẹ hãy thực hành hít thở sâu cho con xem. Cho trẻ thấy cách hít thở sâu giúp bạn bình tĩnh lại như thế nào và hãy xem trẻ có bắt chước không. Đừng ép buộc trẻ phải hít thở sâu. Nếu trẻ cảm thấy bị ép, phương pháp này có thể phản tác dụng và khiến tình hình tồi tệ hơn.

4. Đừng “châm lên mồi lửa” tức giận

Dù bực bội đến mức nào khi nhìn thấy đứa con bùng phát cơn giận, bạn cần nhớ rằng trẻ còn quá nhỏ để điều chỉnh những cảm xúc mạnh. Hành động quát tháo, la hét của người lớn với trẻ sẽ tác động tiêu cực lâu dài đến lòng tự trọng và sự phát triển cảm xúc của trẻ. Ngay cả khi sự khó chịu của bạn không được thể hiện bằng lời nói, con bạn vẫn có thể cảm nhận được sự tức giận của bạn, điều này có thể làm tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Muốn con bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc, bạn cần biết cách để kiểm soát tốt cảm xúc bản thân trước. Hãy nhẹ nhàng trò chuyện với con về cảm xúc thất vọng của chính bạn. Nếu đã tỏ ra tức giận, bạn có thể nói với con: "Mẹ đã nổi nóng, mẹ xin lỗi, mẹ sẽ thay đổi và đối phó với cảm xúc tức giận bằng cách.... Mẹ sẽ làm mẫu cho con"...​

Cùng chuyên mục