Thói quen chăm sóc mùa đông hại trẻ mà cha mẹ lầm tưởng là tốt
Vào mùa đông, việc giữ ấm cho trẻ như thế nào được nhiều cha mẹ quan tâm. Có nhiều thói quen chăm sóc giúp tăng cường sức khỏe, nhưng cũng có không ít thói quen gây hại cho trẻ.
Nếu mắc phải những thói quen chăm sóc không tốt này, cha mẹ nên sửa ngay.
Đóng cửa 24/7 để giữ ấm
Vào mùa lạnh, chỉ cần mở hé cửa là không khí lạnh đã tràn vào phòng. Vì sợ con lạnh, gặp vấn đề hô hấp, cha mẹ thường đóng cửa cả ngày để đảm bảo nhiệt độ phòng ấm áp cho con. Thậm chí những ngày trời lạnh, cha mẹ còn bật máy sưởi hoặc điều hòa nóng cả ngày để sưởi ấm.
Việc đóng cửa chính và cửa sổ suốt cả ngày thực sự có thể giúp nhiệt độ trong nhà không bị mất đi, nhưng nó cũng có thể khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm do quá trình trao đổi chất trong hô hấp bình thường và hành vi sinh hoạt hàng ngày của con người. Môi trường không khí này thực sự có hại cho đường hô hấp của trẻ và có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Vì thế, việc thông gió hàng ngày vào mùa đông là cần thiết. Để con không gặp gió lạnh, cha mẹ nên luân phiên thông gió. Nếu trẻ ở trong phòng ngủ thì thông gió trong phòng khách; khi cho trẻ chơi trong phòng khách thì thông gió phòng ngủ rồi chờ phòng ấm lại mới cho bé vào…
Cho trẻ mặc quá nhiều lớp áo
Nhiều mẹ lo lắng con mình sẽ quá lạnh khi ra ngoài nên mặc rất nhiều quần áo cho con. Nguyên lí cho mặc nhiều lớp áo mỏng để giữ nhiệt phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, khi thời tiết ấm lên mà trẻ mặc quần áo quá dày sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của trẻ, khiến trẻ toát mồ hôi và dễ ngấm vào cơ thể gây cảm lạnh. Bên cạnh đó, kể cả trong thời tiết lạnh, mặc quá nhiều quần áo cũng cản trở sự linh hoạt của chân tay trẻ.
Khi chọn quần áo ấm cho con, hãy cố gắng chọn chất liệu có tác dụng cách nhiệt tốt hơn như áo khoác ngoài, áo len… để có thể đạt được hiệu quả giữ ấm như mong muốn chỉ với một lượng nhỏ quần áo.
Luôn bật máy tạo độ ẩm
Khí hậu vào mùa đông tương đối khô và lạnh, do sử dụng hệ thống sưởi và điều hòa không khí nên môi trường không khí trong nhà sẽ trở nên khô hơn. Trẻ ở trong môi trường này lâu dễ nổi cáu, vì vậy cha mẹ thường bật máy tạo độ ẩm ở nhà 24/24 để đảm bảo không khí ẩm.
Thế nhưng, độ ẩm quá cao cũng không tốt cho trẻ. Nếu máy tạo độ ẩm được bật 24 giờ trong ngày và không có thời gian để làm sạch, sương nước phun ra có thể chứa chất gây ô nhiễm. Cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm vào mùa đông nhưng lưu ý khi sử dụng máy tạo độ ẩm cũng nên trang bị đồng hồ đo nhiệt độ, độ ẩm. Khi độ ẩm đạt giá trị lý tưởng thì cần tắt máy tạo độ ẩm. Ngoài ra, nên sử dụng nước tinh khiết trong máy tạo độ ẩm thay vì nước máy, đồng thời, sau khi sử dụng máy tạo độ ẩm một thời gian cần kiểm tra và vệ sinh để tránh tích tụ bụi bẩn.
Chỉ cho trẻ uống nước nóng
Uống nước nóng vào mùa đông thực sự có tác dụng chống cảm lạnh và rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho trẻ uống nước nóng phải vừa phải, không quá nhiều nếu không có thể gây ra một số hiện tượng dẫn đến rối loạn điện giải ở trẻ và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cha mẹ cần chú ý những điều sau khi cho trẻ uống nước mùa đông:
- Không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước vì trẻ đã hấp thụ đủ nước từ sữa mẹ.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi không uống nước quá nóng mà nên uống nước ấm, nhiệt độ nước ở khoảng 40°C.
- Tổng lượng nước uống hàng ngày của trẻ từ 7-12 tháng tuổi là 0,9l/ngày, bao gồm sữa, thức ăn bổ sung và các nguồn khác, nói chung riêng lượng nước tiêu thụ là không nhiều.
- Trẻ từ 1-3 tuổi cần uống tổng cộng khoảng 1,3l nước/ngày, bao gồm cả nước uống trong bữa ăn và các quá trình khác, riêng lượng nước trẻ cần uống là khoảng 300ml.
- Tổng lượng nước uống hàng ngày của trẻ mẫu giáo là khoảng 1,6l/ngày, một nửa trong số đó thường được tiêu thụ trong bữa ăn và một nửa trong số đó chỉ được tiêu thụ bằng nước uống.
- Trẻ tiểu học trở lên có tổng lượng nước uống hàng ngày khoảng 1,6-2l/ngày, lượng nước uống có thể tự do điều chỉnh tùy theo tình hình bữa ăn cụ thể.