Thứ hai, 12/05/2025
logo
Case study

Tình mẹ qua lăng kính thương hiệu: Những chiến dịch khiến trái tim tan chảy nhân Ngày của Mẹ 2025

Thanh Hoa Thứ hai, 12/05/2025, 13:48 (GMT+7)

Từ công nghệ, thời trang, đồ gia dụng đến ẩm thực, các chiến dịch Ngày của Mẹ năm nay đã minh chứng rằng: tình mẫu tử không cần nói lớn, chỉ cần kể tinh tế.

Meta đẩy mạnh giải pháp AI tại Việt Nam, mở đường cho doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên số

VPPE 2025: Cầu nối bền vững giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp

Quảng cáo ngoài trời ‘giấu logo’: Chiến lược thông minh hay trào lưu ‘bắt trend’ nhất thời?

Ngày của Mẹ 2025 (11/5) đã trở thành dịp đặc biệt để các thương hiệu không chỉ tri ân người phụ nữ vĩ đại trong mỗi gia đình, mà còn mở ra không gian kể chuyện sâu sắc về tình mẫu tử. 

Apple biến khoảnh khắc gia đình thành ký ức sống động

Apple tiếp tục khẳng định vị thế “bậc thầy kể chuyện” của mình với chiến dịch “A Gift For Mom” – một bộ phim ngắn do TBWA\Media Arts Lab Los Angeles sản xuất, kể về hành trình đầu đời của một gia đình trẻ.

Điểm độc đáo nằm ở cách Apple đưa công nghệ gắn liền với cảm xúc: Người cha Sam đã dùng iPhone để ghi lại hơn 55 giờ video trong năm đầu đời của con, sau đó kết hợp cùng đạo diễn Goh Iromoto tạo nên món quà bất ngờ gửi tới người vợ – Khulan vào Ngày của Mẹ.

63566-132149-avpmothersday-xl-1103
Apple kể chuyện với chiến dịch “A Gift For Mom” (Ảnh: Sưu tầm)

Khi Khulan đeo Apple Vision Pro để xem lại những khoảnh khắc ấy, người xem như được “đi vào” trái tim của một người mẹ: vỡ òa, xúc động và đầy chân thực. Không quảng bá tính năng rầm rộ, Apple chỉ nhẹ nhàng gợi mở rằng: Công nghệ có thể trở thành “kho lưu trữ cảm xúc” – nơi tình yêu của mẹ không bao giờ phai mờ.

LG Electronics gợi kết nối thế hệ thông qua âm nhạc

MV “Nếp nhà” của LG Việt Nam đã mang đến một cách tri ân đậm chất văn hóa Việt. Hợp tác với Hòa Minzy, Obito và Hứa Kim Tuyền, LG tạo nên một câu chuyện âm nhạc phản ánh vai trò gìn giữ gia đình của người mẹ – từ những nếp gấp quần áo đến nếp sinh hoạt hằng ngày.

Nhân vật chính là cô gái trẻ rời quê lên thành phố theo đuổi đam mê thiết kế thời trang, dần xa cách mẹ và mái ấm. Qua hành trình của người em trai tinh nghịch (do Obito thủ vai) và những ký ức hiện về, cô dần thấu hiểu tình yêu thầm lặng của mẹ. MV khép lại bằng một bữa tiệc ấm cúng, khi chiếc váy cũ được làm mới như biểu tượng của sự chữa lành và kết nối thế hệ.

Uniqlo và tình mẫu tử ẩn trong từng cử chỉ nhỏ

Thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo đã hợp tác cùng agency Mother Shanghai để ra mắt bộ sưu tập đặc biệt “Love, Mother”. Không cầu kỳ hay tráng lệ, bộ sưu tập ghi điểm bởi sự gần gũi và chân thật, khi tái hiện những hành động giản dị mà mẹ nào cũng từng làm: bóc trứng, đưa bình nước nóng hay tặng con chiếc bùa bình an bằng ngọc bích...

