Thứ bảy, 10/05/2025
logo
Xu hướng thị trường

VPPE 2025: Cầu nối bền vững giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp

PL Thứ bảy, 10/05/2025, 20:25 (GMT+7)

Sáng ngày 09/5/2025, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Bình Dương, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Giấy và Bao bì – VPPE 2025, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã tổ chức sự kiện đặc biệt “VPPE 2025 – Kết nối, giao lưu sinh viên ngành giấy”.

Bao bì thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu

Ký kết hợp tác chiến lược Dự án nhà máy sản xuất giấy quy mô tại tỉnh Thanh Hóa

Khai mạc Triển lãm Quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam - VPPE 2025

Chương trình quy tụ đông đảo giảng viên, sinh viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước cùng với các doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững cho ngành công nghiệp giấy Việt Nam.

Cầu nối thế hệ – Khơi nguồn cảm hứng

Với sứ mệnh “Kết nối tri thức – Đồng hành phát triển”, sự kiện được tổ chức nhằm hiện thực hóa mục tiêu then chốt mà VPPA theo đuổi trong nhiều năm qua: phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao gắn với thực tiễn sản xuất và nhu cầu doanh nghiệp. Chủ tịch VPPA, ông Hoàng Trung Sơn, trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: “Sự kiện hôm nay là một hoạt động thiết thực và nhân văn, thể hiện sự quan tâm, gắn kết giữa các doanh nghiệp và thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của ngành giấy Việt Nam”.

VPPE 2025 không đơn thuần là một buổi giao lưu, mà là diễn đàn mở để sinh viên và doanh nghiệp gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ những câu chuyện nghề, xu hướng phát triển, nhu cầu tuyển dụng cũng như cơ hội nghề nghiệp. Đây cũng là dịp để sinh viên “mắt thấy tai nghe” thực tế ngành nghề mà mình đang theo đuổi, đồng thời thể hiện tiếng nói, khát vọng và sự chủ động trong hành trình phát triển sự nghiệp.

VPPA – Người dẫn đường tận tụy

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam không chỉ là đơn vị tổ chức mà còn là người kết nối các bên liên quan: nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên. Với tầm nhìn đến năm 2045, VPPA đã xác định rõ định hướng phát triển bền vững cho ngành giấy, trong đó yếu tố con người – nhất là thế hệ kỹ sư trẻ – giữ vai trò quyết định.

Tại sự kiện, VPPA cũng lần đầu tiên tổ chức vinh danh các giảng viên và sinh viên tiêu biểu đến từ các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Cao đẳng Công Thương Phú Thọ… Đây là sự ghi nhận kịp thời những nỗ lực bền bỉ, đóng góp giá trị của thầy cô và sinh viên trong công cuộc đào tạo, học tập và đồng hành cùng sự phát triển của ngành.

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhấn mạnh, thông điệp “Yêu nghề – Giỏi nghề – Gắn bó với nghề” được VPPA lan tỏa mạnh mẽ tại chương trình, khơi dậy sự tự hào, trách nhiệm và cảm hứng trong thế hệ trẻ.

Diễn đàn chia sẻ, đối thoại mở

Chương trình kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, với các hoạt động đa dạng như: chia sẻ tổng quan và định hướng phát triển ngành giấy Việt Nam, trình bày tình hình đào tạo nhân lực ngành giấy và công nghệ chế biến lâm sản tại các cơ sở đào tạo, toạ đàm giữa doanh nghiệp – chuyên gia – sinh viên.

Tại phần toạ đàm, nhiều doanh nghiệp đã chủ động giới thiệu chương trình thực tập, học bổng, các dự án hợp tác với nhà trường, và đặc biệt là những yêu cầu kỹ năng thực tế mà sinh viên cần có khi bước chân vào môi trường sản xuất. Đây được xem là bước tiến tích cực, thiết thực hóa mục tiêu kết nối đào tạo với nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp.

Đại diện sinh viên cũng đã có những phát biểu đầy cảm xúc, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Hiệp hội và mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành từ các doanh nghiệp trong hành trình lập thân, lập nghiệp.

Tạo lập truyền thống mới cho ngành

Sự kiện năm nay là lần đầu tiên VPPA tổ chức theo hình thức quy mô và chuyên nghiệp như vậy, nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm với sự tham gia tích cực và đầy tâm huyết của các bên. Theo ông Phan Hưng – Phó Chủ tịch VPPA, sự kiện “Kết nối – Giao lưu Sinh viên Ngành Giấy” sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm, mở rộng quy mô sang các ngành nghề liên quan như bao bì, cơ khí chế tạo, tự động hóa… từ đó tạo nên một truyền thống mới cho ngành công nghiệp giấy.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động kết nối ngắn hạn, VPPA đang định hình một hệ sinh thái phát triển nhân lực toàn diện, từ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, xây dựng cơ sở thực hành, đến việc hỗ trợ sinh viên tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Đại diện cho đội ngũ giảng viên được vinh danh, PGS.TS Lê Quang Diễn, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội bày tỏ sự xúc động và trân trọng khi lần đầu tiên có một sự kiện quy mô toàn ngành hướng đến giảng viên và sinh viên được tổ chức bởi Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến VPPA vì đã tổ chức một chương trình rất có ý nghĩa ày. Ngành giấy là một ngành đặc thù nhưng có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Chính vì thế, bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn, chúng tôi luôn phải kiên trì động viên, truyền cảm hứng để các em sinh viên giữ vững đam mê, tiếp tục theo đuổi nghề và cống hiến lâu dài cho ngành. Sự quan tâm từ Hiệp hội và doanh nghiệp ngày hôm nay chính là nguồn động viên rất lớn đối với giảng viên cũng như sinh viên chúng tôi".

Lời chia sẻ mộc mạc nhưng đầy tâm huyết của PGS.TS Lê Quang Diễn đã nhận được sự đồng tình từ cả hội trường, như một lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm của tất cả các bên trong việc giữ lửa nghề và phát triển nhân lực ngành giấy không chỉ về kỹ năng, mà cả về tinh thần và lý tưởng cống hiến.

 “VPPE 2025 – Kết nối, Giao lưu Sinh viên Ngành Giấy” không chỉ là một sự kiện giao lưu đơn thuần mà còn là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn và trách nhiệm xã hội của VPPA trong việc phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp giấy. Sự thành công của chương trình hôm nay chính là nền tảng để ngành giấy Việt Nam tiến xa hơn – không chỉ bằng công nghệ hiện đại, mà còn bằng nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết và đầy khát vọng.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục