Hộ kinh doanh lưu ý: 4 hiểu nhầm dễ khiến bạn 'phạm luật' lúc nào không hay
Hộ kinh doanh cần nắm rõ 4 nguyên tắc quan trọng để tránh vô tình vi phạm pháp luật về thuế, nhất là khi hóa đơn điện tử đã được siết chặt áp dụng.
Từ 1/6/2025, theo quy định tại Nghị định 70, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên, thuộc nhóm cung cấp hàng hóa dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng như quán ăn, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa… sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa và minh bạch hóa hệ thống thuế, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong quản lý tài chính, góp phần chấm dứt cơ chế thuế khoán vốn tồn tại nhiều kẽ hở, dễ dẫn đến thất thu. Việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng giúp tạo ra môi trường kinh doanh công bằng hơn, khi mọi hộ kinh doanh đều tuân thủ nghĩa vụ thuế theo cùng một phương thức minh bạch.
Cố tình chỉ nhận tiền mặt để né thuế là vi phạm pháp luật
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người nộp thuế vẫn chưa nắm rõ hoặc cố tình hiểu sai các quy định mới, đặc biệt liên quan đến vấn đề thanh toán. Một số cửa hàng ở Hà Nội đã từ chối hình thức thanh toán chuyển khoản, yêu cầu khách hàng trả tiền mặt với lý do "tránh bị cơ quan thuế kiểm tra", dẫn đến nghi ngờ trốn thuế.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản 4, Điều 6 Luật Quản lý thuế 2019, trốn thuế là hành vi nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người kinh doanh cần ý thức rõ rằng việc cố tình “lách” hoặc không tuân thủ đúng quy định không chỉ là thiếu trách nhiệm với nghĩa vụ tài chính mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Bốn điểm người kinh doanh cần hiểu rõ để tránh vi phạm
Để tuân thủ đúng pháp luật và tránh những hệ lụy không đáng có, người nộp thuế cần hiểu rõ các nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, doanh thu kê khai không đồng nghĩa với việc đã thu được tiền. Nghĩa vụ thuế phát sinh từ thời điểm hàng hóa hoặc dịch vụ được chuyển giao cho khách hàng, không phân biệt là khách đã thanh toán hay chưa.
- Thứ hai, dù có đăng ký kinh doanh hay không, nếu cá nhân hay hộ gia đình có hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ thì vẫn thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ thuế như một hộ kinh doanh.
- Thứ ba, không có chuyện chỉ thu tiền qua chuyển khoản mới bị tính thuế. Thuế được tính trên toàn bộ doanh thu, kể cả khi khách hàng trả bằng tiền mặt. Việc cố tình kê khai thấp hơn doanh thu thực tế hoặc chỉ nhận tiền mặt để né thuế là hành vi gian lận.
- Thứ tư, không nên hiểu sai về nội dung chuyển khoản. Dù nội dung giao dịch ghi là “trả nợ”, “chuyển tiền mừng”, hay “gửi tiền nhờ mua hộ”, nếu dòng tiền không có căn cứ hợp lý hoặc chứng từ chứng minh rõ ràng, cơ quan thuế vẫn có thể xác định đó là thu nhập từ hoạt động kinh doanh và tiến hành xác minh.
Tăng cường minh bạch, giúp hộ kinh doanh tránh rủi ro pháp lý
Ngành thuế hiện có đầy đủ công cụ và dữ liệu đối chiếu để phát hiện hành vi trốn thuế, từ thông tin giao dịch ngân hàng đến dữ liệu hóa đơn, lịch sử mua bán, thậm chí cả thông tin từ các nền tảng số.
Thay vì tìm cách lách luật, người kinh doanh nên chủ động cập nhật kiến thức, tuân thủ đúng quy định, vừa tránh rủi ro bị xử lý, vừa góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Việc chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là một bước tiến quan trọng giúp các hộ kinh doanh vận hành hiệu quả, minh bạch và bền vững hơn trong thời đại số.