Quảng cáo ngoài trời ‘giấu logo’: Chiến lược thông minh hay trào lưu ‘bắt trend’ nhất thời?
Quảng cáo ngoài trời “giấu logo” nghe như điều đi ngược lại mọi nguyên tắc xây dựng nhận diện. Vậy, vì đâu mà không ít thương hiệu gần đây đã lựa chọn nước cờ táo bạo này?
Bắt đúng nhịp tiêu dùng theo thế hệ: Vũ khí bí mật giúp thương hiệu vươn lên dẫn đầu
Đề xuất nghiêm cấm quảng cáo, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trên mạng xã hội
Quảng cáo ngoài trời 2025: Loại hình nào sẽ giúp thương hiệu bứt phá, dẫn đầu trong tương lai?
Ngày càng nhiều “ông lớn” như Heinz, Kellogg’s, McDonald’s hay Tesco lại thử sức với quảng cáo ngoài trời giấu logo. Chiến lược này được đánh giá không đơn thuần là một làn gió mới về mặt sáng tạo mà còn phản ánh giai đoạn chuyển mình đầy bản lĩnh của ngành quảng cáo ngoài trời (OOH).
Thương hiệu “ẩn danh” – Tuyên ngôn tự tin hay bước đi mạo hiểm?
Theo CEO Phạm Ngọc Linh - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Unique OOH, việc loại bỏ logo trong quảng cáo không có nghĩa là từ bỏ nhận diện thương hiệu. Trái lại, đây là cách các thương hiệu tự tin khẳng định sức mạnh của mình thông qua những yếu tố thị giác đã khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng.
Heinz là một ví dụ điển hình. Chiến dịch “It Has to Be” của hãng không cần đến logo vẫn có thể tạo sự nhận diện tức thì thông qua hình ảnh món đậu nướng truyền thống và chai ketchup đặc trưng. “Khi một thương hiệu đủ ‘tài sản’ để người tiêu dùng nhận ra ngay cả khi không có tên, đó là đỉnh cao của xây dựng thương hiệu”, CEO Phạm Ngọc Linh nhận định.

Tương tự, Kellogg’s với biểu tượng chú gà trống; McDonald’s với gam màu đỏ vàng và hình ảnh khoai tây chiên hay Tesco thay thế logo bằng những từ như “Laugh” hay “Party”... Tất cả đều đang khai thác triệt để những gì người tiêu dùng đã “giao tiếp” với thương hiệu suốt hàng thập kỷ qua.
Quảng cáo ngoài trời vốn là một trong những hình thức tiếp cận “trực tiếp” nhất – nơi người đi đường chỉ có vài giây lướt qua để ghi nhớ. Việc truyền tải thông điệp bằng sự tinh giản đòi hỏi phải có chiến lược thị giác mạnh, cấu trúc thiết kế tốt và khả năng kể chuyện thông qua hình ảnh.
CEO Phạm Ngọc Linh cho biết, phong cách tối giản trong quảng cáo ngoài trời không phải là thứ có thể sao chép hay áp dụng bừa bãi. “Không phải thương hiệu nào cũng có thể ‘giấu tên’ mà vẫn khiến khách hàng nhận ra mình. Nếu tài sản thương hiệu chưa đủ mạnh, việc bỏ logo chẳng khác nào… tàng hình giữa biển thông tin. Do đó, chọn tối giản là chọn tinh tế. Và tinh tế chưa bao giờ là dễ dàng.

Sáng tạo là đích đến, không phải công thức
Dù đánh giá cao tính sáng tạo của trào lưu “giấu logo”, CEO Phạm Ngọc Linh cũng cảnh báo các doanh nghiệp không nên chạy theo phong trào: “Khi mọi thương hiệu đều tối giản, đều ‘giấu nhẹm’ logo thì thứ từng là khác biệt sẽ trở thành chuẩn mực, và rồi lại… nhàm chán”.
CEO cho rằng, điều quan trọng không nằm ở việc logo có xuất hiện hay không, mà nằm ở thông điệp, ý tưởng, cảm xúc và sự kết nối mà chiến dịch tạo ra. “Thành công thật sự là khi thương hiệu tìm được tiếng nói riêng – một cách kể chuyện độc đáo, không thể sao chép và đặc biệt là… không thể bị lãng quên.”
Một điểm thú vị khác được CEO Phạm Ngọc Linh chia sẻ là vai trò lan tỏa của quảng cáo ngoài trời hiện đại. Theo ông, một chiến dịch OOH thành công hiện nay không chỉ dừng lại ở việc hiển thị ngoài đường phố: “Nếu trước đây quảng cáo ngoài trời đơn thuần là truyền tải thông điệp thì bây giờ, nó là điểm bắt đầu của câu chuyện đa kênh. Một tấm billboard thông minh, giàu tính gợi mở có thể lan truyền trên mạng xã hội, truyền thông online và tạo ra hiệu ứng domino về mặt thương hiệu”.
Ví dụ điển hình là chiến dịch “OG” của Kellogg’s, nơi chỉ cần một câu “The OG” cùng bảng màu thương hiệu đã đủ khiến người tiêu dùng phải dừng lại, chụp ảnh và chia sẻ trên mạng. Chiến lược được đánh giá là đỉnh cao của truyền thông tích hợp, nơi một điểm chạm có thể kích hoạt hàng loạt hành vi chia sẻ và tương tác.

Thương hiệu cần bản lĩnh để “ẩn mình”
Che giấu logo không phải là một chiêu trò. Theo CEO Unique OOH, đó là một tuyên bố bản lĩnh – một sự khẳng định rằng thương hiệu đã đủ lớn để không cần giới thiệu, đủ tin tưởng vào bản sắc của mình và dám thử nghiệm với những điều không chắc chắn.
“Không có công thức chung cho thành công nhưng có một nguyên tắc chung cho sự khác biệt: Hãy dám nghĩ lớn, dám thử cái mới và luôn đặt câu hỏi ‘điều gì sẽ khiến người xem phải dừng lại?’”, CEO kết luận.

Chiến lược giấu logo trong quảng cáo ngoài trời là minh chứng cho một giai đoạn phát triển trưởng thành của thương hiệu. Tuy nhiên, như CEO Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, điều cốt lõi không nằm ở sự biến mất của logo mà ở tư duy chiến lược, sự nhạy bén với hành vi người tiêu dùng và năng lực sáng tạo vượt khỏi khuôn mẫu. Với OOH, “ẩn mình” đôi khi là cách thể hiện rõ nhất bản lĩnh của một thương hiệu đã thật sự đi vào lòng công chúng.