Thứ năm, 03/04/2025
logo
Tư vấn tiêu dùng

Ma trận kẹo giảm cân quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, người dùng cần tỉnh táo tránh ‘rước họa vào thân’

Hoàng Minh Thứ năm, 20/03/2025, 16:26 (GMT+7)

Nhiều loại “kẹo giảm cân” đang quảng cáo rầm rộ trên nhiều hội nhóm facebook và nền tảng điện tử với công dụng giảm cân thần tốc, người tiêu cần tỉnh táo tránh “rước họa vào thân”.

Chỉ ăn đồ luộc để giảm cân, cẩn thận cơ thể có thể gặp phải 4 vấn đề nghiêm trọng này

Người tiêu dùng thẩn trọng khi sử dụng sản phẩm giảm cân 'siêu tốc' Max Slim 7 Days

Cà phê giảm cân gừng đen mật ong quảng cáo thổi phồng công dụng, bác sĩ cảnh báo điều bất ngờ

Loạn thị trường kẹo giảm cân

Trên thị trường hiện có nhiều loại kẹo giảm cân đang được quảng cáo và chào bán rầm rộ đặc biệt là trên mạng xã hội facebook. Bằng những lời lẽ quảng cáo có cánh “giảm cân thần tốc” như: “Giảm 5 - 9kg trong vòng 15 - 30 ngày sau một liệu trình, không gây tác dụng phụ hay không mệt mỏi và không gây hại…” để đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

a55-1445
Nhiều hội nhóm facebook quảng cáo và chào bán các dòng sản phẩm "kẹo giảm cân".

Theo đó, phóng viên chỉ cần gõ từ khóa "kẹo giảm cân" trên nền tảng mạng xã hội facebook sẽ hiện ra hàng loạt hội nhóm và tài khoản chuyên bán các loại kẹo giảm cân như: “Kẹo giảm cân socola Đan Mạch, Kẹo giảm cân sâm nhung plus, Kẹo giảm cân sâm plus S’Body Green, Kẹo giảm cân sâm plus detoxx1000, Kẹo chanh giảm cân Lemol Slim, Kẹo dứa giảm cân ...".

Qua khảo sát, hầu hết các bài viết trong các hội, nhóm facebook đều quảng cáo “kẹo giảm cân” như một phương pháp giảm cân thần kỳ gồm: “Kẹo socola giảm cân Đan Mạch đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể. Hạn chế kiểm soát bữa ăn, giảm cơn thèm ăn, giúp chuyển hóa tốt lượng dư thừa, lấy lại vóc dáng ngay sau 1 liệu trình. Giảm mỡ thừa, giúp cơ thể trở nên nhẹ nhàng hơn và không có tác dụng phụ, không gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể”.

a999-1528
Kẹo dứa giảm cân VIC được quảng cáo có tác dụng giảm cân nhanh chóng không cần ăn kiêng hay tập thể dục.

Trong một bài quảng cáo về kẹo dứa giảm cân có nêu: “Kẹo dứa giảm cân VIC - khắc tinh của mọi loại mỡ, giảm cân dễ như ăn kẹo, eo thon cực đơn giản. Không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục, chỉ cần nhai 1 viên kẹo sau khi ăn sáng sau 1 tuần giảm ngay 2 – 4 ký”.

Đáng chú ý, ghi nhận tại fanpage Facebook “Kẹo socola giảm cân Đan Mạch” với 4K thành viên, không khó để bắt gặp những bài viết quảng cáo sản phẩm kẹo Chokolade Vægttab giảm cân Đan Mạch với nhiều công dụng "thần thánh".

keo4
Tài khoản facebook Lương Kiu's quảng cáo sản phẩm kẹo Socola sẽ giảm cân.

Đơn cử, trên fanpage này có tài khoản tên “Lương Kiu's” đăng tải: “Khách cứ hỏi em kẹo Socola có giảm cân thật không chị? Có dùng là sẽ có giảm, hỏi hoài mà không mua thì chắc chắn là không giảm rồi nha. Mỡ mà cứ ủ bên người hoài không chịu tống đi, để càng lâu càng tích tụ săn chắc lại, càng khó giảm, thì lúc đó lại đổi cho cơ địa em nhờn thuốc. Không có cơ địa nào nhờn thuốc đâu, chẳng qua là chưa gặp được đúng sản phẩm thôi. Tư vấn ai cũng kêu nhờn, mà dùng kẹo socola xong cứ giảm phe phé ấy. Chỉ 1 ăn viên kẹo vào buổi sáng thôi đủ năng lượng hoạt động cả ngày. Sau một tuần nhìn lại body hú hồn luôn nè”.

