Thứ bảy, 26/07/2025
logo
Tiêu điểm

Nghệ sĩ quảng cáo sai lệch phải xử lý nghiêm, không có 'vùng cấm, ngoại lệ'

Hồng Phúc Thứ sáu, 25/07/2025, 16:54 (GMT+7)

Tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm đang gây bức xúc trong dư luận, làm xói mòn lòng tin người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường truyền thông văn hóa. Các trường hợp quảng cáo sai lệnh phải được xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.

Cục Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng trước thực trạng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật

Người nổi tiếng sắp hết thời quảng cáo 'vô tội vạ' để bán hàng trên sóng livestream

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật

Chiều 24/7, Bộ VHTTDL tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2025 nhằm thông tin với báo chí về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và định hướng hoạt động trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Tại họp báo, nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra trao đổi, trong đó có tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng nội dung trên không gian mạng, đặc biệt là việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người tiêu dùng.

5b4853fd9ab373ed2aa2jpg-1645
Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Xuân Trường)

Phát biểu tại họp báo, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội dưới vỏ bọc quảng cáo đang diễn biến phức tạp. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã xử lý, gỡ bỏ hơn 30.000 tài khoản mạng xã hội lừa đảo, nhiều trong số đó lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để “tiếp thị” sản phẩm kém chất lượng, dịch vụ không minh bạch.

“Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, có tổ chức và hoạt động xuyên quốc gia. Mặc dù cơ quan công an đã vào cuộc và triệt phá nhiều đường dây,quảng cáo sai sự thật nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, khiến người tiêu dùng dễ dàng trở thành nạn nhân”, ông Lê Quang Tự Do nhận định.

Đáng chú ý, không ít nghệ sĩ, người có ảnh hưởng (KOLs) tham gia quảng cáo sản phẩm mà không kiểm chứng nguồn gốc, chất lượng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về nội dung quảng cáo. Tình trạng này làm suy giảm lòng tin xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của chính nghệ sĩ và môi trường truyền thông văn hóa.

mg4870-17533645723021204743393-1644
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Xuân Trường)

Liên quan đến quy trình kiểm soát sự hiện diện của người nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông và không gian mạng trong trường hợp vi phạm, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây) đã xây dựng quy trình hạn chế ảnh hưởng của những nhân vật nổi tiếng từ năm ngoái. Tuy nhiên, quy trình này vẫn chưa được triển khai thực tế do chưa có trường hợp cụ thể để áp dụng thử nghiệm. Gần đây, mặc dù đã có một số vi phạm có thể là cơ sở để áp dụng, song do việc sáp nhập Thanh tra Bộ, nên hiện chưa có đơn vị chủ trì triển khai.

Theo ông Lê Quang Tự Do, quy trình nói trên hiện vẫn chưa được cụ thể hóa thành quy phạm pháp luật, do vậy việc áp dụng trên thực tế cần hết sức thận trọng. 

"Hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, Cục mong muốn sẽ thể chế hóa vấn đề này thành quy định pháp luật để việc thực hiện hiệu quả, có sức răn đe", ông Lê Quang Tự Do nói.

mg4799-17533645522541946455829-1636
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thông tin tại họp báo. (Ảnh: Xuân Trường)

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương nhấn mạnh: “Nghệ sĩ là công dân, trước hết phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, dù là ai, cũng phải xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Càng nổi tiếng thì trách nhiệm xã hội càng lớn”.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình từ đông đảo báo giới và dư luận, trong bối cảnh đạo đức nghề nghiệp của người làm nghệ thuật, đặc biệt là trong vai trò người đại diện cho thương hiệu đang bị đặt dấu hỏi lớn sau nhiều vụ việc sai phạm bị phanh phui.

Cùng với việc siết chặt quản lý, cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và minh bạch hóa hoạt động quảng cáo, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới.

Bộ VHTTDL xác định, quảng cáo không chỉ là công cụ truyền thông mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, thúc đẩy tiêu dùng văn minh, và bảo vệ quyền lợi người dân trong kỷ nguyên số.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục