Đi bộ nhiều có thực sự giúp tăng tuổi thọ?
Đi bộ là hình thức luyện tập thể dục tốt cho sức khỏe. Vậy đi bộ nhiều có giúp tăng tuổi thọ, phòng chống bệnh tật không?
Lợi ích của đi bộ
Đi bộ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe tinh thần và cơ thể của con người. Các lợi ích đó như sau:
Tăng cường chức năng não
Đi bộ làm tăng lưu lượng máu đến não và tăng cường trí nhớ và sự tập trung. Đi bộ cũng thúc đẩy sự thư giãn về thể chất, giúp bạn chìm vào giấc ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Khi đi bộ, tim sẽ hoạt động mạnh hơn, tăng cường khả năng bơm máu và cải thiện quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Từ đó phòng ngừa bệnh tim mạch, huyết áp và đột quỵ.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Đi bộ hằn ngày giúp tăng cường sự hoạt động của đường ruột, khiến quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn. Duy trì lâu dài có thể giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa tổng thể.
Kiểm soát cân nặng
Đi bộ là bài tập aerobic cường độ thấp giúp đốt cháy calo, giúp giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Cải thiện sức mạnh cơ bắp và mật độ xương
Bằng cách đi bộ, bạn có thể tăng cường cơ bắp ở chân, hông và cả cơ lõi, đồng thời tăng cường sức khỏe của xương.
Tăng cường miễn dịch
Đi bộ vừa phải có thể cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và nhiễm trùng.
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Đi bộ có thể giải phóng những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng và trầm cảm nhờ tăng tiết "hormone hạnh phúc" trong não và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Đi bộ nhiều giúp tăng tuổi thọ không?
Một nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Y Lodz (Ba Lan) và Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhằm tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Các chuyên gia đã thu thập dữ liệu từ hơn 200.000 người trong thời gian 7 năm, thông qua 17 nghiên cứu khác nhau trên khắp thế giới. Việc này đã trở thành một dự án có quy mô cực lớn về vấn đề nghiên cứu tuổi thọ.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Dự Phòng châu Âu cho thấy, chỉ cần đi khoảng 2300 - 4000 bước/ngày (tương đương 15 - 45 phút) là đủ để giảm nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu cho biết đây chính là "chìa khóa" để sống lâu hơn.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đi bộ thêm 1000 bước mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân thấp hơn 15%. Trong khi đi thêm 500 bước mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim gây tử vong thấp hơn 7%. Lợi ích sức khỏe còn tiếp tục tăng lên tới 20.000 bước mỗi ngày (con số cao nhất trong nghiên cứu) và thậm chí có thể vượt ra ngoài mức đó.
Đi bộ thế nào để tốt cho sức khỏe?
Ngoài việc đi bộ đều mỗi ngày, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên chú ý một số điều khi đi bộ như sau:
Tập trung vào tư thế cơ thể
Bạn nên thẳng lưng khi đi bộ để duy trì sự thoải mái và tránh đau lưng. Hãy giữ đầu thẳng và nhìn thẳng vào phía trước thay vì hướng xuống đất. Điều này giúp duy trì máu lưu thông tốt đến não và tạo sự tự tin trong việc đi bộ.
Hít thở đều đặn
Hơi thở đều thực sự rất quan trọng khi đi bộ. Bạn cần duy trì thở đều, nhẹ nhàng trong suốt quá trình đi bộ. Nếu bạn cảm thấy hơi thở trở nên nhanh và khó khăn, hãy giảm dần tốc độ đi bộ cho đến khi cơ thể thoải mái hơn sau đó mới dừng lại, chú ý không dừng đi đột ngột.
Nên đi bộ vào lúc nào?
Đi bộ vào thời điểm nào phụ thuộc vào thời gian biểu của bạn. Không khí trong lành của buổi sáng giúp cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sẵn sàng cho một ngày mới. Còn nhiệt độ mát mẻ của buổi tối giúp bạn giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc, thư giãn tinh thần và ngủ ngon hơn.
Đi bộ ở địa hình nào?
Bạn nên chọn đi bộ ở những nơi có bề mặt bằng phẳng và mềm mại để giảm tác động lên khớp. Tránh những nơi có độ nghiêng lớn hoặc bề mặt gồ ghề, nhằm hạn chế nguy cơ bị thương tích.
Ngoài ra, những người lớn tuổi nên duy trì khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật, giữ chế độ ăn uống lành mạnh và nuôi dưỡng cảm xúc lạc quan để khỏe mạnh và sống lâu hơn.
- Đi bộ nhanh hay đi bộ chậm sống lâu hơn?
- Đi bộ bao nhiêu bước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tử vong?
- Chạy bộ 30 phút buổi sáng hay đi bộ 60 phút buổi tối tốt hơn?
- Phòng chống COVID-19 thế nào khi bệnh này chuyển sang nhóm B?
- Cách tập luyện thể dục hiệu quả dành cho người bận rộn
- Hoại tử ngón tay do đắp thuốc lá chữa mụn nhọt
- Tuổi thọ của bạn là bao nhiêu? Thực hiện ngay bài kiểm tra này để biết kết quả
- Tuyệt đối không để 10 thực phẩm này trong ngăn đá tủ lạnh
- Mất bàn chân và ngón tay vì một thói quen ăn uống nhiều người Việt mắc phải