Đi bộ nhanh hay đi bộ chậm sống lâu hơn?
Mỗi người đi bộ với tốc độ khác nhau. Liệu đi nhanh và đi chậm có khác nhau không? Tốc độ đi bộ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?
Một nghiên cứu của Vương quốc Anh đã theo dõi tốc độ đi bộ của 475.000 người trong vòng 7 năm. Kết quả thông qua các dữ liệu thu thập được cho thấy, những người có tốc độ đi bộ nhanh sống lâu hơn những người tốc độ đi bộ chậm.
Tốc độ đi bộ phản ánh tuổi thọ
Số liệu của nghiên cứu đã chỉ ra, ở phụ nữ, tuổi thọ trung bình dự kiến của người đi bộ chậm là 72,4 tuổi, còn của người đi bộ nhanh là 86,7 - 87,8 tuổi. Như vậy, chênh lệch tuổi thọ giữa 2 tốc độ là khoảng 14 - 15 năm.
Với đàn ông, tuổi thọ trung bình dự kiến của người đi bộ chậm là 64,8 tuổi còn của người đi bộ nhanh là 85,2 - 86,8 tuổi. Như vậy, chênh lệch tuổi thọ giữa 2 tốc độ là khoảng 21 - 22 năm.
Kết quả trên cho thấy người đi bộ nhanh sống lâu hơn người đi bộ chậm 14 - 22 năm. Do đó, tốc độ đi bộ là một trong những yếu tố liên quan tới tuổi thọ của con người.
Lý do những người đi bộ nhanh sống lâu hơn
Đi bộ với tốc độ nhanh là vận động với cường độ cao hơn, cơ thể có cơ hội được vận động hiệu quả. Cường độ đi bộ nhanh cũng giúp đốt cháy chất béo tốt hơn, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm nguy cơ béo phì, từ đó cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn.
Bên cạnh đó, việc đi bộ đòi hỏi sự phối hợp hoàn hảo của xương, cơ, hệ thần kinh cùng sự tham gia của hệ tim mạch và hô hấp. Duy trì đi bộ nhanh tức là các cơ quan trong cơ thể đang khỏe mạnh. Vì vậy, tốc độ đi bộ có thể phản ánh trực tiếp thể lực của một người và có ý nghĩa tham khảo nhất định trong việc dự đoán tuổi thọ.
Các chuyên gia trong nghiên cứu cũng khuyên bạn rằng, trước khi đi bộ, bạn nên khởi động để cơ thể quen dần với sự vận động, chứ không nên tăng cường độ và tốc độ đi bộ ngay lập tức. Tập luyện dần dần dựa theo thể lực của mình sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
- Chạy bộ 30 phút buổi sáng hay đi bộ 60 phút buổi tối tốt hơn?
- Đi bộ bao nhiêu bước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tử vong?