Mỗi hình in trên áo thun và túi tote đều đi kèm thông điệp: “Không bao giờ ngừng cần tình yêu của mẹ”. Đây là cách Uniqlo và Mother Shanghai tôn vinh những biểu hiện “vụng về” nhưng đầy tình cảm của các bà mẹ – điều đôi khi bị thế hệ trẻ hiểu lầm là “kiểm soát” nhưng thực chất lại là yêu thương thuần khiết nhất.

media-1_11zon-1105
Uniqlo ra mắt bộ sưu tập đặc biệt “Love, Mother” (Ảnh: Sưu tầm)

Tiffany & Co. định nghĩa sức mạnh qua tình yêu

Tạm gác lại vẻ hào nhoáng của trang sức cao cấp, Tiffany & Co. mang đến chiến dịch “Strong Like Mom” với một thước phim nhẹ nhàng nhưng đầy nội lực. Điểm đặc biệt là: Những nhân vật chính trong phim đều là con của các nhân viên Tiffany, có độ tuổi từ 5 đến 15. Các em được hỏi: “Điều gì khiến mẹ của con mạnh mẽ?” và câu trả lời là những cảm xúc chân thật đến rung động.

Khép lại đoạn phim là loạt ảnh đời thường của mẹ và con không qua chỉnh sửa, không sắp đặt, chỉ có sự chân thành. Thương hiệu nổi tiếng này một lần nữa chứng minh rằng vẻ đẹp của người phụ nữ không nằm ở món trang sức họ đeo, mà ở trái tim họ mang.

Kraft Mac & Cheese biến món quà tuổi thơ thành trang sức

Với chiến dịch đầy hoài niệm, Kraft Mac and Cheese đã biến “vòng cổ nui” – món đồ thủ công kinh điển mà bao đứa trẻ từng tặng mẹ trở thành một món trang sức thực thụ. Hợp tác với Ring Concierge, thương hiệu này cho ra mắt chiếc vòng cổ Forever Macaroni làm từ vàng 14K, mô phỏng đúng hình dạng chiếc nui ống quen thuộc.

Không chỉ là một món quà tinh xảo, đây còn là biểu tượng gợi nhắc về tình yêu đầu đời của những đứa con dành cho mẹ. Và đúng chất Kraft: Mỗi đơn hàng còn tặng kèm hộp nui phô mai “ăn được” như một cách hài hước, vui nhộn và đầy cảm xúc.

media-2_11zon-1106
Kraft Mac and Cheese biến “vòng cổ nui” thành món trang sức thực thụ (Ảnh: Sưu tầm)

Amazon cùng chiếc hộp chứa lời yêu thương

Thay vì tôn vinh sản phẩm, Amazon chọn trở thành người quan sát tinh tế. Trong quảng cáo Ngày của Mẹ, thương hiệu không bán hàng mà ghi lại khoảnh khắc những đứa trẻ tự tay làm quà, rồi gói bằng chính hộp Amazon – vật dụng vốn được xem là “phụ” nhưng nay lại trở thành “trợ lý cảm xúc”.

Thông điệp của chiến dịch cực kỳ giản dị nhưng sâu sắc: “Chúng tôi không thể thay thế món quà bạn tự làm cho mẹ. Nhưng chúng tôi có thể giúp bạn gói nó thật đẹp". Đây là minh chứng cho chiến lược tiếp thị nhân văn – nơi thương hiệu không cần đứng ở trung tâm, chỉ cần đứng đúng vai là đã chạm được trái tim người xem.

Pandora thể hiện tình yêu không giới hạn trong biểu tượng vô cực

Pandora ra mắt bộ sưu tập “Biểu tượng vô cực” như một cái ôm lặng thầm dành cho tất cả những bà mẹ. Lấy hình ảnh vô cực làm cảm hứng thiết kế, bộ sưu tập lần này như lời cam kết về tình yêu không điều kiện – nơi người mẹ luôn là chốn an toàn để con cái tìm về.

Không ồn ào, không khoa trương, Pandora khéo léo gửi đi thông điệp: Có những lời yêu khó nói thành lời, nhưng một món trang sức đúng cảm xúc có thể thay vạn ngôn từ.

media-3_11zon-1108
Pandora ra mắt bộ sưu tập “Biểu tượng vô cực” (Ảnh: Sưu tầm)

Có thể thấy, các chiến dịch Ngày của Mẹ 2025 cho thấy một bước chuyển rõ rệt: từ hướng tiếp thị thúc đẩy mua hàng sang hướng tiếp thị truyền cảm hứng. Các thương hiệu không còn chạy theo những món quà vật chất, mà thay vào đó, họ lựa chọn đồng hành cùng cảm xúc, thấu hiểu vai trò và những hy sinh âm thầm của người mẹ trong đời sống hiện đại.

Khi thương hiệu biết lắng nghe và kể lại câu chuyện bằng trái tim, người tiêu dùng không chỉ nhớ đến sản phẩm – họ nhớ đến cảm giác. Và đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà bất kỳ chiến dịch nào cũng nên hướng tới.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục