Thứ năm, 03/04/2025
logo
Case study

Giới truyền thông nói gì về chiến dịch 'Con chỉ muốn vô tư' đang gây tranh cãi: Đánh mạnh vào cảm xúc người xem nhưng thông điệp liệu có đa chiều, nhân văn?

Hồng Phúc Thứ sáu, 21/03/2025, 07:20 (GMT+7)

Hiện vẫn chưa rõ ý đồ thực sự ẩn dấu đằng sau những tấm biển quảng cáo này nhưng câu hỏi đặt ra cho hầu hết người xem là liệu thông điệp quảng cáo này có mang tính đa chiều và thật sự nhân văn không?

Gán hình ảnh phụ nữ với tính đố kỵ trong chiến dịch quảng cáo mới, 'lợi bất cập hại' doanh nghiệp có ngờ tới?

Giải mã cách chiến dịch OOH bắt trọn tâm trí người xem trong tích tắc?

Đánh mạnh vào cảm xúc người xem

Ngày 15/3, tại nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội, TP. HCM bỗng xuất hiện các biển quảng cáo ngoài trời mạnh thông điệp “Con chỉ muốn vô tư” của những đứa trẻ. Thông điệp và hình ảnh trên các biển quảng cáo đã đánh mạnh vào cảm xúc của người xem. 

Đó là tiếng lòng da diết của đứa trẻ đeo huy chương với đôi mắt buồn bã cùng dòng chữ: "Mẹ ơi, còn bao nhiêu cuộc đua nữa mới đủ? Con chỉ muốn vô tư!". Những tấm biển khác cũng được thiết kế với gam màu và thông điệp tương tự: "Mẹ càng đòi hỏi, con càng mệt mỏi. Con chỉ muốn vô tư!", “Mẹ ơi. Vô địch là mong muốn của ai? Con chỉ muốn vô tư!” hay “Mẹ bớt kỳ vọng con bớt áp lực. Con chỉ muốn vô tư!”.

Những biển quảng cáo này nhanh chóng được lan truyền trên các trang mạng xã hội, thu hút sự quan tâm và tranh luận từ cộng đồng mạng.

z6421770153683_127b033e48763d568974fa5ed6f65abb-2237
Những biển quảng cáo với thông điệp "Con chỉ muốn vô tư" gây nhiều tranh cãi.

Người dùng K.L.D bày tỏ: “Một cách quảng cáo phản cảm, gây hiệu ứng trái chiều. Cách truyền tải này khiến hình ảnh người mẹ không còn là “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Là mẹ, ai cũng mong muốn mọi điều tốt đẹp đến với con mình nhưng mong muốn khác đòi hỏi. Ở đây, nội dung quảng cáo là “sự đòi hỏi” không mang lại thiện cảm khi xem”. 

Đồng quan điểm, người dùng  Đ.L chia sẻ: “Áp lực, kỳ vọng này còn đến từ xã hội nữa và đôi khi phụ huynh cũng là nạn nhân. Đổ hết lên mẹ như thế là không công bằng”.

Hay theo quan điểm của người dùng P.T: "Mình thì thấy u ám và có tâm lý tiêu cực, nếu chỉ là "mẹ ơi con muốn…" thì ok nhưng kiểu này nó cảm giác như khép tội phụ huynh. 

Không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, những biển quảng cáo cáo này là chủ đề hấp dẫn, được 'người trong nghề' tích cực mang ra mổ xẻ. Bởi, dù đã thành công thu hút sự chú ý của người xem nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu những thông điệp quảng cáo này có mang tính đa chiều và thật sự nhân văn không?

Thông điệp liệu có đa chiều, nhân văn?

"Mổ xẻ" chiến dịch dưới góc độ một người làm nghề, chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm - Founder & CEO tại Real Up Agency cho biết, trong sáng tạo nội dung dành cho trẻ em nói riêng (và người thụ hưởng (consumer) - cha mẹ, con cái, người nhận.. nói chung), PoV (kỹ thuật nhập vai) và Storytelling (nghệ thuật kể chuyện) là loại nội dung kinh điển luôn hiệu quả,  vì đây là cách nhân danh đứa trẻ để tạo tác động lên trái tim cha mẹ.

"Các bạn hoàn toàn giỏi trong kỹ thuật sáng tạo, nhưng với mình quảng cáo này giống việc một bác sỹ kê đơn corticoid vậy.Hiệu quả với kết quả phản ứng, nhưng tàn nhẫn với người dùng. Cảm giác nặng nề khi nhìn thấy những thông điệp quảng cáo này không phải vì mình là cha mẹ, mà vì mình là người hiểu tác động của mỗi chiến dịch quảng cáo lớn đến số đông", chuyên gia truyền thông bày tỏ.

thiet-ke-chua-co-ten-3-2252
Thông điệp trên các biển quảng cáo khiến người xem có cảm giác nặng nề, u ám.

Cũng theo vị chuyên gia này, có một ranh giới mong manh giữa việc "nói thay nỗi lòng" và việc vô tình "buộc tội" một đối tượng nào đó. Trong trường hợp này, thông điệp - dù đúng với một bộ phận gia đình - nhưng lại vô tình phủ nhận nỗ lực của cả hai phía. Thực tế, cha mẹ cũng đang vật lộn với áp lực xã hội và con trẻ không phải lúc nào cũng là "nạn nhân" bị buộc phải vô địch, giỏi giang.

Cách tiếp cận của thương hiệu về áp lực học tập của trẻ em tuy không mới, nhưng lại đơn giản hóa một vấn đề phức tạp, đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai người mẹ. Điều này không chỉ khiến các bậc phụ huynh cảm thấy bị tổn thương, mà còn vô tình củng cố định kiến xã hội rằng giáo dục con cái là trách nhiệm đơn độc của phụ nữ. 

Trên thực tế, áp lực thành tích không chỉ đến từ cha mẹ mà còn từ hệ thống giáo dục, kỳ vọng xã hội và phông văn hóa. Trong một xã hội mà giáo dục vẫn là con đường thoát nghèo và vươn lên cho hàng triệu trẻ em, liệu đây có phải là cách tiếp cận nhân văn khi cố gắng xoáy sâu vào cảm giác tội lỗi và “buộc tội” cha mẹ?. 

Hệ lụy khi thương hiệu chọn cách 'đâm vào tim' người xem

Chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm cho rằng, khi thương hiệu chọn cách 'đâm vào tim' người xem bằng góc tối của áp lực gia đình, họ đã vô tình tạo ra những hệ lụy khôn lường. 

Với cha mẹ, cảm giác tội lỗi được khoét sâu, trong khi xã hội vẫn thiếu vắng hệ thống hỗ trợ thực tế. Áp lực "phải hoàn hảo" của cha mẹ ngày càng đè nặng khi thông điệp quảng cáo phủ nhận nỗ lực của họ. Đáng nói, những thông điệp "một chiều" này có thể ảnh hưởng đến nhận thức và tâm lý của trẻ, khiến trẻ áp lực từ chối áp lực cần có hoặc hình thành tâm lý đổ lỗi, sử dụng những quan điểm này để phản kháng cha mẹ.

Rộng hơn là với xã hội, những thông điệp khuyếch đại một cách cực đoan về vấn đề xã hội nhưng không tạo ra giải pháp có thể gián tiếp khoét sâu những mâu thuẫn, gây căng thẳng lên mối quan hệ gia đình và tạo tiền lệ xấu nếu các thương hiệu thi nhau tấn công cảm xúc của phụ huynh để gây tranh cãi.

z6426731240722_cf8f7dff8410e1b4d73e2b49a9a5eab3-2303
Chuyên gia truyền thông Lê Hồng Thắm - Founder & CEO tại Real Up Agency

"Một thông điệp nhân văn cần đặt vấn đề trong tính đa chiều - nghĩa là không chỉ phản ánh một lát cắt cảm xúc từ một phía, mà còn khơi mở những góc nhìn đa dạng, giúp người xem thấu hiểu vấn đề một cách sâu sắc và công bằng hơn.Từ đó, tạo ra sự đối thoại để thay đổi định kiến hoặc khơi gợi sự thấu hiểu, chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những tổn thương.

Đặc biệt, khi chọn tác động vào mối quan hệ phức tạp và mong manh về cảm xúc như gia đình, sự nhân văn của các chiến dịch truyền thông là ở khả năng đồng cảm, kết nối và tạo ra những giao tiếp tích cực – chứ không phải khoét sâu thêm hố sâu khoảng cách của cha mẹ và con cái", chuyên gia truyền thông nhấn mạnh.

Nhìn lại những chiến dịch thành công, có thể thấy sự khác biệt nằm ở cách thương hiệu nỗ lực tạo ra cầu nối thay vì chia rẽ. Chiến dịch “Cứ tha hồ lấm bẩn” của OMO là một ví dụ điển hình. Họ không phủ nhận nỗi lo lắng của cha mẹ về việc con nghịch ngợm, mà giúp họ nhìn nhận lại "lấm bẩn không phải là điều đáng sợ, mà là dấu hiệu của sự học hỏi và trưởng thành". Thông điệp mở ra một cách nhìn mới, giúp cha mẹ thay đổi tư duy thay vì cảm thấy có lỗi.

Tất nhiên, ở chiến dịch quảng cáo này, những quan điểm tiêu cực có thể chỉ để mở đầu cho thông điệp chính mà thương hiệu muốn đưa ra. Nếu trong những giai đoạn tiếp theo, thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích mà đưa ra một giải pháp khích lệ thì có lẽ hiệu ứng cảm xúc của công chúng sẽ thay đổi.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục