Ngành truyền thông thấy gì đằng sau những 'drama triệu view' của Viruss, Phạm Thoại?
Theo chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm, cuộc đua truyền thông bẩn đang ăn mòn đạo đức, văn hóa và niềm tin của xã hội. Đã đến lúc mỗi người, từ độc giả, doanh nhân đến người làm truyền thông cần lên tiếng và hành động vì một môi trường thông tin trong sạch.
Trong thời đại thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, truyền thông không chỉ là công cụ phản ánh xã hội mà còn là nhân tố định hình văn hóa, đạo đức và nhận thức của hàng triệu người. Tuy nhiên, "nền kinh tế sự chú ý" đang biến biến mạng xã hội và các nền tảng truyền thông thành một cuộc đua hỗn loạn - nơi drama, scandal và những nội dung độc hại dễ dàng lên ngôi, đẩy lùi những giá trị tích cực và âm thầm xói mòn tương lai của đất nước.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm - Founder & CEO tại Real Up Agency đã có những chia sẻ cùng Tiếp thị & Gia đình.
Từ giải trí triệu view đến “virus” phá hoại xã hội
Gần đây, những cái tên như Viruss (Đặng Tiến Hoàng), Phạm Thoại đã trở thành tâm điểm của các drama triệu view. Chỉ trong một đêm, những tranh cãi đấu tố xoay quanh đời tư của những cá nhân này đã thu hút hàng triệu lượt xem, mang về doanh thu hàng tỷ đồng.
Đơn cử, trong buổi livestream đấu tố tình cảm giữa rapper Pháo và streamer ViruSs trên TikTok thu hút hơn 1 triệu người xem, có thời điểm lên tới hơn 1,5 triệu người xem. Theo ước tính, với lượng người xem khổng lồ, streamer ViruSs có thể thu về hàng trăm triệu đồng sau các buổi livestream.

Hay những phiên livestream gây náo loạn của TikToker Phạm Thoại xoay quanh đến vấn lợi dụng lòng tốt để trục lợi cá nhân. Ước tính nam TikToker này đã thu về hơn 16 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện và hàng triệu lượt xem qua các phiên livestream.
Những con số ấn tượng này không chỉ là biểu hiện của sự tò mò nhất thời, mà còn là dấu hiệu của một xu hướng nguy hiểm - drama không còn là giải trí vô hại, mà đang trở thành công cụ định nghĩa lại đạo đức và văn hóa xã hội.
"Nhận thức xã hội được hình thành từ thông tin. Thông tin tạo nên văn hóa, nhận thức, ý chí và hành động của một hoặc rất nhiều thế hệ. Đó là lý do đạo đức và tôn giáo, tiêu chuẩn xã hội ra đời để dẫn dắt con người.
Với một dân tộc đang trăn trở tăng giá trị để vươn mình như Việt Nam, văn hóa chính là giá trị cốt lõi. Con người là nguồn lực cốt lõi. Thế nhưng, trong lúc Đất nước đang tha thiết và nỗ lực đưa ra những khích lệ về một kỷ nguyên mới, về chất lượng và năng lực con người, về cơ hội vàng, về trí tuệ mới… thì hàng triệu người xem đang bị nhấn chìm bởi thông tin độc hại, lối sống lệch lạc và những tranh cãi vô bổ", chuyên gia nhấn mạnh.
Khi người trẻ chứng kiến những nhân vật như Viruss biến đời tư hỗn loạn thành nguồn thu nhập khổng lồ, họ học được gì? Rằng bất chấp đúng sai, chỉ cần biết cách thu hút sự chú ý, bạn có thể trở thành tỷ phú? Khi Phạm Thoại kêu gọi từ thiện thiếu kiểm soát mà không bị trừng phạt khiến nhiều người nhầm lẫn về "con đường tắt" để làm giàu.
Những hành vi này, nếu không bị ngăn chặn sẽ ngầm được xã hội công nhận như một chuẩn mực - cứ bất chấp đạo đức, miễn là thành công.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra, các nền tảng mạng xã hội đang ưu ái những nội dung giật tít, drama, scandal vì chúng dễ dàng thu hút lượt xem và tương tác. Trong khi đó, những người làm nội dung tử tế, tập trung vào giá trị văn hóa, khoa học hay kỹ năng lại phải chật vật cạnh tranh với thuật toán. Một tiêu đề câu view rẻ tiền có thể dễ dàng lên top, còn những bài viết trăn trở về xã hội hay chia sẻ kiến thức lại bị chôn vùi trong dòng chảy thông tin hỗn loạn.
Hệ quả khiến người trẻ dần tin rằng thành công không đến từ nỗ lực học tập hay sáng tạo, mà từ việc gây chú ý bằng mọi giá. Những cô gái trẻ có thể nghĩ rằng chỉ cần chăm chút ngoại hình, tạo scandal là đủ để được tung hô và kiếm tiền. Những doanh nghiệp nhận ra rằng đầu tư vào drama triệu view mang lại lợi nhuận nhanh hơn nhiều so với việc sáng tạo sản phẩm chất lượng. Thậm chí, một câu hỏi đáng sợ đã xuất hiện trong tâm trí không ít người: “Học 10 năm không bằng livestream vài tiếng chửi nhau, sao phải học tử tế?”
"Khi cái sai không bị trừng phạt, nó trở thành tấm gương cho phần tiêu cực trong xã hội trỗi dậy. Khi cái xấu không bị ngăn chặn, nó sẽ giết chết những mầm thiện còn sót lại. Những thương hiệu tử tế, những bài báo kiến thức, những sáng tạo chân chính dần bị lãng quên trong cuộc đua view bẩn thỉu này", chuyên gia truyền thông nhận định.
Không thể nuôi “rồng” bằng “rác”
Thế hệ vàng của Việt Nam - những người sinh ra trong giai đoạn 1990-2000, lớn lên cùng thời kỳ công nghệ và tư duy tiến bộ được kỳ vọng sẽ là “những con rồng” đưa đất nước bứt phá. Nhưng vào thời điểm mà Việt Nam đang cần những kỳ tích kinh tế, thế hệ này lại đang bị ăn mòn và chìm trong “rác” thông tin. Họ phải đối mặt với sự bất công khi nỗ lực học tập, nghiên cứu hay kinh doanh chân chính lại thua kém những ồn ào rẻ tiền mang tính giải trí.
Trong số đó, tất nhiên vẫn luôn có những người miệt mài đi theo con đường chăm chỉ làm chuyên môn, chăm chỉ kinh doanh, nghiên cứu đổi mới… Và, có lẽ họ đang cảm thấy kiệt sức vì phải chống lại sự phân phối thông tin, chống lại cảm giác thất bại khi kết quả của những nỗ lực về học tập phát triển có thể thua những ồn ào rẻ rúm mang tính giải trí.
Khi một bác sỹ cũng được phân kè so sánh bằng doanh thu, một giáo viên cũng phân kè so sánh bằng views hay độ hot, một nhà nghiên cứu mất hàng năm trời nhưng báo cáo được chục người nghe còn mấy thằng chichdao lên mạng phân bua có hàng triệu người quan tâm và kiếm cả tỉ đồng… đó sẽ là sự bất công và bất cập.

"Muốn thế hệ vàng của dân tộc - những người 16 - 35 tuổi có thể tập trung phát triển, học hỏi thế giới, mở rộng tư duy… thì “thức ăn tinh thần” và môi trường thông tin phải được thiết lập tương xứng. Chúng tôi, những độc giả đang phải hấp thụ một cách thụ động những thông tin xấu xí, quan điểm vô đạo đức, cách hành xử lệch lạc.. dưới sự chi phối của các thuật toán, của nền tảng, và của cả sự kiểm soát lỏng lẻo đối với những nội dung rác. Nếu tiếp tục thờ ơ và hả hê, chúng ta sẽ đánh mất quá nhiều vào tay thuật toán - nguồn lây lan và môi trường phát triển của những con viruss này", chuyên gia truyền thông cho hay.
Để ngăn chặn sự tung hoành của “virus tin bẩn” và bảo vệ giá trị văn hóa, chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm khiến nghị, cơ quan chức năng cùng các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí và quy định rõ ràng, đưa hoạt động sáng tạo nội dung và sở hữu kênh truyền thông kiếm tiền trở thành một nghề có điều kiện, yêu cầu chứng chỉ về đạo đức hành nghề, tương tự như các ngành luật sư hay y tế ở nhiều quốc gia.
"Tại sao các nền tảng đều có tiêu chí cộng đồng và sẵn sàng phạt người dùng, còn chính cộng đồng lớn nhất là văn hoá đại chúng lại không? Một số ngành nghề liên quan đến văn hoá, xã hội ở các nước đều cần học và nhận các chứng chỉ về Đạo luật hành nghề (luật sư), Đạo đức hành nghề.. thì truyền thông cũng thế", chuyên gia truyền thông bày tỏ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cùng các đơn vị liên quan cần thiết lập cơ chế để độc giả có thể tố giác, khiếu nại và yêu cầu cấm sóng những nội dung vi phạm. Ngoài ra, thuật toán thông tin cũng cần được điều chỉnh theo hướng ưu tiên hiển thị thông tin về văn hóa, kỹ năng, khoa học thay vì drama rẻ tiền.
"Không một quốc gia nào có thể vươn lên mạnh mẽ nếu truyền thông chỉ là bãi rác thông tin. “Kỳ tích sông Hàn” của Hàn Quốc sẽ không thể xảy ra nếu người dân chỉ mải mê với scandal thay vì được truyền cảm hứng bởi những giá trị tích cực. Việt Nam cũng vậy, muốn “trong sạch” để “vững mạnh”, truyền thông cần được kiểm soát và định hướng đúng đắn", chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm nhấn mạnh.