Thứ năm, 19/12/2024, 11:36 (GMT+7)

Gán hình ảnh phụ nữ với tính đố kỵ trong chiến dịch quảng cáo mới, 'lợi bất cập hại' doanh nghiệp có ngờ tới?

Trong giới truyền thông đang nổ ra những tranh cãi liên quan đến chiến dịch quảng cáo của một doanh nghiệp thẩm mỹ. Nhiều người cho rằng, thay vì truyền tải các thông điệp mang tính truyền cảm hứng thì doanh nghiệp này lại đi "ngược" xu hướng khi gán hình ảnh phụ nữ với tính đố kỵ độc hại.

Mới đây, một doanh nghiệp thẩm mỹ đã cho ra mắt chiến dịch quảng cáo "Hút ánh nhìn, gợi khát khao". Trong chiến dịch này, thương hiệu đã xây dựng ý tưởng truyền thông dựa trên tính đố kỵ của phụ nữ. Cụ thể, biển quảng cáo này được thiết kế với phần hình ảnh một cô hoa hậu đằng trước, phía sau là hình ảnh một người phụ nữ kém sắc, có nhiều khuyết điểm cùng với đó là những câu nói mang tính đố kỵ như “trắng quá nhìn ghét ghê”, “đẹp quá nhìn ghét ghê”, “eo thon quá nhìn ghét ghê”. 

Sau hai ngày ra mắt, chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng làm truyền thông. Nhiều ý kiến ghi nhận sự táo bạo trong cách truyền thông của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, không ít người đã bày tỏ sự lo ngại về tư duy và đạo đức marketing của doanh nghiệp này khi sử dụng sự ghen tị ở phụ nữ để quảng cáo dịch vụ làm đẹp.

Thumb (99)
Chiến dịch quảng cáo "Hút ánh nhìn, gợi khát khao" của một doanh nghiệp thẩm mỹ gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều.

Dưới góc độ truyền thông của người làm nghề, chị Phương Vũ bày tỏ: "Thông điệp truyền thông mà thương hiệu này muốn truyền tải là gì khi xây dựng hình ảnh một người phụ nữ ghen tị với một người phụ nữ khác chỉ vì cô ấy có ngoại hình tốt hơn?".

Thực tế cho thấy, trong tư duy của nhiều người, phụ nữ là những người dễ ganh ghét, đố kỵ nhau trong khi đàn ông lại không bị gán với tính cách độc hại này. Tuy nhiên, nét tính cách này luôn có ở bất kỳ giới tính nào. Vì vậy "việc một cơ sở thẩm mỹ xây dựng chiến dịch truyền thông dựa trên hình ảnh là sự ghen tị ở những người phụ nữ với nhau thì đó là những vấn đề tiêu cực mà đội ngũ làm marketing của thương hiệu này cần xem xét" - cô nhấn mạnh. 

Cũng theo cô, marketing không đơn thuần là một hoạt động thúc đẩy bán hàng mà còn góp phần tạo ra những giá trị về văn hóa, tư duy cho xã hội. Xã hội ngày nay đang tôn vinh những vẻ đẹp khác biệt của mỗi người và hiển nhiên trong xã hội này, không có một chuẩn mực nào cho cái đẹp. Cái đẹp theo đó là sự hài hòa giữa cá tính và ngoại hình của mỗi người. Phụ nữ làm đẹp vì họ muốn yêu thương bản thân, muốn tốt hơn để phục vụ cuộc sống chứ không phải vì họ ghen tị với người khác. 

Việc xây dựng thông điệp truyền thông thiếu tích cực, thậm chí mang yếu tố độc hại đối với phụ nữ cũng sẽ tạo những ảnh hưởng lệch lạc về tư duy xã hội, đặc biệt là tới những tầng lớp thế hệ trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình hình thành nhân sinh quan. 

“Làm marketing có đạo đức không chỉ là quan tâm đến hiệu quả quảng cáo bán hàng mà còn phải cân nhắc kỹ lưỡng về thông điệp truyền thông mà mình đưa ra đã có sự tử tế và truyền cảm hứng hay chưa” - cô khẳng định dưới góc độ làm nghề. 

Cô cho rằng, để tạo nên một chiến dịch quảng cáo thành công, người làm quảng cáo cần biết và hiểu rõ về khách hàng và những nỗi đau mà họ đang phải đối mặt. Với các cơ sở thẩm mỹ, khách hàng của họ là những người có tiền, là những bản thể và những tính cách khác nhau, họ mạnh mẽ, thông minh và không phải gắn với hình ảnh ghen tị, nhỏ mọn. 

"Hình ảnh phụ nữ ghen tị như thế này có thực sự đại diện cho insight, nỗi đau, khao khát của khách hàng khi làm thẩm mỹ hay không? Người marketing cần cân nhắc thật kỹ bởi lợi bất cập hại cho doanh nghiệp” - cô nêu rõ. 

Cùng chuyên mục