Thứ ba, 23/05/2023, 16:15 (GMT+7)

Tái định vị thương hiệu - Bài học thích nghi thị trường mới

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Tái định vị thương hiệu tạo sự thay đổi tích cực, giúp nhãn hàng có thể thích nghi với các xu hướng của thị trường và người tiêu dùng.

Tái định vị thương hiệu (Rebranding) là quá trình làm mới, cải thiện về hình ảnh, thông điệp hay tên của thương hiệu. Dựa trên giá trị cốt lõi đã xác định, doanh nghiệp sẽ có những định hướng trong thiết kế, hình ảnh, màu sắc, thông điệp cùng quy trình marketing để tạo nên sự mới mẻ, thu hút khách hàng và gia tăng khả năng cạnh tranh.

stabuck
Tái định vị thương hiệu giúp cải thiện hình ảnh, thông điệp của thương hiệu (Nguồn ảnh: WDA Marketing)

Trong một số trường hợp, Rebranding có thể đi kèm cùng sự thay đổi bên trong về văn hóa, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tái định vị thương hiệu mang lại nhiều cơ hội phát triển

Thích nghi cùng xu hướng thị trường mới

Thị trường và hành vi của người tiêu dùng luôn thay đổi theo thời gian. Song song với đó, việc xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới có thể khiến doanh nghiệp bị đào thải. Tái định vị là một trong những phương pháp để làm mới, giúp thương hiệu thích nghi với những thay đổi của thị trường.

Cải thiện thương hiệu, tạo sự khác biệt và độc đáo

Thực tế thị trường hiện nay đều đa dạng và có tính cạnh tranh cao. Rebranding là cơ hội mang đến sự khác biệt, hiện đại cho thương hiệu so với các đối thủ khác. Từ đó có thể tăng khả năng nhận diện thương hiệu, tạo ấn tượng với khách hàng.

Ngoài ra trong kinh doanh, việc khủng hoảng truyền thông hay các vấn đề nghiêm trọng khác cũng dễ xảy ra. Để phát triển lâu dài, việc làm mới hình ảnh, danh tiếng cho thương hiệu sẽ giúp tạo dựng lòng tin của khách hàng và cộng đồng.

Mở rộng, thay đổi mục tiêu khách hàng

Tái định vị thương hiệu có thể được áp dụng để xây dựng lại thông điệp, hình ảnh nhằm thu hút các nhóm khách hàng mới. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tạo ra hình ảnh phù hợp với nhóm khách hàng mới mà thương hiệu hướng đến.

Bài học tái định vị thương hiệu từ các doanh nghiệp lớn

Meta

Facebook đã có một cuộc "cách mạng" tái cấu trúc thương hiệu lịch sử khi thay đổi tên cũ sang Meta từ tháng 10/2021. Mạng xã hội này cũng thực hiện đổi mới hoàn toàn về logo và hình ảnh của mình.

Meta-Logo
Tên và logo mới của mạng xã hội Facebook (Nguồn ảnh: Wikimedia Commons)

Câu chuyện tái cấu trúc thương hiệu của Meta được xem là dấu hiệu phản ánh cho sự chuyển dịch từ một nền tảng mạng xã hội đến một công ty tập trung về metaverse. Cụ thể, doanh nghiệp này hướng đến việc tạo ra nhiều trải nghiệm mới cho người dùng, đặc biệt là lĩnh vực thực tế ảo. 

Quyết định Rebranding của Meta được đánh giá là mấu chốt để duy trì sự cạnh tranh. Đây là minh chứng về việc thương hiệu luôn đón đầu những thay đổi của thị trường và sẵn sàng có những động thái mạnh mẽ để duy trì sự phát triển.

Instagram

Theo thời gian, Instagram không chỉ là ứng dụng chia sẻ hình ảnh mà đã dần trở thành một trang mạng xã hội phổ biến hiện nay.

