Thứ hai, 07/08/2023, 11:47 (GMT+7)

Những kỹ năng xã hội quan trọng cha mẹ cần dạy con

Rèn luyện kỹ năng xã hội còn quan trọng hơn cả việc kèm con học để đạt được điểm 10 ở trường. Bởi trẻ thiếu kỹ năng xã hội và tình cảm có thể trở nên phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, gặp nhiều rắc rối pháp lý và vấn đề về các mối quan hệ…

Nghiên cứu trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ cho thấy, các kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ ở trường mẫu giáo có khả năng dự báo lớn nhất về sự thành công khi trưởng thành. Một nghiên cứu khác vào năm 2015 trên Từ điển Bách khoa Quốc tế về Khoa học Xã hội và Hành vi đã chỉ ra, tình bạn thưở thơ ấu rất tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ. Nó mở ra cơ hội để trẻ thực hành các kỹ năng sống như giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột…

Ngay từ bây giờ, cha mẹ có thể rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ để chúng biết chia sẻ, lắng nghe, hợp tác hơn, phát triển kỹ năng xã hội tốt hơn và có cơ hội nhận được những công việc tốt sau khi ra trường. Dạy con những kỹ năng này là cách mà bạn đang giúp đỡ và chắp cánh tương lai cho trẻ.

Chia sẻ

Trẻ em ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có nhu cầu chia sẻ khác nhau. Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý cho thấy, trẻ em từ 2 tuổi đã biết bày tỏ mong muốn được chia sẻ với người khác, nhưng thường chỉ khi những thứ chúng sở hữu thật dồi dào. Trẻ từ 3-6 tuổi lại tỏ ra ích kỷ không muốn chia sẻ hoặc nhường nhịn. Chúng chỉ sẵn sàng chia sẻ món đồ chơi nếu chúng không hứng thú. Đến khoảng 7-8 tuổi, hầu hết trẻ em quan tâm hơn đến sự công bằng và sẵn sàng chia sẻ những gì mình có.

ky nang xa hoi Tiepthigiadinh H1
Trẻ biết chia sẻ có thể trở thành người có ích cho xã hội

Nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ ngoan thường dễ chia sẻ hơn và hành động này đồng thời cũng khiến bé cảm nhận mình là một người tốt. Vậy nên, dạy con biết chia sẻ cũng chính là chìa khóa để xây dựng lòng tự trọng của chúng.

Đừng ép con phải chia sẻ khi chúng không muốn. Tùy theo độ tuổi, cha mẹ hãy tạo ra thói quen để con biết cách chia sẻ món đồ chơi theo từng trường hợp cụ thể. Đừng tiếc lời khen khi trẻ biết chia sẻ đúng lúc như: “Mẹ rất tự hào về con!”, “Mẹ rất vui vì con biết chia sẻ với bạn”, “Đó là một điều tốt đẹp nên làm”, “Cho đi sẽ nhận được nhiều hơn”…

Lắng nghe

Lắng nghe không chỉ đơn thuần là việc chỉ giữ yên lặng, mà nó đòi hỏi bạn cần phải thấu hiểu những gì người khác đang nói. Phần lớn việc học tập của trẻ ở trường phụ thuộc vào khả năng lắng nghe những gì giáo viên giảng dạy. Khi trẻ biết cách lắng nghe và tiếp thu tốt, cộng thêm kỹ năng khác như ghi chép và phân tích…thì sẽ tiến bộ nhanh trong học tập.

Thời buổi kỹ thuật số ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngay cả người lớn cũng có xu hướng chăm chăm vào màn hình điện thoại, máy tính mà quên đi cách giao tiếp, lắng nghe. Vì thế hãy làm gương cho con và ren luyện kỹ năng lắng nghe thông qua việc đọc sách, trò chuyện và chia sẻ các câu chuyện hằng ngày. Khi đọc sách cho con, đôi lúc hãy dừng lại và yêu cầu chúng kể cho bạn nghe về những gì bạn đang đọc hoặc đưa ra những câu hỏi để chúng thể hiện khả năng lắng nghe và phân tích. Có thể khả năng lắng nghe của bé chưa tốt nhưng hãy yên tâm rằng kỹ năng này sẽ tiến bộ dần theo thời gian. Hay lưu ý dạy trẻ không được phép ngắt lời khi người khác đang trò chuyện.

Hợp tác

Hợp tác là một kỹ năng xã hội mà nhiều người cũng làm việc chung để đạt được một mục tiêu chung. Kỹ năng hợp tác tốt là điều cần thiết để hòa nhập thành công trong cộng đồng. Con cần hợp tác với các bạn để làm bài tập nhóm, tham gia hoạt động thể thao, hoạt động ngoại khóa…

ky nang xa hoi Tiepthigiadinh H2
Rèn luyện kỹ năng hợp tác tốt giúp con làm việc nhóm thuận lợi khi đi làm sau này

Bắt đầu từ 3,5-4 tuổi, bé đã có thể bắt đầu tham gia hoạt động với các bạn và người lớn vì một mục tiêu chung như: cùng lắp ghép đồ chơi, cùng dọn dẹp đồ chơi hay giúp bố mẹ một công đoạn nhỏ khi làm việc nhà… Thông qua những hoạt động này, trẻ không chỉ có dịp học hỏi và phát triển kỹ năng lãnh đạo mà còn có cơ hội để rèn luyện nhiều kỹ năng khác. Cha mẹ hãy nhấn mạnh cho trẻ tầm quan trọng của sự hợp tác thường xuyên.

