Thứ ba, 16/01/2024, 11:03 (GMT+7)

Làm sao để cha mẹ không kiểm soát con quá đà?

Những hành vi kiểm soát quá mức của cha mẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên con cái. Bạn có đang kiểm soát con quá mức không? Làm thế nào để điều chỉnh việc này?

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi khoa Tâm lý của Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc, nếu cha mẹ ép buộc con làm điều trẻ không thích, trẻ dễ gặp vấn đề về tính cách ở tuổi vị thành niên. Cha mẹ càng kiểm soát thì con cái càng có xu hướng nổi loạn, không nghe lời và gặp tổn thương tâm lý nặng nề.

Bên cạnh đó, chính những phụ huynh kiểm soát con cái cũng gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý. Họ dễ rơi vào 2 trường hợp cực đoan là bị ám ảnh phải kiểm soát con cả ngày hoặc ám ảnh về việc con trở thành "đứa trẻ hư" mà họ lo sợ.

Từ đó, Sohu chỉ ra 5 loại hành vi kiểm soát con cái quá mức mà phụ huynh dễ mắc phải và cách để họ khắc phục tình trạng này.

5 hành vi cha mẹ kiểm soát con quá mức

Giám sát

Cha mẹ luôn muốn biết con đang làm gì và việc trẻ phải khai báo mọi hành động trong ngày là điều hiển nhiên. Không chỉ muốn theo dõi, phụ huynh còn ám ảnh việc kiểm soát suy nghĩ của đứa trẻ.

Ép buộc

Khi con không nghe lời hoặc có quan điểm khác, cha mẹ không tôn trọng ý kiến con mà ép buộc trẻ phải theo ý mình. Thậm chí, phụ huynh có thể đe doạ và sử dụng bạo lực để buộc con tuân theo.

kiem soat
Cha mẹ luôn kè kè bên cạnh khiến con khó chịu

Coi thường hoặc phớt lờ

Đây là hành vi kiểm soát ngầm mà nhiều phụ huynh không nhận ra. Cha mẹ coi thường khi thấy khuyết điểm của con, khiến con nghi ngờ năng lực của chính mình. Khi con gặp khó khăn, cha mẹ ngó lơ không quan tâm, không giúp đỡ, khiến con bị tổn thương tinh thần.

Phản đối gay gắt

Khi con không đi theo định hướng được sắp đặt sẵn, dù con làm đúng hay sai, phụ huynh sẽ phản đối và dẹp bỏ ngay.

Hạn chế tự do

Dưới lớp vỏ nhân danh tình yêu, nhiều cha mẹ kiểm soát quyền tự do của con mà không hiểu điều trẻ thực sự muốn là gì. Những phụ huynh kiểu này luôn muốn hạn chế con trong không gian hẹp, không cho trải nghiệm và tìm hiểu thế giới bên ngoài.

Dần dần, những hành động này sẽ ảnh hưởng tâm lý và khiến con mất đi sự an toàn và nghi ngờ chính mình.

Làm thế nào để cha mẹ không kiểm soát con quá mức?

Cha mẹ hãy là chính mình

Theo các chuyên gia, nhiều cha mẹ kiểm soát con cũng vì sự "không hoàn hảo" trong con người mình. Họ đặt kì vọng con phải trở thành phiên bản nâng cấp của người lớn, từ đó sửa được những điều không hoàn hảo trong cha mẹ.

Tuy nhiên, mỗi người lại có mong muốn và tính cách khác nhau. Do đó, thay vì suốt ngày vây quanh con, cha mẹ hãy tìm thứ mình thích, dành thời gian cho bản thân thay vì kiểm soát con cái.

Quản lý chứ không kiểm soát

Cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt của những thành viên trong gia đình. Mỗi người đều có sở thích và lối sống khác nhau. Điều cha mẹ áp đặt chưa hẳn là điều trẻ mong muốn. Hãy khuyến khích con nói lên suy nghĩ của bản thân và ủng hộ những quan điểm đúng đắn của con. Dành tình yêu và sự quan tâm cho con bằng cách quản lý con hợp lý thay vì kiểm soát con 24/7.

kiem soat
Để con được bày tỏ quan điểm của mình

Bỏ những kỳ vọng vô lý

Khi đứa trẻ không làm theo ý kiến của cha mẹ, phụ huynh không nên quá lo lắng mà hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao con không thích làm theo, điều con nói có đang đúng hay không... Điều này không đồng nghĩa với việc cha mẹ mặc kệ con thích làm gì thì làm. Hãy quản lý và tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con.

Mỗi đứa trẻ đều có con đường trưởng thành riêng. Thay vì ép con trở thành người cha mẹ mong muốn, hãy trở thành người bạn đồng hành và hướng dẫn con.

Để con phát triển tự do

Những sai lầm của con thường được chia làm 2 loại. Một là những lỗi con không thể gánh chịu một mình và đòi hỏi cha mẹ cần phải sửa chữa, uốn nắn ngay từ nhỏ. Hai là những vấn đề trẻ cần tự mình trải nghiệm như học cách thích nghi với môi trường xung quanh, đối mặt với khó khăn và áp lực học tập… Khi đó, cha mẹ nên khuyến khích con thử sức và không ngại sai. Những vấp váp đầu đời sẽ khiến bé trưởng thành hơn và rút ra nhiều điều bổ ích. Hãy để đứa trẻ tự lựa chọn việc mình muốn và chịu hậu quả - nằm trong sự quản lý an toàn của cha mẹ.

Cùng chuyên mục