5 xu hướng AI sẽ định hình chiến lược thương hiệu trong nửa cuối năm 2025
Trong nửa cuối năm 2025, AI đang trở thành nhân tố quyết định đến cách thương hiệu xuất hiện, kết nối với công chúng và phát triển trong tương lai.
Gần ngày ra mắt, iPhone 17 Pro đã lộ thiết kế sát thực tế đẹp ấn tượng
70% hiệu quả quảng cáo phụ thuộc vào yếu tố sáng tạo: Doanh nghiệp đã đầu tư đúng chỗ chưa?
Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là một làn sóng mới mẻ đầy bất ngờ như khi ChatGPT lần đầu ra mắt, nhưng nó vẫn đang âm thầm tái định hình toàn bộ hệ sinh thái tiếp thị, kinh doanh và hành vi tiêu dùng. Từ đầu năm 2025 đến nay, sự phát triển bền bỉ của các công nghệ AI nền tảng đã buộc các thương hiệu phải thích nghi nhanh chóng. Và giờ đây, khi bước vào nửa cuối năm, những chuyển động đó càng rõ nét và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dưới đây là 5 dự báo quan trọng mà thương hiệu cần lưu tâm để không bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số đang được dẫn dắt bởi AI.
AEO lên ngôi
Khi công cụ tìm kiếm ngày càng giống trợ lý cá nhân hơn là thư viện dữ liệu, chiến lược tối ưu hoá công cụ trả lời - Answer Engine Optimization (AEO) trở thành điều kiện sống còn. Không còn là cuộc đua từ khóa như SEO truyền thống, AEO yêu cầu thương hiệu cung cấp nội dung có cấu trúc rõ ràng, sẵn sàng để AI sử dụng làm dữ liệu trả lời.
Theo các chuyên gia, việc “đào tạo” AI bằng dữ liệu từ website chính thức sẽ giúp thương hiệu xuất hiện trực tiếp trong các kết quả trả lời tự động. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ nằm ở tính chính xác và trung thực. Một nội dung bị AI tóm tắt sai lệch, dù vô tình cũng có thể làm sụp đổ niềm tin từ khách hàng. Vì thế, AEO không chỉ là kỹ thuật tối ưu, mà còn là chiến lược nội dung dài hạn gắn liền với uy tín thương hiệu.
AI trở thành “người mua hàng” thay thế người tiêu dùng
Một sự thật đang dần hình thành chính là trong quá trình mua sắm, người tiêu dùng ngày càng dựa vào trợ lý AI để ra quyết định. Các công cụ như ChatGPT, Claude hay Perplexity không chỉ hỗ trợ tìm hiểu sản phẩm, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến lựa chọn mua hàng.
Điều này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi góc nhìn: từ chỗ “bán hàng cho con người”, nay họ phải học cách “thuyết phục AI” - công cụ trung gian đang đóng vai trò như người mua thực thụ. Thương hiệu nào hiểu được cơ chế hoạt động của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) và tối ưu nội dung cho chúng sẽ có lợi thế vượt trội trên bàn cờ chuyển đổi số.

Người dùng khắt khe hơn với nội dung AI kém chất lượng
Cùng với sự phổ biến của AI là hiện tượng “AI slop” - các nội dung rập khuôn, thiếu chiều sâu do máy móc sản xuất hàng loạt. Dự báo trong nửa cuối năm, người tiêu dùng sẽ bắt đầu phản ứng mạnh mẽ với kiểu nội dung này và ưu tiên tìm kiếm thông tin mang dấu ấn cá nhân, sáng tạo và xác thực hơn.
Đối với thương hiệu, đây là lời cảnh báo: không thể chỉ dựa vào tốc độ và khối lượng để cạnh tranh. Đầu tư vào chất lượng, bản sắc và cảm xúc trong nội dung, kể cả khi ứng dụng AI sẽ là yếu tố then chốt giữ chân người dùng và tạo dựng lòng tin.
AI không còn là công cụ, mà là đối tác chiến lược
Nếu trước đây AI chỉ là công cụ hỗ trợ viết nội dung hay phân tích dữ liệu, thì giờ đây nó đang trở thành "cánh tay phải" của doanh nghiệp. Từ hoạch định chiến lược, tối ưu vận hành cho đến hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, AI đang từng bước len sâu vào cốt lõi mô hình kinh doanh.
Thương hiệu nào coi AI là đối tác, chứ không phải công cụ phụ trợ sẽ có khả năng đột phá trong hiệu suất, trải nghiệm khách hàng và khả năng đổi mới. Những đội ngũ marketing và vận hành linh hoạt, biết cách tích hợp AI vào mọi quy trình sẽ là người dẫn đầu trong kỷ nguyên số hóa toàn diện.

Apple và cuộc chơi mới với AI video
Một trong những động thái có thể làm rung chuyển thị trường công nghệ nửa cuối năm là việc Apple được dự đoán sẽ mua lại Runway - nền tảng AI tiên phong trong lĩnh vực video. Nếu thương vụ này thành hiện thực, Apple sẽ có trong tay công nghệ giúp mỗi chiếc iPhone trở thành một “studio di động” với khả năng dựng, chỉnh sửa và sáng tạo video hoàn toàn bằng AI.
Đây không chỉ là bước tiến trong trải nghiệm người dùng, mà còn mở ra tương lai mới cho marketing nội dung: nơi video được sản xuất nhanh chóng, cá nhân hóa và mang tính tự động hoá cao. Các thương hiệu vì thế cần sẵn sàng cho một “cuộc cách mạng hình ảnh”, nơi sự sáng tạo được hỗ trợ tối đa nhờ công nghệ, nhưng vẫn cần định hướng rõ ràng từ con người.
Có thể thấy, AI không còn là câu chuyện viễn tưởng hay thử nghiệm giới hạn trong phòng lab. Trong nửa cuối năm 2025, AI đang trở thành nhân tố quyết định đến cách thương hiệu xuất hiện, kết nối và phát triển. Doanh nghiệp nào nắm bắt sớm 5 xu hướng trên sẽ có lợi thế vượt trội trong việc chinh phục người tiêu dùng tương lai.