Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 29/07/2023, 06:00 (GMT+7)

Miếng dán thải độc chân: Cẩn thận tiền mất tật mang!

Với niềm tin toàn bộ độc tố sẽ được thải ra ngoài, nhiều người đã tiền mất tật mang khi mua miếng dán thải độc chân. Đặc biệt, mặt hàng này vẫn chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Như đã thông tin ở bài viết trước, dưới mác hàng “xách tay” nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nội địa Trung… miếng dán thải độc vẫn được quảng cáo, rao bán tràn lan trên mạng. Tin tưởng vào những lời quảng cáo có cánh rằng có thể đẩy lùi được nhiều bệnh tật đồng thời nâng cao sức khỏe, nhiều người đã bỏ tiền mua miếng dán về dùng. Nhưng lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy rước họa vào thân. Bởi lẽ có không ít trường hợp đã phải nhập viện vì sử dụng miếng dán thải độc.

Theo BS, Th.S Nguyễn Quốc Khánh – Viện Y học cổ truyền Trung Ương thì với y học cổ truyền hay y học hiện đại, bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cung không dùng miếng dán hoặc xoa bóp mà hút được chất độc ra ngoài. Sở dĩ màu đen và dịch nhầy xuất hiện sau khi dùng miếng dán qua đêm chính là phản ứng hóa học khi gặp độ ẩm. Nếu miếng dán lột ra và không sử dụng thì cũng bị đen do gặp độ ẩm trong không khí.

Miếng dán thải độc chân 15
Miếng dán thải độc được quảng cáo, rao bán trên nhiều sàn thương mại điện tử

BS. Khánh thông tin thêm, trên bao bì sản phẩm của miếng dán thải độc thường được ghi các thành phần như dấm gỗ, bột ngọc trai, tourmaline, dextrin, chitosan, silica và axit glycolic... Trong đó silica là cát, dextrin và chitosan chính là chất biến thành thứ dịch nhầy, sền sệt khi lột ra do độ ẩm từ mồ hôi của cơ thể.

Đáng chú ý ở đây xuất hiện axit glycolic. Đây là loại axit mạnh có độ hòa tan cao thường xuất hiện trong các sản phẩm tẩy da chết với liều lượng nghiêm ngặt. Nếu dùng quá liều lượng thì nó sẽ cực kỳ độc hại gây kích ứng da, nhiễm trùng da, nặng hơn gây nhiễm trùng máu. Như vậy có thể thấy hiện tượng người dùng bị phỏng, lột da bàn chân và phải nhập viện trong thời gian qua là do loại axit này gây nên.

BS. Khanh cũng khẳng định: “Cho đến nay, Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ sản phẩm miếng dán giải độc nào, đồng nghĩa với việc các miếng dán thải độc trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cho dù nó được quảng cáo “xách tay” mang về từ các quốc gia có nền y học tiên tiến”.

Miếng dán thải độc chân 15
Dù không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng mặt hàng này vấn xuất hiện trên thị trường

Chia sẻ trên Vietnamnet, BS. Trần Văn Năm – Viện Y học dân tộc cung cấp thêm, lòng bàn chân đúng là nơi tập trung nhiều dây thần kinh và là nơi thể hiện các loại bệnh lý. Do đó trong y học cổ truyền thường có các phương pháp tác động lên gan bàn chân như xoa bóp, bấm huyệt, day ấn, dùng từ trường… Tuy nhiên không có phương pháp nào thải độc qua lòng bản chân.

BS. Năm cũng khuyên người tiêu dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm chưa được kiểm định, nguồn gốc không rõ ràng. Đặc biệt không nên nghe theo lời quảng cáo trên mạng để rồi bỏ thuốc đặc trị sẽ khiến bệnh tình biến chứng nặng nề.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, cơ thể con người có hệ thống thải độc hiệu quả ở gan và thận. Trong khi gan chuyển hóa các chất độc thì thận nhận nhiệm vụ đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Các tác nhân gây nên chất độc cho cơ thể chú yếu là các loại thuốc, rượu bia, hóa chất, thực phẩm. Cho nên thay vì mua miếng dán thải độc chân thì nên chú ý phòng tránh các tác nhân gây độc. Việc thải độc có thể đơn giản bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung lượng nước phù hợp sẽ giúp gan thải độc mà không cần loại thuốc nào như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Cùng chuyên mục