Năm 2016, Instagram triển khai chiến dịch tái cấu trúc thương hiệu. Hành động này tạo ra làn sóng phản ứng trái chiều, có khen và có chê. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tính năng Boomerang, Layout và tập trung nền tảng video là một bước thay đổi chiến lược thành công. Sự điều chỉnh giao diện ứng dụng đã nâng cao trải nghiệm, gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

Không dừng lại ở đó, Instagram có logo mới hướng đến xu thế đơn sắc, tập trung vào đối tượng  người dùng cùng nhà quảng cáo. Trực quan, sinh động và gần gũi là thứ mà thương hiệu này luôn hướng tới.

tai-dinh-vi-thuong-hieu-2
Instagram có logo mới hướng đến xu thế đơn sắc, hiện đại (Nguồn ảnh: Appstore)

Coca-cola

Coca-cola là một trong những thương hiệu lâu đời, đã trải qua nhiều thay đổi, chuyển mình. Thương hiệu này từng chia ra các nhánh nhỏ bao gồm: Diet Coke, Coca-Cola Zero và Coca-Cola Life. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy sự tách biệt này không phát huy được sức mạnh tối đa của mình, công ty đã thực hiện tái định vị các nhóm, tập hợp về chung một bản sắc.

Coca-cola có màu sắc đặc trưng chủ đạo là đỏ, bao bì sẽ có một số thay đổi nhỏ tùy theo mỗi thương hiệu con. Điều này hỗ trợ khách hàng dễ nhận diện các sản phẩm, đồng thời giúp Coca-cola tận dụng tối đa sức mạnh của hình ảnh biểu tượng.

coca-cola
Coca-cola có màu sắc chủ đạo đặc trưng là màu đỏ (Nguồn ảnh: Pixabay)

Starbucks

Starbucks hiện là thương hiệu đồ uống có giá trị cao nhất thế giới, đồng thời cũng sở hữu chiến lược marketing độc đáo. Khởi nguồn cho sự thành công này đến từ việc nhãn hàng liên tục đổi mới, vượt qua giới hạn đã đạt được trước đó. 

Trong năm 2020, Starbucks đã phát hành hướng dẫn "Starbucks Creative Expression" (Tạm hiểu: Thể hiện sự sáng tạo của Starbucks). Chiến dịch đánh vào kiểu chữ và logo để tạo sự nhất quán tại các cơ sở bán hàng và tài khoản mạng xã hội.

stabucks
Chiến dịch "Starbucks Creative Expression" năm 2020 của Starbucks (Nguồn ảnh: advertisingvietnam)

Trải qua các chiến dịch tái cấu trúc, Starbucks chỉ điều chỉnh những điểm nhỏ để vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa giữ vững giá trị mà thương hiệu xây dựng. Đây được xem là chiến lược marketing thông minh, đơn giản nhưng mang lại nhiều kết quả ấn tượng.

Adobe Creative Cloud

Adobe Creative Cloud đã có quyết định rebranding vào tháng 5/2020 thông qua một bài viết. Nội dung chính là quyết định tái cấu trúc, khẳng định thương hiệu thực hiện rebrading để tạo lập một hình ảnh mới lạ hơn.

Trong quá trình làm mới mình, Adobe Creative Cloud đã thiết kế phong cách đại diện sự sáng tạo cho logo. Những thay đổi mới này đạt nhiều thành công khi tạo được sự nổi bật và đồng bộ trong hệ thống sản phẩm của thương hiệu. 

adobe-creative-cloud
Adobe Creative Cloud sử dụng logo mang tính sáng tạo cao (Nguồn ảnh: Envato)

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, sự thay đổi để thích nghi đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, để có thể tái cơ cấu thương hiệu đúng đắn, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu và đánh giá cẩn trọng về thị trường, khách hàng cũng như chính bản thân thương hiệu. 

Từ khóa:
Cùng chuyên mục