Linh vật thương hiệu: 'Nhân vật phụ' làm nên thành công lớn của những tên tuổi toàn cầu
Một linh vật thương hiệu được xây dựng đúng cách không chỉ giúp tăng độ nhận diện mà còn gợi cảm xúc và tạo ra sự gắn bó lâu dài với khách hàng.
Nghệ sĩ quảng cáo sai lệch phải xử lý nghiêm, không có 'vùng cấm, ngoại lệ'
Apple và 'canh bạc điện ảnh': Phép thử triệu đô từ bom tấn F1 có thực sự chỉ để bán iPhone?
FOMO và sự khan hiếm: 'Chiêu cũ' hay chiến lược marketing tâm lý vẫn còn nguyên sức mạnh?
Linh vật thương hiệu: Sức mạnh đến từ cảm xúc và sự ghi nhớ
Từ chuột Mickey lém lỉnh của Disney, ông già Colonel Sanders của KFC cho đến người Michelin tròn trĩnh... Tất cả đều chứng minh một điều: linh vật không phải “phụ họa”, mà là tài sản truyền thông vô giá nếu được đầu tư bài bản.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Thu Nguyệt - Trưởng phòng Marketing thuộc Công ty Unique OOH, linh vật là cách thương hiệu “đánh thẳng vào cảm xúc người tiêu dùng”, điều mà logo hay slogan đôi khi không thể làm được.
“Khi thương hiệu được nhân hóa qua một nhân vật cụ thể đầy đáng yêu, dễ nhận biết, nó sẽ dễ dàng trở thành ký ức hình ảnh trong tâm trí khách hàng. Một linh vật xuất hiện đều đặn, nhất quán trên các nền tảng - từ bao bì, quảng cáo ngoài trời đến mạng xã hội... sẽ giúp thương hiệu ‘sống’ trong tiềm thức khách hàng mỗi ngày”, chị Thu Nguyệt chia sẻ.
Thật vậy, linh vật giúp người tiêu dùng dễ liên tưởng và ghi nhớ. Hãng lốp xe Michelin là một ví dụ điển hình. Nhân vật “Bibendum” hình người tạo thành từ các vòng lốp trắng không chỉ độc đáo về mặt hình ảnh mà còn được duy trì hơn 100 năm qua, trở thành biểu tượng toàn cầu về độ tin cậy và chất lượng.

Xây dựng cảm tình và lòng trung thành khách hàng
Không giống như một khẩu hiệu quảng cáo có thể bị lãng quên, một linh vật có thể đóng vai trò như một “người bạn thương hiệu”. Colonel Sanders của KFC không chỉ đại diện cho món gà rán trứ danh, mà còn mang đến cảm giác thân quen, gần gũi, khiến thương hiệu giữ được “hồn cốt” ngay cả khi mở rộng toàn cầu.
“Linh vật được đầu tư bài bản không chỉ tạo thiện cảm trong lần đầu tiếp xúc, mà còn duy trì mối quan hệ dài lâu với người tiêu dùng. Đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ tuổi, linh vật chính là cầu nối mềm mại giúp thương hiệu bước vào thế giới của họ một cách tự nhiên nhất”, chị Thu Nguyệt phân tích.
Disney cũng là ví dụ sống động cho nhận định này. Chuột Mickey không chỉ là linh vật, mà là trung tâm của cả một vũ trụ cảm xúc - từ phim ảnh, công viên giải trí đến sản phẩm tiêu dùng. Chú chuột này là biểu tượng toàn cầu cho sự vui vẻ, trẻ thơ và niềm tin vào những điều kỳ diệu.

Linh vật trong chiến lược truyền thông: Không thể làm hời hợt
Dù mang lại hiệu quả cảm xúc lớn, không phải thương hiệu nào cũng nên xây linh vật “cho có”. Theo chị Thu Nguyệt, xây dựng linh vật cần nằm trong chiến lược thương hiệu dài hạn và trả lời được 3 câu hỏi:
-
Linh vật này đại diện cho giá trị cốt lõi nào?
-
Có phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu không?
-
Có thể “kể chuyện” và tương tác trên đa nền tảng không?
Chuyên gia Thu Nguyệt nhận định: “Không ít doanh nghiệp Việt mắc lỗi phổ biến: tạo linh vật dễ thương nhưng không gắn chặt với bản sắc thương hiệu. Kết quả là linh vật chỉ tồn tại như một hình ảnh rời rạc, không hỗ trợ được truyền thông hay trải nghiệm khách hàng".
Một linh vật tốt cần có khả năng mở rộng nội dung - từ hoạt hình, video, GIF đến ứng dụng trong các chiến dịch sự kiện, game tương tác hoặc làm quà tặng. Ngoài ra, cần được duy trì nhất quán về thiết kế, tính cách và vai trò qua nhiều năm.

Tại Việt Nam, linh vật thương hiệu ở Việt Nam hiện còn khá hạn chế, mới chỉ phổ biến ở ngành hàng dành cho trẻ em, thực phẩm, ngân hàng hoặc các sự kiện lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông số lên ngôi, đây là cơ hội để các thương hiệu nội địa khai thác tốt hơn vai trò của linh vật.
"Linh vật không còn là nhân vật hoạt hình cho vui mà là cầu nối cảm xúc, công cụ nhận diện và “người kể chuyện” bền bỉ của thương hiệu. Với chiến lược đúng đắn, một linh vật có thể trở thành gương mặt gắn bó với khách hàng suốt nhiều thế hệ, như cách Mickey đã làm với Disney, hay “ông lốp trắng” làm với Michelin", chị Thu Nguyệt kết luận.