Thứ ba, 06/06/2023, 15:18 (GMT+7)

Cách để trẻ nằm điều hòa không bị ho, sổ mũi

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Trẻ nhỏ có thể mắc các bệnh đường hô hấp như: ho, sổ mũi, viêm mũi họng… nếu phụ huynh sử dụng điều hòa không đúng cách trong mùa hè.

Điều hòa đã trở thành vật dụng cần thiết với mỗi gia đình vào mùa hè nóng bức, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ nhỏ mắc các bệnh hô hấp khi nằm điều hòa như: ho, sổ mũi, viêm mũi họng, viêm phế quản…

Sau đây là các cách để trẻ nằm điều hòa mà không lo bị các bệnh hô hấp:

Chú ý nhiệt độ điều hòa

Thân nhiệt của trẻ nhỏ không giống người lớn, do đó nhiệt độ phòng phù hợp với người lớn chưa chắc đã khiến trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Trung tâm điều nhiệt của trẻ chưa hoàn thiện, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm chưa hoàn thiện, nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Nhiệt độ ngoài trời chỉ cần hơi tăng lên, trẻ em đã bị nóng, toát mồ hôi, dễ bị rôm sảy. Nếu lạnh quá cũng dễ khiến trẻ bị ho, mũi…

tre nam dieu hoa Tiepthigiadinh H1
Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể khiến trẻ mắc các bệnh hô hấp

Nhiệt độ điều hòa mà các chuyên gia khuyên dùng là ở mức trên 26°C và chênh lệch nhiệt độ trong phòng và bên ngoài nên ở khoảng 6-7 độ.

Không để gió điều hòa thốc thẳng về phía trẻ

Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Vì thế, không nên gió điều hòa phả thẳng trực tiếp vào các bộ phận của trẻ, nhất là phần mặt, đầu và chân tay, trẻ. Những triệu chứng phổ biến như ho, sốt, ngạt mũi, đau họng… có thể xuất hiện sau khi nằm điều hòa trong thời gian lâu. Để khắc phục điều này bố mẹ nên thay đổi vị trí nằm của trẻ hoặc thay đổi hướng của cánh quạt điều hòa.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần cho trẻ mặc quần dài, áo tay lửng, đi thêm tất mỏng, đeo yếm để giữ ấm các bộ phận cổ, bụng, đầu gối, bàn chân… Có thể cho trẻ đắp thêm chăn mỏng vào buổi đêm khi nằm điều hòa.

Không bật điều hòa 24/24

Bật điều hòa cả ngày sẽ khiến không khí trong phòng bị tù đọng, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp của trẻ. Nên tắt điều hòa ít nhất 2 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 20-30 phút. Sau đó, bố mẹ hãy mở hết các cửa tạo sự thông thoáng, bật quạt quạt để thổi không khí tù đọng ra ngoài và đón ánh nắng vào phòng. Việc này sẽ tránh cho phòng khỏi ẩm mốc và các vi khuẩn có hại phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sáng sớm, bố mẹ nên dậy sớm nên tắt điều hòa và mở quạt để trẻ quen với nhiệt độ thời tiết bên ngoài trước khi đi học hoặc ra ngoài. Khi trẻ ở ngoài về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không cho trẻ vào phòng điều hòa ngay mà nên lau mồ hôi, thay áo quần và để trẻ ngồi nghỉ một thời gian ở nhiệt độ phòng bình thường rồi mới cho vào phòng điều hòa.

Đủ độ ẩm trong phòng

Bên cạnh yếu tố nhiệt độ, bố mẹ cũng cần lưu ý đến độ ẩm trong phòng. Không khí lạnh khô của điều hòa cũng gây ra khô mũi họng ở trẻ.

tre nam dieu hoa Tiepthigiadinh H2
Chú ý độ ẩm khi bật điều hòa để trẻ không bị khô mũi

Độ ẩm trong phòng thích hợp cho trẻ khoảng từ 40 - 50%. Nếu không có máy tạo độ ẩm, bố mẹ nên đặt một chậu nước nhỏ trong phòng hoặc dùng máy phun sương vào khi bật điều hòa (đặc biệt vào ban đêm) để đảm bảo phòng có độ ẩm nhất định.

Cho trẻ uống nhiều nước

Nước là một trong những nguồn cung cấp dưỡng ẩm tốt cho cơ thể vào thời tiết hanh khô, se lạnh. Các mô trong cơ thể khô do sự suy giảm, thiếu hụt chất lỏng. Trong thời tiết nắng nóng của mùa hè và hanh khô của điều hòa, việc bổ sung đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cho mô mũi của trẻ hoạt động hiêu quả hơn, tránh bị mất nướcc và viêm mũi.

Chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ cũng nên bổ sung thêm nhiều rau củ quả trái cây, không chỉ giúp bù nước mà còn giúp tăng cường chất xơ, chất khoáng và các vitamin cần thiết.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục