Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 08/10/2024, 11:00 (GMT+7)

Nhãn hàng thẳng tay gỡ bỏ quảng cáo sau scandal của đại sứ: Bài học nào cho doanh nghiệp và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo?

Theo các chuyên gia, việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ là một cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, cách truyền thông này cũng được xem là con dao hai lưỡi nếu trong quá trình hợp tác, các đại diện thương hiệu dính các bê bối liên quan đến đời tư. Vậy trong trường hợp này, thương hiệu và đại sứ cần làm gì để tự bảo vệ?

Lựa chọn đại sứ thương hiệu luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp bởi đó chính là linh hồn, là tiếng nói, là hình ảnh đại diện cho thương hiệu. Đại sứ thương hiệu có thể là những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng, nhận được sự quan tâm, yêu thích của nhiều người. Theo đó, mục đích chính của việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng là gia tăng mức độ nhận diện của thương hiệu, quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. 

Tuy nhiên, cách truyền thông này cũng có thể là con dao hai lưỡi. Bởi, nếu đại sứ thương hiệu vướng scandal trong quá trình hợp tác, thương hiệu phần nào cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí đôi lúc nhãn hàng cũng bị vướng “làn sóng” tẩy chay từ người hâm mộ.

Đại sứ thương hiệu - con dao hai lưỡi

Trong ngành công nghiệp giải trí và quảng cáo, không khó để bắt gặp trường hợp các đại sứ thương hiệu vướng phải scandal gây ảnh hưởng đến thương hiệu đang đại diện, dẫn đến việc thương hiệu phải chấm dứt hợp đồng đại diện, gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo của đại sứ đó.

Việc nhiều nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo của rapper Negav sau loạt scandal liên quan mới đây có thể coi là một ví dụ điển hình. Chính những hành động, lời nói thiếu chuẩn mực trước đây của nam rapper đã "châm dầu vào lửa", làm bùng lên cơn thịnh nộ của khán giả. Theo đó, dưới các bài đăng quảng cáo có hình ảnh Negav, rất nhiều khán giả yêu cầu nhãn hàng gỡ bài, hủy hợp đồng với rapper này, nếu không họ sẽ hủy theo dõi, thậm chí kêu gọi tẩy chay nhãn hàng.

Thiết kế chưa có t?
Hình ảnh quảng cáo của Negav bị xóa trên nhiều nền tảng.
Hình ảnh Negav bị gỡ bỏ trong quảng cáo với các nghệ sĩ khác. Ảnh: Fecebook nhãn hàng
Hình ảnh Negav bị gỡ bỏ trong quảng cáo với các nghệ sĩ khác.

Trước làn sóng đòi tẩy chay Negav, nhiều nhãn hàng mà nam rapper hợp tác đã âm thầm gỡ hoặc ẩn bài đăng quảng cáo của Negav trên tài khoản mạng xã hội. Đáng nói, một bài đăng quảng cáo dù đã xóa hình ảnh Negav nhưng chưa xóa tên nam rapper ngay lập tức bị cư dân mạng nhắc nhở. Khán giả không muốn thấy tên một người vướng tranh cãi đồi trụy, quấy rối tình dục xuất hiện trên không gian mạng.

Việc các nhãn hàng gỡ hình ảnh của Negav được đánh giá là hành động cần thiết và kịp thời, bởi hiện tại đang có thêm rất nhiều ồn ào về nam rapper được tìm kiếm trở lại.

Không riêng Negav, nhiều nghệ sĩ Việt cũng từng bị nhãn hàng thẳng tay gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo vì vướng scandal. Trước đó, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, ca sĩ Jack, nghệ sĩ Hoài Linh, nghệ sĩ Trấn Thành, Hoa hậu Hương Giang, ... từng trải qua sự cố tương tự. 

Ông Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty truyền thông Sol Dol đánh giá, việc các nhãn hàng nhanh chóng gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo của nghệ sĩ sau scandal phản ánh một xu hướng lâu đời trong ngành marketing - sự nhạy bén và chủ động trong việc bảo vệ hình ảnh thương hiệu. Khi đại diện thương hiệu gặp phải scandal, các nhãn hàng thường chọn cách rút lui ngay lập tức để tránh ảnh hưởng đến uy tín của mình.

“Hình ảnh tiêu cực của KOL/KOC có thể dẫn đến hàng loạt phản ứng tiêu cực từ công chúng, gây thiệt hại lớn cho thương hiệu. Do đó, việc gỡ bỏ những nội dung này không chỉ là hành động phản ứng mà còn là chiến lược bảo vệ thương hiệu và duy trì lòng tin từ khách hàng” - ông Sơn nhấn mạnh. 

