Những thói quen xấu khi dùng điều hòa khiến bạn "tiền mất, tật mang"
Thói quen xấu khi dùng điều hòa không chỉ làm tiền điện nhà bạn tăng "vùn vụt" mà còn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên.
Điều hòa hay máy lạnh là một trong những sản phẩm không thể thiếu trong tiết trời mùa hè nắng nóng. Sản phẩm này có thể điều hòa nhiệt độ, giúp mọi gia đình tránh nóng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng đúng sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người. Dưới đây là các thói quen nên tránh khi sử dụng điều hòa vào mùa nóng.
- Chọn chế độ hoạt động không phù hợp
Hiện nay, mỗi loại điều hòa đều có các chế độ cơ bản như: tự động (Auto), làm mát (Cool), làm khô (Dry), quạt gió (Fan),.. Trường hợp người dùng sử dụng sai chế độ có thể là nguyên nhân dẫn đến máy không hoạt động đúng mục đích, gây lãng phí điện năng.
Đối với chế độ tự động (Auto), thiết bị sẽ tự điều chỉnh chức năng làm mát. Nếu cần làm lạnh nhanh nhưng vẫn giữ nguyên nhiệt độ, nhất chọn "Cool". Muốn lưu thông không khí trong phòng mà không cần làm mát, chọn "Fan". Trường hợp cần làm giảm độ ẩm trong phòng, hãy ấn "Dry". Tuy nhiên, chế độ làm khô phòng chỉ nên được sử dụng trong khoảng 1 - 2h đồng hồ để bảo vệ sức khỏe và làn da.
- Hạ thấp nhiệt độ ở mức tối thiểu để làm mát nhanh
Nhiều người có thói quen xấu khi hạ nhiệt độ máy lạnh xuống thấp nhất để làm mát trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, điều này lại dễ phản tác dụng, khiến quá trình làm lạnh diễn ra lâu hơn. Nếu thường xuyên thực hiện điều này trong thời gian dài, thiết bị có thể bị chập cháy, hư hỏng. Nguyên nhân là vì máy nén bị ép hoạt động quá công suất, dễ gặp trục trặc.
Ngoài ra, việc điều chỉnh nhiệt độ thấp nhanh chóng khi vừa bước vào phòng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Điều này dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt, gây chóng mặt, mệt mỏi, nguy hiểm hơn là đột quỵ. Đặc biệt cần lưu ý đến người già và trẻ nhỏ sẽ khó thích nghi hơn do có sức đề kháng kém.
- Chọn nhiệt độ chênh lệch lớn so với nhiệt độ ngoài trời
Giữa ngưỡng thời tiết gần 40 độ C, vì muốn tránh nóng, nhiều người thường hạ thấp nhiệt xuống ở mức rất thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa không gian trong phòng và ngoài trời dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt khi ra, vào phòng. Đồng thời cũng trực tiếp tác động đến quá trình máy hoạt động, làm giảm tuổi thọ của thiết bị.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, mọi gia đình nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức ổn định, chỉ nên có sự chênh lệch khoảng 7- 8 độ C so với bên ngoài.
- Bật chế độ gió to nhất, thổi trực tiếp vào người
Khi mới bật máy lạnh, không ít người sẽ chọn chế độ gió lớn và hướng cho gió thổi trực tiếp vào người. Thói quen xấu này có thể làm mát nhanh nhưng tại tiềm ẩn nhiều tác hại đến sức khỏe.
Không khí lạnh thổi trực tiếp vào người có thể gây ra các bệnh lý về đường hô hấp như hen xuyễn, ho, cảm lạnh,.. Do đó, người dùng nên điều chỉnh thiết bị từ từ và kiên nhẫn đợi phòng mát để ngăn ngừa nhiễm bệnh, tránh sốc nhiệt.
- Lặp lại quá trình tắt, bật nhiều lần trong thời gian ngắn
Đây là thói quen xấu khiến chi phí hóa đơn điện tăng lên đáng kể. Với mỗi lần khởi động, để kích hoạt máy nén và quạt làm mát, thiết bị cần tiêu thụ một lượng điện năng lớn. Nếu thực hiện tắt, bật nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng đến quy trình hoạt động của điều hòa, giảm tuổi thọ và gây tiêu tốn nhiều điện năng.
- Sử dụng điều hòa trong thời gian quá lâu
Bật thiết bị liên tục trong thời gian dài có thể gây hại đến sức khỏe mỗi người. Bởi, hầu hết khi sử dụng mọi người sẽ đóng kín cửa phòng, khiến không khí không được lưu thông, độ ẩm trong phòng bị giảm.
Hãy hạn chế sử dụng điều hòa trong những thời điểm không quá nóng trong ngày. Điều này vừa giúp không gian thông thoáng, vừa giúp tiết kiệm điện năng cho các gia đình, cơ quan.
- Không vệ sinh, bảo trì máy thường xuyên
Công tác vệ sinh, bảo trì điều hòa cần được thực hiện thường xuyên để tăng hiệu suất hoạt động của máy.
Đặc biệt, bộ phận lọc gió luôn sạch sẽ giúp không khí lưu thông tốt, hạn chế bụi bẩn. Với những dấu hiệu trục trặc, hư hỏng máy cũng cần được sửa chữa sớm để duy trì sự hoạt động lâu dài, tiết kiệm điện cho thiết bị.