Để tăng tính chân thật và thuyết phục người mua hàng, mỗi bình luận bán hàng đều kèm theo ảnh “người thật, việc thật” với cam kết giảm 3 - 7kg trong vòng 7 ngày nhưng không gây mệt mỏi, mất nước và tăng cân trở lại. 

a88-1523
Nhiều phản hồi tích cực được hội nhóm facebook quảng cáo khi sử dụng kẹo Socola.

Thậm chí, người bán còn khẳng định: “Ăn 30 viên kẹo mất luôn cái bụng mỡ bèo nhèo. Rất tự tin với kẹo giảm cân nhà em, tại sao em lại tự tin đến vậy vì hiểu cơ chế đốt mỡ của nó. Tất cả chị em đã dùng quá nhiều phương pháp giảm cân nhưng không hiệu quả thì thử ăn kẹo nhà em đi nhé, cam kết không mệt”.

Cần cảnh giác tránh hậu quả khôn lường

Theo các chuyên gia y tế, những lời hứa hẹn giảm cân "thần kỳ" nghe có vẻ lý tưởng nhưng sau đó là vô số những rủi ro về sức khỏe. Thực tế, đã có nhiều người sử dụng kẹo giảm cân bán trôi nổi trên mạng xã hội có những biến chứng như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi.

a1234-1554
Có nhiều trường hợp mua sản phẩm  keo socola giảm cân tràn lan trên mạng phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, vào ngày 7/2/2025, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP. Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận nhiều phụ nữ bị biến cố sức khỏe khi giảm cân cấp tốc. Trong đó, chị T.H (35 tuổi, ở Đồng Nai) đã mua một loại kẹo giảm cân socola trên mạng về sử dụng. Sản phẩm được quảng cáo với tác dụng "ngăn hình thành mỡ thừa, đốt cháy mỡ, trắng da, mịn màng, giảm đến 7kg sau 2 - 3 tuần sử dụng…". Tuy nhiên, sau 1 tuần sử dụng sản phẩm người phụ nữ này cảm thấy mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh và mất cảm giác đói.

Tương tự, chị L.N tham gia hội nhóm giảm cân trên mạng và cũng mua kẹo dứa giảm cân cấp tốc với giá hơn 200.000 đồng/gói, cùng cam kết sẽ giảm 2 - 3kg trong 7 ngày, không mệt mỏi, mất nước. Nhưng trong quá trình sử dụng sản phẩm chị N không thấy giảm mà còn bị tăng cân, mất ngủ.

a98-1543
Kẹo dứa giảm cân VIC được bán khá nhiều trên mạng xã hội facebook.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, đã có nhiều người uống các sản phẩm giảm cân “thần tốc” không rõ nguồn gốc được quảng cáo và bán trên mạng xã hội. Đáng chú ý, việc sử dụng này lại không có sự tư vấn từ các chuyên gia, bác sĩ nên gây ra không ít những hệ lụy khó lường. Bởi các sản phẩm giảm cân trên có nguy cơ hủy hoại sức khỏe, gây mất nước, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến tính mạng.

Ở diễn biến khác, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia vừa phát hiện trong một mẫu thuốc giảm cân được bán trên Tiktok có chứa Sibutramine. Đây là thuốc một người phụ nữ 21 tuổi đã dùng và phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, phát hiện có tổn thương não. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng từng nhiều lần cảnh báo về các sản phẩm quảng cáo có tác dụng giảm cân chứa chất cấm nguy hiểm, điển hình là Sibutramine và Phenolphthalein.

a321-1547
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) khẳng định, sản phẩm “kẹo ngậm, viên uống, trà, cà phê giảm cân giúp giảm cân thần tốc" đang được quảng cáo tràn lan trên Facebook khi sử dụng sẽ gây nhiều biến chứng tới sức khỏe.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho hay, Sibutramine là chất gây ức chế cảm giác thèm ăn, đã bị cấm sử dụng trên người vì có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là ảnh hưởng đến tim mạch, gây đau tim, loạn nhịp tim, huyết áp cao, đột quỵ, kích động, ảo giác…

“Những sản phẩm này thường gây giảm cân nhanh bằng cách làm mất, ức chế thần kinh trung ương để giảm cảm giác đói. Điều này không tác động đến mỡ thừa mà chỉ gây mất nước hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, dẫn đến hiệu quả giảm cân tạm thời và không bền vững” - bác sĩ Ngọc cảnh báo. 

Bác sĩ Ngọc khẳng định, sản phẩm “kẹo ngậm, viên uống, trà, cà phê giảm cân giúp giảm cân thần tốc, không cần ăn kiêng hay tập luyện” đang được quảng cáo tràn lan trên Facebook, Tiktok là sai sự thật. Việc sử dụng các sản phẩm, thuốc giảm cân, không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy kiệt, suy gan thận, teo mật, sốc phản vệ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tổn thương não, xuất huyết dạ dày, suy gan, thận, rối loạn điện giải, sốc phản vệ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục