Netflix lần đầu livestream từ vũ trụ: Bước ngoặt giải trí – khoa học kết hợp
Sự kết hợp giữa NASA và Netflix không chỉ là một sự kiện hợp tác truyền thông, mà còn là bước ngoặt cho cả ngành giải trí và khoa học.
Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2025: Hé lộ hoạt động đầu tiên tái khởi động mùa giải mới
Quảng cáo sai thời điểm – Lỗi 'ngớ ngẩn' khiến thương hiệu mãi mờ nhạt trong tâm trí khách hàng
Trong một động thái gây bất ngờ và đầy cảm hứng, Netflix và NASA đã chính thức bắt tay hợp tác để mang những sự kiện ngoài không gian đến gần hơn với khán giả toàn cầu. Theo thông báo ngày 30/6, từ cuối mùa hè năm nay, người dùng Netflix có thể theo dõi trực tiếp các sự kiện chưa từng có, như phóng tên lửa, hoạt động ngoài không gian của phi hành gia hay hình ảnh Trái Đất từ Trạm Vũ trụ Quốc tế... Tất cả ngay trên nền tảng xem phim quen thuộc.

Hợp tác chiến lược đôi bên cùng có lợi
Đây là lần đầu tiên những hình ảnh thường chỉ xuất hiện trên các kênh chuyên biệt của NASA lại được phát trực tiếp trên một nền tảng giải trí có mặt khắp thế giới. Với hơn 300 triệu người dùng toàn cầu, Netflix mở ra một cánh cửa mới giúp NASA mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng. Đặc biệt hướng đến những đối tượng khán giả trẻ, yêu công nghệ, thích khám phá và đang tìm kiếm những nội dung vừa giải trí vừa truyền cảm hứng.
Hợp tác với Netflix là bước tiến mới trong chiến lược truyền thông hiện đại của NASA. Thay vì chỉ phụ thuộc vào website, ứng dụng hoặc YouTube của mình, NASA giờ đây chọn cách "đi thẳng" đến nơi công chúng đang hiện diện. Cách tiếp cận này vừa truyền tải các sự kiện không gian một cách sống động, chân thực vừa khơi dậy đam mê khoa học từ khắp mọi nơi.
Phía Netflix cũng được hưởng lợi rõ rệt. Trong khi các đối thủ liên tục sản xuất nội dung gốc hoặc mua bản quyền, nền tảng lại lựa chọn lối đi khác biệt bằng cách kết nối với khoa học và giáo dục. Việc phát lại nội dung sẵn có từ NASA+, vốn miễn phí cho phép Netflix gia tăng giá trị cho người xem mà không cần đầu tư lớn vào sản xuất. Đây là bước đi thông minh, tiết kiệm mà vẫn nâng cao hình ảnh thương hiệu như một nền tảng mang tính giáo dục, truyền cảm hứng chứ không đơn thuần là “xem phim giết thời gian”.

Đẩy mạnh truyền hình trực tiếp và quyết tâm không đứng ngoài cuộc của Netflix
Từ lâu, Netflix bị đánh giá là chậm chân trong cuộc đua phát sóng trực tiếp – lĩnh vực vốn là thế mạnh truyền thống của các đài truyền hình và đối thủ như Amazon hay Apple TV+. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông lớn này đã tăng tốc đáng kể: từ phát sóng hài độc thoại, lễ trao giải đến các trận đấu thể thao đình đám.
Một ví dụ nổi bật là sự kiện quyền anh giữa YouTuber Jake Paul và Mike Tyson, thu hút tới 108 triệu lượt xem toàn cầu. Gần đây hơn, Netflix còn ký hợp đồng với đài TF1 (Pháp) để phát trực tiếp các chương trình thể thao, phim truyền hình và show giải trí nổi tiếng như The Voice. Những nước đi này cho thấy Netflix đang dần xây dựng một “hệ sinh thái truyền hình mới”, trong đó livestream không gian chỉ là bước khởi đầu.
Nếu thể thao và giải trí thực tế là “món ăn phổ thông” thì khoa học không gian lại là một “món đặc sản” giàu giá trị nhưng thường bị lãng quên. Bằng cách đưa NASA lên sóng, Netflix không chỉ mở rộng danh mục nội dung mà còn tạo điểm nhấn khác biệt trong cuộc chiến giữ chân người dùng.
Còn với NASA, việc hiện diện trên nền tảng giải trí hàng đầu thế giới giúp cơ quan này tiếp cận đến hàng trăm triệu người vốn không thường xuyên tìm hiểu về vũ trụ. Đây là cách quảng bá khéo léo, mềm mại nhưng hiệu quả hơn bao giờ hết – đặc biệt với thế hệ trẻ đang sống trong kỷ nguyên số.

Như bà Rebecca Sirmons – Tổng giám đốc NASA+ chia sẻ: “Luật Không gian năm 1958 đã giao cho chúng tôi trách nhiệm chia sẻ câu chuyện khám phá không gian với càng nhiều người càng tốt. Và giờ đây, từ ghế sofa hay chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một phần của hành trình ấy".