Vinamilk tái định vị thương hiệu và những tranh luận trái chiều
Thời gian qua, Vinamilk đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc thay đổi logo thương hiệu. Dù đồng thuận hay phản đối, đó vẫn là sự thành công về mặt quảng bá thương hiệu.
Tái định vị thương hiệu là bước đầu trong chiến lược của của Vinamilk trong 5 năm tới. Cụ thể, logo đã được Vinamilk chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang dạng biểu tượng chữ (wordmark) cùng dòng chữ “Est 1976” bên dưới.
Theo bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk, bộ nhận diện mới được thực hiện một cách bài bản và có sự đầu tư kỹ lưỡng, là thành quả sau một năm dài chuẩn bị. Công ty đã làm việc với những chuyên gia thiết kế, từng có kinh nghiệm làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu như Apple, AirBnb, Starbucks...
Những ý kiến trái chiều xoay quanh lần "thay áo mới"
Sự thay đổi trong thiết kế logo của Vinamilk đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý, trong đó có không ít những ý kiến tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ nhận diện mới quá đơn giản và nhàm chán, đặc biệt không kế thừa gì từ bộ nhận diện lâu đời trước đây. Theo đánh giá từ nhiều người, việc này có thể gây rủi ro cho thương hiệu, khiến người tiêu dùng không thích nghi được với hình ảnh nhận diện hoàn toàn khác biệt so với trước kia của thương hiệu.
Ở góc nhìn của một số chuyên gia thiết kế, logo mới của Vinamilk được thiết kế đơn giản hóa theo trường phái tối giản (Minimalism) mà nhiều thương hiệu trên thế giới đã áp dụng. Bởi một thực tế, khi sự cạnh tranh về tâm trí của khách hàng ngày càng gay gắt thì chính sự đơn giản sẽ dễ tạo nên sự nhắc nhớ. Chính vì thế, xu hướng tối giản này không bao giờ lỗi thời và ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong tương lai.
Đây được cho là một thay đổi đầy táo bạo của Vinamilk, thể hiện tinh thần quyết tâm thay đổi chính mình sau bao năm. Với lần thay đổi này, thương hiệu quốc dân này đang hướng nhiều tới giới trẻ nên dùng màu mạnh bạo, nổi bật giữa hàng hoạt nhãn hàng sữa khác trên thị trường.
Việc sử dụng màu nền theo miêu tả là màu tropical (màu nhiệt đới) thiên về ánh neon, rất sáng và tươi có thể tăng sự thu hút về thị giác hơn, nổi bật hơn nhưng sẽ ảnh hưởng đến yếu tố màu thiên nhiên.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và thiết kế lại cho rằng, việc chọn màu sắc thương hiệu của Vinamilk chưa thực sự phù hợp. Vinamilk đang sử dụng màu xanh tím thuộc nhóm màu công nghiệp, công nghệ; trong khi Vinamilk hoạt động ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này có thể là rắc rối trong nhiều khâu ở tương lai.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về ý đồ của nhà thiết kế khi quyết định đặt 2 cụm “EST” và “1976” nằm cách xa nhau ở dưới tên thương hiệu. Theo đa số ý kiến, nên đặt hai cụm này lại sát gần nhau hoặc bỏ hẳn đi vì Vinamilk đã là một thương hiệu lâu năm được nhiều người biết đến, nên việc để năm thành lập dưới tên thương hiệu không thật sự cần thiết.
Cũng có ý kiến trung lập cho rằng, thiết kế logo mới của Vinamilk đẹp hay không đẹp là do thẩm mỹ của mỗi người. Bên cạnh đó, cần thời gian để chứng minh ý nghĩa và tinh thần được truyền tải trong logo mới cũng như những bước đi tiếp theo của Vinamilk hiện thực hóa những mục tiêu trong giai đoạn mới.
Thành công về mặt quảng bá thương hiệu của Vinamilk
Những ý kiến trái chiều về việc Vinamilk thay đổi logo nhận diện, dù đồng thuận hay phản đối, đó vẫn là sự thành công về mặt nhận diện thương hiệu. Không thể phủ nhận sự lan tỏa trong chiến dịch này của Vinamilk. Từ những tranh cãi, thậm chí là những lời chê thậm tệ về logo mới, Vinamilk nhanh chóng tạo nên cú hích tạo trend bắt chước bùng nổ mạng xã hội.
Với việc “trình làng” một công cụ giúp tạo ra những mẫu logo giống với bộ nhận diện thương hiệu mới, Vinamilk thực sự đã tạo nên một trào lưu mới cho người dùng mạng xã hội. Mặc dù đơn giản nhưng đã tạo một “trend” ngắn hạn khi đã có rất nhiều nhãn hàng, thương hiệu, cá nhân,... hưởng ứng đầy thú vị và hài hước. Chẳng hạn “Durex: Chặn em bé từ 1915”, “Momo: Quét QR từ 2014”, “Grab: Đặt xe từ 2014”... Sự hưởng ứng này dường như đã ngầm khẳng định thành công về mặt quảng bá thương hiệu của Vinamilk - đơn giản không có nghĩa là nhàm chán.
Thực tế cho thấy, đã có những tiền lệ. Bước đi của Vinamilk cũng từng được nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế áp dụng. Điểm chung của những lần thay áo mới này là đều tranh cãi trước mắt.
Đơn cử như dẫn chứng về việc MB Bank, Vietcombank thay áo mới. Không ít người gọi những cánh sao của MB Bank là “những viên thuốc con nhộng” và gọi biểu tượng trong logo Vietcombank là cái “gạt tàn thuốc lá”. Nhưng phần lớn khách hàng không hoàn toàn lựa chọn ở lại hay tạm biệt một thương hiệu chỉ vì logo không đẹp. Vấn đề quyết định ở đây là những lợi ích, giá trị cốt lõi mà thương hiệu đề xuất, cam kết duy trì cũng như không ngừng đổi mới theo thời gian nhằm phục vụ ngày một tốt hơn. Nói như vậy để thấy việc Vinamilk thay đổi logo dù được khách hàng đón nhận hay không cũng không quan trọng bằng những giá trị mà thương hiệu này mang tới cho khách hàng.
Suy cho cùng, sự tranh cãi, bàn luận về logo mới cũng là điều tốt, giúp doanh nghiệp có cái nhìn đa chiều hơn, đo được mức độ quan tâm, yêu - ghét của khách hàng với thương hiệu của doanh nghiệp. Và xét về mặt quảng bá thương hiệu, đó là một thành công của Vinamilk.