Thương hiệu cần làm gì để tự bảo vệ?

Thực tế, việc các đại sứ vướng scandal gây ảnh hưởng đến thương hiệu là điều không thương hiệu nào mong muốn. Tuy nhiên, đây là điều thương hiệu không thể lường trước được khi tìm kiếm, hợp tác cùng người nổi tiếng. Do đó, thay vì bị động trước mọi tình huống, thương hiệu cần đặt mình vào tư thế chuẩn bị để có thể xử lý tình huống nhanh nhất.

Theo ông Đỗ Ngọc Sơn, khi đại sứ thương hiệu vướng scandal, điều quan trọng nhất là thương hiệu cần có một kế hoạch ứng phó khủng hoảng truyền thông rõ ràng và nhanh chóng. Đầu tiên, bộ phận xử lý khủng hoảng nên lập tức nắm bắt thông tin, phân tích tình hình và chờ những kết luận chính thức từ các bên liên quan. Sau đó, việc quyết định có nên tạm dừng hợp tác hay gỡ bỏ các nội dung liên quan là cần thiết, và điều này cần được thông báo một cách minh bạch với các KOL/KOC.

Ông Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty truyền thông Sol Dol
Ông Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty truyền thông Sol Dol

Thương hiệu cũng có thể phối hợp với KOL/KOC để hỗ trợ xoa dịu dư luận. Một lời xin lỗi chân thành, nếu phù hợp, có thể giúp xoa dịu căng thẳng, nhưng trong một số trường hợp, việc im lặng để chờ đợi dư luận lắng xuống cũng là một lựa chọn khôn ngoan.

Đồng thời, thương hiệu cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin kịp thời và rõ ràng liên quan đến vụ việc. Bằng cách này, thương hiệu không chỉ bảo vệ mình mà còn khẳng định giá trị cốt lõi và cam kết đối với khách hàng, từ đó xây dựng lại niềm tin trong lòng công chúng.

Liên quan đến quyền lợi của nhãn hàng, khi thực hiện hợp đồng ký kết, các điều khoản liên quan đến các yếu tố rủi ro cũng cần được nêu rõ. Đối với vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa đại sứ và thương hiệu khi đại sứ vướng phải scandal thì bản hợp đồng cần đặc biệt lưu ý một số điều khoản sau:

Thứ nhất, điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp tác. Đây là một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng, việc các bên thỏa thuận về việc đại sứ thương hiệu có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh cho thương hiệu, không được có các hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu sẽ là điều khoản cơ bản, nền tảng để có cơ sở giải quyết tranh chấp nếu có.

Thứ hai, điều khoản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp đại sứ gặp scandal làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng hoặc tình hình kinh doanh của thương hiệu, thương hiệu có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đây là một điều khoản cần thiết mà các thương hiệu nên lưu ý khi soạn thảo và ký kết hợp đồng, nhằm đảm bảo việc chấm dứt hợp đồng diễn ra đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, điều khoản về cơ chế giải quyết tranh chấp. Các bên cần thỏa thuận rõ ràng về cơ chế giải quyết tranh chấp, cũng như lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp như trọng tài hoặc tòa án, và xác định luật áp dụng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên.

Thứ tư, điều khoản về bồi thường thiệt hại. Thiệt hại có thể xảy ra đối với thương hiệu khi đại sứ vướng vào scandal, do đó các bên cần chú ý đến các điều khoản liên quan đến bồi thường thiệt hại. Việc quy định rõ ràng và chi tiết về các mức độ thiệt hại và mức bồi thường tương ứng sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc giải quyết các thiệt hại sau này và bảo vệ tối đa quyền lợi cho thương hiệu.

Liên quan đến trách nhiệm của nghệ sĩ, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (KOL/KOC), ông Đỗ Ngọc Sơn nhận định, đây là nhóm người có sức ảnh hưởng rất lớn. Vậy nên mọi hành động, phát ngôn hay bất kể những bình luận ở trên mạng xã hội đều phải đúng chuẩn mực bởi vì, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những hệ lụy lớn đối với hình ảnh cá nhân cũng như thương hiệu đang đại diện. 

Bên cạnh đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo còn có trách nhiệm xây dựng niềm tin và giá trị tích cực cho cộng đồng. Do đó, việc tạo ra một hình ảnh đẹp và tích cực không chỉ có lợi cho bản thân mà còn góp phần vào sự phát triển của xã hội và thương hiệu mà chúng ta đại diện.

Cùng chuyên mục