Thứ bảy, 26/07/2025
logo
Case study

Apple và 'canh bạc điện ảnh': Phép thử triệu đô từ bom tấn F1 có thực sự chỉ để bán iPhone?

Thanh Hoa Thứ sáu, 25/07/2025, 09:45 (GMT+7)

F1: The Movie của Apple không chỉ đơn thuần là một bộ phim, nó là “chiếc gương chiếu hậu” cho thấy tham vọng vượt ra ngoài sản phẩm công nghệ.

FOMO và sự khan hiếm: 'Chiêu cũ' hay chiến lược marketing tâm lý vẫn còn nguyên sức mạnh?

Apple đẩy mạnh phát triển chip AI, mối thù với Nvidia không đổi sau nhiều thập kỷ đấu tranh

5 xu hướng AI sẽ định hình chiến lược thương hiệu trong nửa cuối năm 2025

F1: The Movie: Quả ngọt đầu tiên sau 6 năm âm thầm cày xới

Khi Apple chi hàng trăm triệu USD để sản xuất "F1: The Movie", nhiều người tự hỏi: Đây có phải là bước đi mở đầu cho một đế chế điện ảnh mang tên Apple hay chỉ là chiến lược marketing tinh tế để tiếp tục giữ người dùng trong vòng xoáy của hệ sinh thái?

p-1-91350375-apples-new-trailer-f1-movie-starring-brad-pitt-0858
Apple chi hàng trăm triệu USD để sản xuất "F1: The Movie"

Với sự tham gia của Brad Pitt và hợp tác sản xuất giữa Apple và Warner Bros, F1: The Movie đã mang về 144 triệu USD doanh thu toàn cầu chỉ sau 72 giờ công chiếu, trong đó có 55,6 triệu USD đến từ Bắc Mỹ. Dù ngân sách sản xuất ước tính lên tới 250-300 triệu USD, đây vẫn là màn chào sân phòng vé thành công nhất của Apple từ trước đến nay.

Chuyên gia truyền thông Paul Dergarabedian (Comscore) nhận định: “F1: The Movie chứng minh rằng một nền tảng công nghệ hoàn toàn có thể tạo ra tác phẩm xứng tầm rạp chiếu, không thua kém các studio truyền thống".

Điều đáng chú ý là bộ phim không dựa vào IP nổi tiếng, không thuộc vũ trụ điện ảnh nào nhưng vẫn tạo nên cơn sốt toàn cầu. Và Apple không giấu tham vọng gia nhập Hollywood. Tuy nhiên, mục tiêu chính không nằm ở lợi nhuận rạp chiếu mà là xây dựng hệ sinh thái nội dung gắn liền với thương hiệu.

Chiến dịch quảng bá cho F1 được “số hóa” toàn diện: trailer hiện diện ngay trên Apple TV+, người dùng iPhone được gửi thông báo kèm mã giảm giá vé xem phim. Tất cả đều nhằm gắn kết người dùng sâu hơn với nền tảng và sản phẩm Apple.

Không ít người gọi đây là chiến lược “marketing cảm xúc”. Khi người dùng yêu thích bộ phim do Apple làm ra, họ sẽ gắn bó hơn với iPhone, iPad hay MacBook. Điều này như một lần khẳng định thêm: "Apple không bán phim, họ bán trải nghiệm toàn diện với thương hiệu".

apple-original-movie-f1-0858
Bộ phim được đánh giá là một chiến lược “marketing cảm xúc”

"Canh bạc" định vị thương hiệu, không chỉ là phim

Trước F1, Apple từng đầu tư mạnh vào các dự án lớn như Killers of the Flower Moon, Napoleon, Argylle hay Fly Me to the Moon. Dù có dàn sao đình đám và nhận được đánh giá chuyên môn tốt, các phim này đều không tạo được đột phá doanh thu, thậm chí lỗ nặng nếu xét trên phòng vé.

Điều đó buộc Apple phải điều chỉnh chiến lược. Phần hai của Wolfs bị hoãn vô thời hạn. Nhiều dự án khác được rút ngắn thời gian chiếu rạp để đưa về sớm hơn trên Apple TV+, nơi Apple kiểm soát toàn bộ trải nghiệm.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, với doanh thu đang vượt 293 triệu USD, F1: The Movie chính thức trở thành bộ phim ăn khách nhất của Apple. Trong đó, ý nghĩa quan trọng hơn của bộ phim không nằm ở tiền, mà ở việc định vị Apple như một “người kể chuyện toàn cầu”.

CEO Tim Cook từng nói với Variety: “Chúng tôi kể chuyện để chạm đến cảm xúc và nếu làm đúng, đó sẽ là một ngành kinh doanh tốt". Phát ngôn này mở ra nhiều tầng nghĩa: Apple không bước vào điện ảnh để chạy đua, mà để tạo chuẩn mực mới về trải nghiệm nội dung - nơi công nghệ, giải trí và thương hiệu hòa quyện.

gettyimages-1528235526-e1718652910434-0859
F1: The Movie chính thức trở thành bộ phim ăn khách nhất của Apple ở hiện tại

Đặc biệt, khác với Netflix - “gã khổng lồ streaming” theo đuổi số lượng và lịch phát hành dày đặc thì Apple chọn cách đầu tư chọn lọc, ít nhưng chất. Với tiềm lực tài chính gần như vô hạn (vốn hóa hơn 3.000 tỷ USD), họ không cần thắng ở mọi bộ phim, chỉ cần mỗi bộ phim đóng vai trò củng cố cho thương hiệu.

Có thể thấy, F1: The Movie không chỉ là một bộ phim mà là “chiếc gương chiếu hậu” cho thấy tham vọng của Apple vượt ra ngoài sản phẩm công nghệ. Câu hỏi không còn là “Apple có nên làm phim?”, mà là “Apple sẽ kể câu chuyện gì tiếp theo và kể như thế nào?”.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục