Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 15/08/2023, 13:19 (GMT+7)

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt hay không?

Một số bố mẹ cảm thấy tiền bạc là vấn đề xa vời với con nên có hành động né tránh khi trẻ xin tiền tiêu vặt. Điều này khiến trẻ hiểu sai về việc sử dụng tiền bạc.

Có những bố mẹ sợ con tiêu xài phung phí mà rất khắt khe trong chuyện tiền bạc. Có những bố mẹ lại lảng tránh vấn đề này và một số khác còn lúng túng trong việc cho hay không cho tiền tiêu vặt. Thực tế cho thấy, việc một đứa trẻ học tiểu học muốn có tiền tiêu vặt là điều không sai. Thế nhưng, vấn đề ở đây là bố mẹ nên dạy cho con cách tiêu tiền như thế nào mới quan trọng. Quá trình trẻ tự xử lý tiền tiêu vặt thực chất là quá trình con học cách quản lý tài chính.

Cho con tiền tiêu vặt có ưu nhược điểm gì?

Chị Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận CFEI cũng là tác giả cuốn sách "Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" cho biết, để đưa ra được cách tiếp cận đúng nhất về vấn đề cho con tiền tiêu vặt, chúng ta cần nhìn nhận hành động này dưới hai khía cạnh.

Ưu điểm

Bố mẹ cho con tiền tiêu vặt ngay từ khi con còn nhỏ sẽ giúp con được thực hành về cách chi tiêu và quản lý tiền bạc.

tien tieu vat Tiepthigiadinh H1
Tiền tiêu vặt giúp con được thực hành về cách chi tiêu và quản lý tiền bạc.

Con cũng được rèn luyện về kỹ năng ra quyết định, chọn cách tiêu tiền tiêu vặt sao cho phù hợp. Đôi khi con sẽ có những lựa chọn chi tiêu sai lầm như: dung hết tiền tiêu vặt để mua một loại kẹo rất đắt tiền nhưng ăn không ngon hoặc mua một món đồ chơi không cần thiết… Tuy nhiên, sai lầm này cũng là cơ hội để con sửa sai.

Có tiền tiêu vặt sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn, tự lập hơn khi được mua những món đồ ăn vặt nhẹ hoặc dụng cụ học tập nhỏ mà không phụ thuộc vào bố mẹ, từ đó rèn luyện tính độc lập của con.

Khi con có tiền tiêu vặt, con sẽ tương tác xã hội nhiều hơn, có lợi cho sự phát triển kỹ năng giao tiếp của con. Con có thể hỏi giá cả, thông tin về sản phẩm từ người bán hàng. Con cũng có thể mua một món đồ con thích và chia sẻ cho bạn…

Nếu được phụ huynh cho đúng cách, tiền tiêu vặt được coi là là phần thưởng cho những cố gắng, nỗ lực của con trong học tâp hoặc làm việc nhà.

Nhược điểm

Con chưa biết cách quản lý tiền bạc nên có thể chi tiêu lãng phí do chưa nhận thức rõ mục đích của món đồ hoặc nghe theo lời bạn bè, người bán. Chẳng hạn như: tiêu hết luôn một lần tiền tiêu vặt trong một tuần hoặc mua những món đồ không phù hợp như mang tính bạo lực hoặc không đảm bảo an toàn...

Có tiền trong tay cũng làm tăng nguy cơ bị mất tiền hoặc xảy ra trộm cắp. Sẽ đặc biệt nguy hiểm hơn nếu như con được cho một số tiền tiêu vặt quá lớn so với lứa tuổi.

Tiền tiêu vặt đôi khi cũng khiến trẻ sao nhãng việc học. Con chỉ nghĩ đến việc sẽ tiêu tiền vào việc gì thay vì tâp trung vào việc học.

Cho con tiền tiêu vặt thế nào là hợp lý?

Thời điểm bắt đầu cho con tiền tiêu vặt

Chuyên gia giáo dục tài chính Lê Phương Thanh cho con tiền tiêu vặt khi con học lớp 3. Chị cho rằng các bé nhỏ hơn sẽ khó có thể nhận thức được giá trị của tiền bạc và cách chi tiêu đúng đắn. Nếu một số bạn khác có sự trưởng thành hơn thì bố mẹ cân nhắc độ tuổi sớm hơn.

Nên cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt? 

Câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu của từng bé và tình hình tài chính của gia đình. Phụ huynh đừng quá áp lực mà biến vấn đề tiền tiêu vặt của con trở thành gánh nặng cho bố mẹ bởi các bé không cần quá nhiều tiền tiêu vặt. Thay vào đó, hãy cân đối giữa nhu cầu mong muốn và nhu cầu thực sự của con để đưa ra một số tiền phù hợp.

tien tieu vat Tiepthigiadinh H2
Bố mẹ nên dạy con cách quản lý chi tiêu hợp lý

Để con sử dụng tiền tiêu vặt một cách hợp lý, hãy dạy con các kiến thức tài chính cơ bản như ý thức tiết kiệm tiền, mua sắm vừa phải không lãng phí, mua sắm những món đồ thực sự cần thiết và thiết lập ngân sách. Khi con lớn hơn một chút như bước vào cấp 2, có thể dạy con về cách theo dõi, ghi chép chi tiêu. Để việc này trở nên hấp dẫn hơn, bố mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng một chiếc sổ xinh xắn để ghi chép. Khuyến khích con tiết kiệm một phần tiêu tiêu vặt mỗi tuần để dành cho những mua sắm lớn hơn, những món đồ con thích có giá trị lớn trong tương lai.

Bố mẹ có thể giữ liên lạc với bố mẹ những người bạn thân của con để thường xuyên trao đổi về tình hình của con ở trường, nắm bắt kịp thời những việc chi tiêu sai lệch. Nếu bố mẹ không thấy thoải mái với việc cho con tiền tiêu vặt thì có thể chuẩn bị cho con các suất ăn nhẹ để tránh con chi tiêu không hợp lý.

Khi áp dụng đúng và có sự hướng dẫn, tham gia của bố mẹ thì việc cho con tiền tiêu vặt cũng trao cho trẻ cơ hội được thực hành kỹ năng sống, giúp con có trách nhiệm hơn, tự tin hơn.

Cùng chuyên mục