Trẻ bị sốt có nên nằm điều hòa không?
Điều hòa ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của trẻ hay trẻ bị sốt có nên nằm điều hòa không là hai câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm.
Trẻ bị sốt có nên nằm điều hòa không?
Máy điều hoà là một trong những thiết bị điện không thể thiếu trong mùa hè. Tính năng làm mát của điều hòa khiến người sử dụng cảm thấy dễ chịu hơn trong thời tiết nóng nực. Cơ chế hoạt động của điều hòa thường khiến không khí trong phòng bị khô hơn. Nhiệt độ lạnh của điều hòa có thể khiến trẻ mắc bệnh hô hấp như sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản, thậm chí là viêm phổi… với những trẻ có cơ địa nhạy cảm hoặc đề kháng yếu. Điều hòa cũng có thể khiến da trẻ bị khô, trẻ bị cảm… Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi máy điều hoà không được vệ sinh sạch sẽ và sử dụng không đúng cách.
Chưa có bằng chứng nào chứng minh việc trẻ bị sốt nằm điều hoà sẽ nguy hiểm hoặc trở nên tồi tệ hơn. Nếu trời mát mẻ, cha mẹ có thể không cần cho trẻ nằm điều hòa mà tạo không gian thoáng đãng để nghỉ ngơi. Trong điều kiện nhiệt độ tăng cao, cha mẹ vẫn có thể sử dụng điều hoà khi trẻ bị sốt vì không khí mát sẽ làm trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Tuy nhiên, cũng tùy từng trường hợp sốt của trẻ mà cha mẹ cân nhắc có cho trẻ nầm điều hòa không. Khi trẻ bị sốt siêu vi, cần hạn chế tối đa việc cho trẻ nằm điều hòa bởi phòng điều hòa kín khiến virus dễ dàng luân chuyển tới các vị trí trong phòng nhờ gió điều hòa, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Đặc tính của virus siêu vi khiến nó rất khó bị tiêu diệt khi ở môi trường lạnh. Như vậy trong trường hợp này, trẻ nằm điều hòa không chỉ lâu khỏi bệnh mà còn có nguy cơ mắc bệnh ho, bị nhiễm lạnh hoặc bị sốc nhiệt, dễ bị mất nước hơn…
Lưu ý khi sử dụng điều hòa cho trẻ bị sốt
Để sử dụng điều hòa một cách an toàn nhất khi trẻ bị sốt, cha mẹ cần nắm được những nguyên tắc cơ bản dưới đây:
Đảm bảo nhiệt độ điều hòa phù hợp
Thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn vì trung tâm điều nhiệt, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm của trẻ dưới 3 tuổi chưa hoàn thiện. Người lớn thấy nhiệt độ trong phòng vừa phải nhưng trẻ lại có thể cảm lấy lạnh. Điều này trở nên nguy hiểm với những trẻ chưa biết nói hay thể hiện được chính xác cảm giác của mình.
Khi trẻ bị sốt, thân nhiệt của trẻ cao hơn so với bình thường nên cần điều chỉnh điều hòa về mức mát giúp trẻ dễ chịu hơn. Nhiệt độ phù hợp nhất cho trẻ là 27-29 độ C.
Không dùng điều hòa cả ngày
Việc sử dụng điều hòa 24/24 phần lớn sẽ khiến cơn sốt kéo dài và dai dẳng hơn, không tốt cho trẻ. Bật điều hòa cả ngày làm không khí trong phòng liên tục được làm mát và ít có sự lưu thông. Khi bé đang bị nhiễm bệnh, đây chính là môi trường chứa lý tưởng gia tăng lây chéo cho trẻ.
Cha mẹ nên tắt điều hòa 2 - 3 lần trong ngày và chủ động làm thoáng phòng bằng cách mở các cửa để không khí vào trong phòng, dùng quạt xua hết không khí tù đọng ra ngoài. Cũng cần ưu tiên các thời điểm buổi sáng ánh nắng có thể vào trong phòng càng nhiều càng tốt.
Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ
Sự chênh lệch nhiệt độ là rất lớn khi ở trong và ngoài phòng điều hòa. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cha mẹ cần chủ động mở cửa trước đó vài phút để cân bằng một cách từ từ nhiệt độ giữa 2 môi trường giúp trẻ thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ và không khí, hạn chế tối đa nguy cơ bị sốc nhiệt.
Tránh gió điều hòa phả trực tiếp vào trẻ
Việc để gió điều hòa thổi thẳng vào khu vực ngủ của trẻ là vô cùng nguy hiểm khi trẻ đang khỏe mạnh. Đặc biệt, nhiệt độ cao từ cơ thể trẻ đang sốt và nhiệt độ lạnh từ điều hòa dễ khiến trẻ bị sốc nhiệt và cảm lạnh. Không những không giảm sốt, trẻ còn dễ bị viêm phổi. Vì thế khi dùng điều hòa, hãy hướng cánh điều hòa khác hướng trẻ nằm và chọn chế độ quạt gió nhẹ giúp không khí luân chuyển, nhiệt độ phòng được đồng đều.
Làm ẩm không khí phòng điều hòa
Không khí trong phòng điều hòa thường khô và dễ khiến trẻ gặp phải tình trạng khô miệng, khô họng hoặc khô da… Cha mẹ có thể cải thiện tình trạng này dễ dàng bằng cách để một chậu nước trong phòng hoặc sử dụng các máy phun sương, tạo ẩm.
Một số lưu ý khác
Ngoài các lưu ý khi sử dụng điều hòa ở trên, khi trẻ bị sốt nằm phòng điều hòa, cha mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
- Thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé để giữ độ ẩm cần thiết cho cơ thể, tránh khô mũi.
- Cung cấp đủ nước để trẻ không mất nước. Với trẻ đang bú sữa mẹ cần duy trì và tăng lượng ăn của trẻ.
- Nên đắp chăn mỏng ngang ngực khi trẻ nằm ngủ để tránh bị nhiễm lạnh. Chú ý che kín vùng bụng, cổ, bàn chân để tránh tình trạng lỗ chân lông giãn nở nhiều dẫn tới cảm lạnh.
- Lựa chọn trang phục thoáng mát, thấm mồ hôi cho trẻ.
- Duy trì dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, nên chọn các loại thực phẩm có tính mát để giúp trẻ thanh nhiệt…