Vì sao người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào quảng cáo? Chuyên gia tiết lộ quy trình 'sống còn' để xây dựng niềm tin cho thương hiệu
Quảng cáo sai sự thật, phóng đại đặc tính sản phẩm mang về lợi ích ngắn hạn cho một số doanh nghiệp, nhưng cái giá phải trả là sự hao mòn niềm tin của người tiêu dùng. Lời khuyên của chuyên gia Nguyễn Hải Minh dành cho các doanh nghiệp là hãy áp dụng và tuân thủ đúng quy trình "4C".
Tiếp thị & Gia đình đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Hải Minh - Ủy viên Ban chấp hành và Trưởng ban Đào tạo - Công nghệ tại Hội quảng cáo TP HCM (HAA) liên quan đến những tác động của quảng cáo đối với hành vi tiêu dùng cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.
- Chào anh Hải Minh! Anh đánh giá thế nào về vai trò của quảng cáo đối với doanh nghiệp?
Khi thị trường bão hòa với vô số sản phẩm và dịch vụ tương tự, quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương” không còn là chân lý trong bối cảnh của ngành quảng cáo. Để tạo định vị thương hiệu và củng cố niềm tin từ phía khách hàng, doanh nghiệp cần thực hiện các chiến dịch quảng cáo. Quảng cáo vì thế đã đóng một vai trò thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, quảng cáo không chỉ là phương tiện truyền tải thông điệp mà còn là cầu nối giữa sản phẩm và người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp định hướng và thay đổi xu hướng tiêu dùng.
- Anh có thể nói rõ hơn về tác động của quảng cáo đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng?
Quảng cáo có tác động mạnh mẽ đến hành vi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến cả hai khía cạnh nhận thức và tiềm thức. Đầu tiên, ở khía cạnh nhận thức, quảng cáo giúp người tiêu dùng xác định và nhận diện các sản phẩm hoặc thương hiệu mà họ quan tâm. Khi nhu cầu của họ đã rõ ràng, quảng cáo cung cấp thông tin về lợi ích và đặc điểm của sản phẩm, từ đó giúp họ đưa ra quyết định mua hàng dễ dàng hơn.
Ở khía cạnh tiềm thức, người tiêu dùng có thể hình thành những cảm nhận và suy nghĩ liên quan đến sản phẩm, thương hiệu thông qua quảng cáo. Đồng thời, quảng cáo còn có khả năng tạo ra nhu cầu mới, khơi gợi sự quan tâm đến những sản phẩm mà người tiêu dùng chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Thông qua quảng cáo, người tiêu dùng còn có thể nhận diện được giá trị của các sản phẩm, thương hiệu là “cao cấp”, “thiên nhiên”, “tốt cho sức khỏe”… ngay cả khi những yếu tố này không được nêu rõ trong thông điệp quảng cáo.
- Vậy theo anh, người tiêu dùng đang có sự thay đổi như thế nào trong cách tương tác với các sản phẩm quảng cáo?
Người tiêu dùng hiện nay đang có những thay đổi rõ rệt trong cách tương tác với quảng cáo, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ. Họ dành nhiều thời gian để tiếp xúc với các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên một thực tế là, dù thời lượng tiếp xúc tăng nhưng thời gian người tiêu dùng dành cho từng nhãn hàng lại giảm sút bởi có quá nhiều nhãn hàng chen lấn vào tâm trí của người dùng.
Sự thay đổi này đã ảnh hưởng đến cách thức quyết định mua hàng ở người tiêu dùng. Đơn cử, đối với sản phẩm có giá trị thấp như thực phẩm hay dụng cụ gia đình, người tiêu dùng ngày nay đưa ra quyết định nhanh chóng và thường xuyên hơn trước, nhờ tính tiện lợi và khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng. Ngược lại, với những sản phẩm có giá trị cao như bất động sản, xe cộ hay thiết bị công nghệ, họ lại có xu hướng tìm hiểu kỹ lưỡng hơn trước nhiều lần, tham khảo nhiều nguồn thông tin trước khi quyết định.
Xu hướng này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tiêu dùng, nghiêng về các mặt hàng có giá trị thấp. Điều này thể hiện rõ ở sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, các xu hướng thời trang nhanh, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nội dung quảng cáo ngắn. Những hình thức này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm tức thì mà còn tận dụng được thói quen tiêu dùng hiện đại, nơi mà sự tiện lợi và tốc độ trở thành yếu tố quyết định.
- Thực tế cho thấy, người tiêu dùng ngày càng mất dần niềm tin đối với quảng cáo. Đâu là nguyên nhân thưa anh?