Thực hiện theo chỉ dẫn

Tuân thủ theo những chỉ dẫn là một kỹ năng xã hội rất quan trọng có ảnh hưởng đến hành vi và lối ứng xử của trẻ sau này. Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo những chỉ dẫn có nguy cơ gặp nhiều rắc rối.

Trước khi mong đợi con có thể tuân thủ tốt theo các hướng dẫn, cha mẹ nên thành thạo trong việc đưa ra chỉ dẫn cho con. Không nên lồng ghép quá nhiều yêu cầu trong cùng một lúc. Thay vì đưa ra một loạt yêu cầu như: “Hãy cất giày vào kệ, dọn dẹp sách vở và rửa tay chuẩn bị ăn tối…” bạn nên đợi đến khi trẻ cất giày xong rồi đưa ra yêu cầu tiếp theo. Bạn cũng không nên đưa ra yêu cầu của mình theo dạng câu hỏi lựa chọn như: “Con có thể dọn đồ chơi của mình hay không?”. Bởi trẻ có thể từ chối yêu cầu của bạn. Khi đưa ra hướng dẫn, hãy chờ trẻ phản hồi lại hoặc nói trẻ nhắc lại những gì đã nghe từ bạn.

Những trẻ bướng bỉnh không phải lúc nào cũng làm theo yêu cầu và chỉ dẫn của người lớn. Thay vì bực tức và quát mắng con phải tuân thủ, cha mẹ hãy giải thích lý do tại sao con cần làm theo chỉ dẫn. Nên dành những lời khen cho con vì đã làm theo chỉ dẫn bằng cách nói những câu như: “Cảm ơn con”, “Con làm tốt lắm”…

Tôn trọng không gian cá nhân

Một số trẻ nhỏ tỏ ra khá gần gũi khi có thể trèo lên xà vào lòng người khác mà không hề quan tâm đến sự thoải mái của họ. Vì vậy, điều quan trọng là dạy trẻ cách tôn trọng không gian cá nhân của người khác.

Bạn có thể tạo ra các quy tắc trong gia đình để hướng trẻ đến vấn đề tôn trọng người khác, đặc biệt là không gian cá nhân. Một số quy tắc gợi ý như: nên gõ cửa trước khi vào phòng của bất kỳ ai hay không được chạm vào những gì không là của mình, không nên chạm vào những người xung quanh khi đang xếp hàng... Bạn cũng nên đặt ra những hình phạt nếu như trẻ không tuân thủ theo những quy tắc đã đặt ra. Hãy liên hệ cho con hiểu rằng nếu có ai đón không tôn trọng không gian cá nhân của con thì con cũng sẽ khó chịu. Như vậy, trẻ sẽ biết cách để tôn trọng sự riêng tư của mọi người hơn.

Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt cũng là kỹ năng xã hội cần thiết. Cần dạy trẻ cách nhìn vào mắt ai đó khi đang trò chuyện, đây là cách để tiếp nhận và không bỏ sót thông tin, cũng như xua tan sự sợ hãi lo lắng.

ky nang xa hoi Tiepthigiadinh H3
Giao tiếp bằng mắt là kỹ năng xã hội cần thiết

Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt, hãy đưa ra những lời nhắc nhở nhanh chóng sau đó. Bằng một giọng nhẹ nhàng, hãy hỏi: "Mắt con nên nhìn đi đâu khi ai đó đang nói chuyện với con?". Bạn cũng nên khen ngợi vì con bạn nhìn người khác khi đang nói chuyện, đây là một cách kích thích trẻ rất tốt.

Ngoài ra, bạn có thể cùng con chơi một số trò chơi trò chuyện bằng mắt. Yêu cầu trẻ kể cho bạn nghe một câu chuyện trong khi bạn nhìn chằm chằm xuống đất, nhắm mắt lại hoặc nhìn mọi nơi trừ trẻ. Sau đó, để trẻ kể một câu chuyện khác và có sự giao tiếp bằng mắt khi đang trò chuyện. Cuối cùng, thảo luận về cảm giác của trẻ trong cả hai tình huống.

Cư xử

Nói làm ơn, cảm ơn và cư xử tốt trên bàn ăn có thể giúp con bạn được chú ý vì những lý do chính đáng. Giáo viên, các bậc cha mẹ và những đứa trẻ khác sẽ tôn trọng một đứa trẻ biết cư xử tốt.

Việc dạy cách cư xử đôi khi giống như một trận chiến khó khăn, khi chúng thường nghe tài này, bỏ tai kia. Điều quan trọng là trẻ em phải biết cách cư xử lịch sự và tôn trọng, đặc biệt là khi ở nhà người khác hoặc ở trường. Vì thế, cha mẹ hãy làm gương tốt cho con bằng cách thường xuyên nói "Không, cảm ơn" và "Vâng, làm ơn" với con. Đảm bảo con cư xử đúng mực khi tương tác với người khác. Đưa ra những lời nhắc nhở khi con quên cư xử và khen ngợi chúng khi bạn thấy chúng lịch sự.

Cùng chuyên mục