Chiêu trò tự xưng bác sĩ để quảng cáo: 'Thuốc đắng' nào cho hành vi lừa dối người tiêu dùng?
Gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ cùng Tiếp thị & Gia đình.
Nghề y là nghề cao quý, thiêng liêng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe mỗi con người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số đối tượng đã bất chấp đạo đức và các quy định của pháp luật để mạo danh bác sĩ, lương y để quảng cáo thực phẩm chức năng, kiếm tiền trên sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng tỉnh táo, đủ kiến thức để phân biệt đâu là bác sĩ thật, đâu là bác sĩ “ma” trước sự bủa vây của thông tin cùng những mánh khóe quảng cáo rất tinh vi của đối tượng giả danh.
Trao đổi với Tiếp Thị & Gia đình, luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý liên quan đến vấn đề này.

Thưa luật sư, gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng. Dưới góc độ pháp lý, hành vi này là đúng hay sai?
Việc mạo danh bác sĩ để quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng là hành vi trái quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, để được thực hiện các hoạt động quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y khoa hay thực phẩm dùng cho chế độ ăn được biệt thì các tổ chức, cá nhân có sản phẩm này phải thực hiện việc đăng ký nội dung quảng cáo với các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 27 Nghị định cũng quy định: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Qua đó, có thể thấy ngay cả khi chủ thể xuất hiện trên các đoạn quảng cáo là bác sĩ thật thì pháp luật đã nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y khoa.
Với trường hợp có sự cố ý mạo danh, giả danh và sử dụng uy tín từ hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo các thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng nhằm tạo lòng tin cho khách hàng để bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng và đặc điểm hay bán với mức giá con hơn nhiều so với giá trị thật của sản phẩm là hành vi gian dối, lừa dối khách hàng.
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi mạo danh bác sĩ để quảng cáo bị xử lý thế nào?
Hiện nay, pháp luật chưa có chế tài xử lý cụ thể cho hành vi mạo danh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh, trang phục của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm là hành vi bị nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, các cá nhân cố tình mạo danh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm đã đăng ký, đã được công bố còn có thể bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Để tránh các rủi ro pháp lý, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cần lưu ý gì?
Để tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có, những cá nhân khi nhận lời mời tham gia quảng cáo cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, tính năng, công dụng và những thông tin công bố của sản phẩm mà mình sẽ quảng cáo vì việc quảng cáo này không chỉ là công việc mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính bản thân người được mời quảng cáo nếu có vấn đề xảy ra.
Khi thực hiện truyền tải các thông tin về sản phẩm, cần lưu ý đảm bảo những nội dung mình truyền tải phải trung thực, phản ánh được đúng đặc điểm, tính chất của sản phẩm, tuyệt đối không thổi phồng công dụng, chất lượng, thành phần của sản phẩm. Cần phải nhớ rằng, mọi trách nhiệm của người truyền tải nội dung quảng cáo không chỉ dừng lại ở việc quay xong đoạn quảng cáo là chấm dứt.
Vì vậy, ngay cả khi đã thực hiện xong các công việc để quảng cáo thì người được mời tham gia quảng cáo vẫn cần theo sát quá trình hoàn thiện nội dung quảng cáo và đăng tải nội dung quảng cáo. Nếu phát hiện nội dung quảng cáo được các nhà sản xuất nội dung hoàn thiện và công bố không đúng với những gì mình đã truyền tải, có nội dung gây hiểu lầm cho khách hàng thì cần liên hệ ngay với đơn vị sản xuất chương trình quảng cáo để phản án và đề nghị chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Luật sư có khuyến nghị gì để nâng cao nhận thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong ngành quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo liên quan đến sức khỏe?
Hiện nay, hệ thống pháp luật đã có hành lang pháp lý để điều chỉnh về hoạt động quảng cáo cũng như các chế tài để xử lý đối với việc xây dựng và công bố các nội dung quảng cáo không đúng theo quy định. Các đơn vị sản xuất nội dung quảng cáo bên cạnh việc cố gắng xây dựng nội dung hấp dẫn, thu hút được nhiều người tiếp cận cũng như lựa chọn mua sản phẩm thì cũng cần lưu ý đảm bảo việc quảng cáo phải đúng quy định thì mới đáp ứng được chiến lược phát triển bền vững. Để làm được điều đó, các đơn vị sản xuất nội dung quảng cáo cần chủ động tiếp cận, cập nhật và nghiên cứu toàn diện các quy định của pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực quảng cáo để thực hiện đúng theo khuôn khổ luật định.
Các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hành lang pháp lý điều chỉnh về hoạt động quảng cáo nói chung và hoạt động quảng cáo với thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng. Song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật và thanh tra, kiểm tra, giám sát, ghi nhận phản ánh của người dân để quản lý một cách hiệu quả các hoạt động quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên làm gì để tự bảo vệ mình trước các quảng cáo sai sự thật hoặc mạo danh trong lĩnh vực sức khỏe? Có cách nào để kiểm tra tính xác thực của thông tin quảng cáo không?
Để tự bảo vệ mình trước tình trạng quảng cáo sai sự thật hoặc mạo danh trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý: Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; Đọc kỹ các thông tin trên nhãn sản phẩm, đặc biệt là các thông tin về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; Chỉ mua, nhận sản phẩm khi người bán xuất hóa đơn/đơn hàng và lưu giữ lại để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Để kiểm tra nội dung các nhãn hàng đăng tải để quảng cáo về sản phẩm với nội dung mà nhãn hàng công bố và đăng ký quảng cáo với các cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định mua, người tiêu dùng có thể tự mình tra cứu qua địa chỉ: https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ và http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/.
Cảm ơn luật sư về những chia sẻ!