Tôi quan niệm quảng cáo là nói sự thật một cách hoa mỹ. Giống như một món ăn, ngoài việc chú trọng đến nguyên liệu tươi ngon, người đầu bếp còn phải bày trí món ăn sao cho hấp dẫn. Quảng cáo cũng như vậy. Nó không chỉ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm mà còn là cách tạo nên cảm xúc và ấn tượng sâu sắc trong lòng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ về thông tin cộng với việc thiếu vắng chính sách quản lý nghiêm ngặt, một bộ phận đã lợi dụng điều này để quảng cáo sai sự thật, phóng đại đặc tính sản phẩm. Điều này có thể giúp họ thu về những lợi ích ngắn hạn nhưng cái giá phải trả là sự hao mòn niềm tin của người tiêu dùng, cho không chỉ công ty của họ mà là toàn ngành, tự đó dễ dẫn đến những hệ quả chung, nghiêm trọng nhất là sự tẩy chay cả một ngành hàng chứ không riêng gì một thương hiệu nào.
- Để xây dựng và duy trì lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần làm gì?
Đầu tiên, doanh nghiệp cần trở về với những nguyên tắc cốt lõi của tiếp thị và quảng cáo. Hãy bắt đầu từ việc phát triển chuỗi sản phẩm và dịch vụ thực sự chất lượng. Một sản phẩm tốt và khác biệt, tạo ra giá trị thực cho người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tron dài hạn ở những quy mô lớn hơn, thay vì chỉ dựa vào quảng cáo để tạo lợi nhuận ngắn hạn.
Tiếp theo, doanh nghiệp hãy tập trung phát triển kênh phân phối hiệu quả. Theo đó, kênh bán hàng trực tuyến có thể là lựa chọn hợp lý, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và đo lường được sự tiếp nhận của thị trường một cách chính xác. Sau khi đã có sản phẩm tốt và kênh phân phối phù hợp, doanh nghiệp mới nên tiến hành các hoạt động quảng cáo. Quảng cáo không phải là chốt đơn bất chấp mà hãy đặt lợi ích của người dùng vào trọng tâm; nó cần phải phản ánh sự thật và giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Lời khuyên dành cho các doanh nghiệp là hãy áp dụng và tuân thủ đúng quy trình "4C": Nhu cầu tiêu dùng, Kênh phân phối, Truyền thông quảng cáo và Chi phí. Điều này giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan và xây dựng được một chiến lược bài bản, từ việc đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng cho đến việc định giá phù hợp cho sản phẩm, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển dài hạn, lâu lớn lành.
Một lưu ý khác là doanh nghiệp cần phải đầu tư một cách có trọng tâm đối với hoạt động truyền thông. Doanh nghiệp không nhất thiết phải chạy theo mọi xu hướng như nội dung ngắn trên các kênh như TikTok, YouTube Short, hay đầu tư vào những người ảnh hưởng (influencers) hay các buổi bán hàng trực tiếp (live streaming). Những việc này không sai, nhưng đầu tư dàn trải thiếu cốt lõi thường không đem lại hiệu quả. Doanh nghiệp chỉ nên chọn lọc kỹ một vài hoạt động thực sự phù hợp với ngành hàng của mình.
- Cảm ơn anh Nguyễn Hải Minh về những chia sẻ! Chúc anh luôn nhiều sức khỏe, may mắn và thành công hơn nữa trong cuộc sống!
- Quảng cáo bằng AI ngày càng thịnh hành, chuyên gia cảnh báo mối lo thực sự phía sau
- Các nhà quảng cáo Mỹ bất ngờ cân nhắc dùng lại kênh quảng cáo 'xưa như trái đất'
- Vì sao Netflix 'quay xe', đăng tải nội dung kèm quảng cáo?
- Mẹ đảm Hà Nội khoe loạt mâm cơm mùa thu nhìn là mê: 'Được nấu ăn cho gia đình cũng là một kiểu hạnh phúc'
- Tràn lan mỹ phẩm kém chất lượng, nguy cơ người tiêu dùng rước họa vào thân, cơ sở nào mới được phép sản xuất?
- Vụ đào tạo bằng cách 'bắn dây chun vào tay': Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo
- Người đàn ông 48 tuổi phát hiện suy gan vì bồi dưỡng cơ thể bằng loại thuốc này
- Hàng triệu người dân TP HCM cần biết quy định mới, nóng hổi về đất đai vừa có hiệu lực
- Khách của chân mày phong thủy Viên Viên: Khi đi ngỡ là ‘Thượng đế’, lúc về bỗng thành con nợ