Thứ năm, 02/11/2023, 15:01 (GMT+7)

Hoại tử ngón tay do đắp thuốc lá chữa mụn nhọt

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Ngón tay của một bé trai bị nổi nhọt nhưng người nhà không đưa đến cơ sở y tế khám chữa mà đưa đến thầy lang xin thuốc lá về đắp.

Gần đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa tiếp nhận và điều trị bảo tồn thành công ngón tay của bệnh nhân N.T.M.T (14 tuổi, trú tại Tân Kỳ, Nghệ An) bị hoại tử ngón tay do tự ý đắp thuốc lá để chữa.

Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 1 tháng, ngón tay của T. bị nổi nhọt. Do chủ quan và nghe theo một số lời mách bảo, gia đình đưa T. đến thầy lang xin thuốc lá về để đắp lên vết thương với hi vọng bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, bệnh của T. không những không thuyên giảm mà còn diễn tiến nặng, vết thương chảy mủ, sưng nề không đỡ. Trước tình trạng trở nặng của T. gia đình đã đưa em đến bệnh viện để thăm khám.

mun nhot Tiepthigiadinh H1
Bàn tay của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật

T. nhập viện trong tình trạng ngón cái của bàn tay trái đã nhiễm trùng, hoại tử, lộ gân xương, chảy mủ nhiều, bốc mùi hôi thối, xung quanh sưng nề nhiều, hạn chế vận động. Sau thăm khám, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nạo bỏ tổ chức viêm xương, cắt lọc, tạo vạt che phủ vết thương, giữ lại được ngón tay bị thương cho bệnh nhi. Sức khỏe của bệnh nhân hồi phục và ổn định sau 7 ngày phẫu thuật.

Qua trường hợp này, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An khuyến cáo: việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng đối với các vết thương không rõ nguyên nhân (đặc biệt là các vết thương do côn trùng cắn hoặc các u, mụn nhọt…) có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong những trường hợp này, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.

Khi nào bị mụn nhọt cần đến cơ sở y tế?

Mục nhọt là một dạng nhiễm trùng da với xuất phát điểm từ lỗ chân lông hay tuyến dầu nhờn. Vị trí thường gặp nhất của nhọt là mặt, cổ, nách, vai và mông…

Khi khởi phát, nhọt chỉ có kích thước bằng hạt đậu và màu đỏ. Sau 4 - 7 ngày, dịch mủ hình thành dưới da, nhọt lớn và đau hơn. Nền da quanh nhọt cũng chuyển sang màu đỏ và sưng. Đỉnh nhọt có đầu nhân mủ nhỏ màu vàng, trắng. Sau một thời gian, đầu nhân mủ này vỡ và dịch thoát ra ngoài. Một số người bệnh còn bị sốt và mệt toàn thân khi mắc bệnh hậu bối (nhọt cụm).

mun nhot Tiepthigiadinh H2
Hầu hết nhọt có tác nhân gây bệnh khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắt nhỏ hoặc lần mò vào lỗ chân lông theo sợi lông

Những trường hợp bị mụn nhọt sau phải đến cơ sở y tế:

- Bất kỳ nhọt hoặc áp xe nào xảy ra trên một bệnh nhân bị tiểu đường hoặc bệnh nhân có bệnh như ung thư, viêm khớp dạng thấp… đều cần được đi khám.

- Nhọt da khiến bạn đau không thể chịu nổi. Cơn đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc giấc ngủ.

- Mụn nhọt to nhanh và lan rộng tạo thành một khối sưng viêm lớn ở da với kích thước to hơn 5 cm là dấu hiệu đáng báo động.

- Mụn nhọt đơn giản sẽ không gây sốt. Nếu xuất hiện triệu chứng sốt kèm lạnh run có khả năng cao bị nhiễm trùng máu hoặc ảnh hưởng đến cơ quan khác.

- Mụn nhọt đi kèm với nổi hạch cũng là dấu hiệu xấu cho thấy mụn nhọt có thể trở nên nghiêm trọng.

- Mụn nhọt đơn giản sẽ lặn và lành trong vòng 2 tuần chỉ với những cách xử trí đơn giản tại nhà. Nếu nhọt da vẫn hiện diện và có triệu chứng sưng đau kéo dài hơn 2 tuần, tình huống có thể sẽ nghiêm trọng.

- Nhiều thuốc đặc biệt Prednisone ức chế hệ thống miễn dịch (hệ thống chống nhiễm trùng tự nhiên của cơ thể) có thể gây ra biến chứng cho một nhọt lẽ ra là đơn giản. Nếu bạn không chắc chắn về ảnh hưởng của thuốc lên hệ miễn dịch, dược sĩ của bạn có khả năng giải thích cho bạn thuốc nào là đáng quan tâm.

Cùng chuyên mục