Thứ tư, 14/05/2025
logo
Góc nhìn

Thuê người mạo danh bác sĩ quảng cáo, doanh nghiệp có thể bị phạt tối đa bao nhiêu?

Hồng Phúc Thứ tư, 14/05/2025, 06:20 (GMT+7)

Mức phạt đối với hành vi thuê người mạo danh bác sĩ để quảng cáo có thể lên đến hàng trăm triệu đồng nếu kết hợp với việc cố tình quảng cáo không đúng hoặc gây hiểu lầm về chất lượng, công dụng của sản phẩm.

Lợi dụng niềm tin của người dân đối với đội ngũ y bác sĩ, một số cá nhân và tổ chức đã bất chấp đạo đức và pháp luật, thuê “diễn viên” đóng vai bác sĩ, lương y để quảng cáo thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng với người tiêu dùng mà còn khiến các cá nhân, doanh nghiệp phải đối mặt với các vấn đề về pháp lý. Vậy đằng sau chiêu trò tinh vi này là gì và pháp luật quy định ra sao đối với hành vi này?

Trao đổi với Tiếp Thị & Gia đình, luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý liên quan đến vấn đề này. 

z6580801325180_afe451f130ceda272ecd2233f4e2ed3e
Luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định hành thuê việc mạo danh bác sĩ để quảng cáo là vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, đâu là động cơ khiến một số cá nhân và tổ chức bất chấp đạo đức và pháp luật, thuê “diễn viên” đóng vai bác sĩ, lương y để quảng cáo thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng?

Bác sĩ từ lâu được xem là biểu tượng của sự uy tín, chuyên môn và trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe. Niềm tin của người dân, đặc biệt là bệnh nhân, đối với bác sĩ thường rất lớn, khiến hình ảnh áo blouse trắng trở thành công cụ lý tưởng để thuyết phục người tiêu dùng. 

Các đối tượng lợi dụng điều này, thuê “diễn viên” đóng vai bác sĩ để tạo cảm giác đáng tin cậy, khiến người xem dễ dàng tin tưởng vào chất lượng và công dụng của sản phẩm, dù sản phẩm đó có thể không đạt tiêu chuẩn hoặc bị thổi phồng công dụng. Bằng cách thuê “diễn viên” mạo danh, các đối tượng tạo ra một kịch bản quảng cáo hấp dẫn, khéo léo lồng ghép sản phẩm để thúc đẩy hành vi mua hàng, từ đó gia tăng doanh thu nhanh chóng.

Bên cạnh đó, so với việc hợp tác với bác sĩ thật hoặc đầu tư vào nghiên cứu, kiểm định chất lượng sản phẩm, việc thuê “diễn viên” đóng vai bác sĩ có chi phí thấp hơn nhiều. 

Các đối tượng chỉ cần trả thù lao cho người đóng vai, sản xuất video quảng cáo đơn giản trên mạng xã hội và tận dụng các nền tảng như YouTube, Facebook để tiếp cận hàng triệu người. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc bán thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm giá cao nhưng chất lượng không đảm bảo, có thể mang lại khoản tiền khổng lồ, khiến các đối tượng sẵn sàng bất chấp rủi ro pháp lý.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi thuê người mạo danh y bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng là đúng hay sai?

Việc thuê người mạo danh bác sĩ để quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng là hành vi trái quy định của pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp biết rõ cá nhân mà mình thuê quảng cáo không phải là bác sĩ nhưng vẫn cố tình để người này mạo danh là bác sĩ hoặc bản thân doanh nghiệp tự xây dựng nội dung, sản xuất nội dung quảng cáo gắn hành ảnh người này với hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ hay nhân viên y tế để quảng cáo về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì doanh nghiệp được xác định là chủ thể vi phạm. 

Bên cạnh đó, nếu sự việc có tình chất chuyên nghiệp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cá nhân người được thuê để cố tình lừa dối khách hàng nhằm thu lợi nhuận không chính đáng.

Mức phạt đối với doanh nghiệp theo quy định hiện hành ra sao? 

Với hành vi vi phạm này thì doanh nghiệp sẽ phải đối diện với hình thức xử phạt theo quy định tại Điều 34 và Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 5 Nghị định này thì mức phạt đối với doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm sẽ cao gấp 2 lần mức phạt bị áp dụng với cá nhân vi phạm.

Tức là, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với hành vi sử dụng hình ảnh, trang phục, của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm và có thể bị phạt từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu như việc mạo danh bác sĩ này kết hợp với việc cố tình quảng cáo không đúng hoặc gây hiểu lầm về chất lượng, công dụng của sản phẩm đã đăng ký và được công bố theo quy định của pháp luật.

z6593964157263_e7f15dac405179e64f468056f1189e93
Mức phạt đối với hành vi thuê người mạo danh bác sĩ để quảng cáo có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, trường hợp sản phẩm của doanh nghiệp này có chất lượng, giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã được công bố hoặc đăng ký; hàng hóa có ít nhất một chỉ tiêu chất lượng hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng và công dụng chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc so với tiêu chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố hoặc ghi trên nhãn mác, bao bì sản phẩm thì doanh nghiệp còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, mua bán hàng giả là thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn gian dối trong đó có thể bao gồm thủ đoạn thuê người mạo danh bác sĩ để tạo lòng tin cho khách hàng để bán được nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đặc tính, thu lợi bất chính nhằm thu lợi bất chính thì tùy mức độ còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự.

Để tránh các rủi ro pháp lý, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì? 

Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm khi tự mình sản xuất nội dung quảng cáo hay thuê đơn vị sản xuất nội dung quảng cáo cần nâng cao hơn nữa việc tự kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi đưa nội dung này đến người tiêu dùng.

Từ đó có thể phát hiện sớm và điều chỉnh nội dung quảng cáo cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với nội dung cống bố sản phẩm của doanh nghiệp. Trên hết, các doanh nghiệp nên đặt tiêu chí và lựa chọn phương án phát triển vững mạnh, lâu dài lên hàng đầu, tránh vì cái lợi trước mắt mà đưa ra các nội dung quảng cáo gian dối, sai lệch sự thật, thổi phồng sản phẩm để thu hút khách hàng, thu lợi trong thời gian ngắn mà đánh đổi uy tín và niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp cũng như sản phẩm mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng trong nhiều năm.

Cảm ơn luật sư về những chia sẻ!

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục