Nắm chắc những kỹ năng phỏng vấn sau đây để ứng tuyển thành công
Không chuẩn bị tốt và thiếu kỹ năng phỏng vấn khiến nhiều người không thành công khi ứng tuyển tại nơi làm việc mới.
Phỏng vấn chưa bao giờ là một điều dễ dàng, nhất là đối với những ứng viên có ít kinh nghiệm. Để thêm tự tin và nâng cao kỹ năng phỏng vấn, bạn có thể áp dụng những bí quyết sau.
Chuẩn bị đầy đủ cho buổi phỏng vấn
Tìm hiểu kỹ lưỡng về nơi ứng tuyển là việc đầu tiên bạn cần làm. Hãy tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, sứ mệnh và mục tiêu hoạt động, sản phẩm/dịch vụ cung câp… trên website, báo chí, mạng xã hội và chỉ ra lý do lại sao công ty này phù hợp đẻ trở thành môi trường làm việc của bạn.
Tiếp đó, bạn cần chú ý đến những yêu cầu cụ thể của bản mô tả công việc. Tập trung vào mục kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức chuyên môn mà nhà tuyển dụng cần. Sau đó, bạn có thể viết hoặc đánh máy những gạch đầu dòng cụ thể về bản thân, thể hiện được bạn là ứng viên phù hợp với lựa chọn của nơi tuyển dụng.
Trang phục phỏng vấn phù hợp
Chuẩn bị trước trang phục cũng là điều cần làm. Tùy vào vị trí ứng tuyển mà bạn lựa chọn các kiểu trang phục khác nhau. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ngoại hình là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến ấn tượng của nhà tuyển dụng. Bạn cần chọn trang phục lịch sự, dễ nhìn và gây thiện cảm cho đối phương. Bạn cũng cần chú ý đến kiểu tóc sao cho hợp với trang phục. Ăn mặc chỉnh tề có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu cuộc phỏng vấn suôn sẻ hơn.
Cho dù bạn có kinh nghiệm đến đâu, nếu bạn đi phỏng vấn trong chiếc áo phông và quần jean, bạn sẽ bị đánh giá là có kỹ năng phỏng vấn kém, bất cẩn và thiếu tôn trọng doanh nghiệp.
Đến sớm hơn giờ phỏng vấn
Đúng giờ là một trong những kỹ năng phỏng vấn xin việc cần thiết. Việc trễ hẹn cho thấy bạn là người thiếu chuẩn bị và thiếu trách nhiệm với công ty. Điều này gây lãng phí thời gian cho cả hai bên. Bạn nên nghiên cứu đường đi đến địa chỉ của công ty ít nhất vài ngày trước cuộc hẹn của bạn để tìm địa điểm và nên đến trước giờ phỏng vấn theo lịch trình 10-15 phút.
Lưu ý đến khoảng nghỉ trước khi trả lời
Khi nghe nhà tuyển dụng đặt câu hỏi, không ít ứng viên sẽ muốn trả lời thật nhanh để thể hiện sự tự tin. Tuy nhiên thói quen này rất dễ làm bạn rơi vào căng thẳng ở những câu hỏi khó khi áp lực phải vừa suy nghĩ vừa trả lời. Câu trả lời của bạn vì thế mà cũng thiếu mạch lạc và kém thuyết phục hơn. Do vậy, đừng vội trả lời mà nên dành một khoảng nghỉ ngắn. Điều này giúp bạn tránh tình huống ngắt lời nhà tuyển dụng và có một ít thời gian để hiểu toàn bộ câu hỏi, từ đó tìm ra hướng trả lời hiệu quả.
Trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm
Các cuộc phỏng vấn không dài, vì vậy bạn cần biết cách tập trung vào những điểm chính mà nhà tuyển dụng quan tâm. Hãy luôn chú ý đến thời gian phỏng vấn để có những câu trả lời phù hợp nhất.
Đôi khi vì cảm giác mong muốn được thể hiện mà nhiều ứng viên trở nên xao nhãng, hông lắng nghe cẩn thận nên không có đủ dữ kiện cần thiết để cùng trao đổi với nhà tuyển dụng. Một mẹo ở đây là bạn có thể thực hiện ghi chú. Ghi chú không chỉ giúp bạn chủ động tập trung vào những gì người đối diện đang chia sẻ mà còn là công cụ giúp bạn trả lời đầy đủ và thuyết phục hơn với những từ khóa và nội dung quan trọng. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ có ấn tượng tích cực với một ứng viên nghiêm túc và chuyên nghiệp với hành động ghi chú khi phỏng vấn.
Sẵn sàng trả lời câu hỏi tình huống
Nhiều nhà tuyển dụng muốn kiểm tra khả năng xử lý tình huống và kỹ năng phỏng vấn của ứng viên bằng những câu hỏi bất ngờ vượt xa những thông tin cơ bản như giới thiệu và kinh nghiệm làm việc. Bạn không bao giờ biết được nhừ tuyển dụng sẽ hỏi câu hỏi tình huống nào nhưng bạn có thể luyện tập kỹ năng phản xạ trước câu hỏi tình huống. Hãy tham khảo các video trên YouTube hoặc các bài đăng trên blog về công việc đó để nắm được dạng câu hỏi tình huống. Bạn cũng có thể đặt mình vào vị trí của đối phương và tự hỏi “Nếu tôi là nhà tuyển dụng, tôi sẽ hỏi gì?”
Đặt câu hỏi phù hợp
Phỏng vấn là một cuộc trò chuyện hai chiều. Nếu có bất kỳ điều gì còn quan tâm hay muốn thảo luận chi tiết, bạn đừng ngại mở lời với tinh thần cầu thị và lịch sự. Bạn có thể hỏi về cách đánh giá hiệu suất công việc hoặc văn hóa đặc trưng trong doanh nghiệp. Những câu hỏi hữu ích sẽ giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp với môi trường làm việc một cách hiệu quả.
Ngôn ngữ cơ thể
Hơn 70% “thông điệp” mà bạn gửi đến đối tượng giao tiếp là ngôn ngữ cơ thể. Đây là kỹ năng phỏng vấn được khuyên dùng để giúp ứng viên giữ bình tĩnh, thể hiện bản thân hiệu quả thông qua dáng ngồi và cử chỉ điệu bộ khi giao tiếp.
Bạn sẽ đỡ lo lắng hơn nếu giữ tư thế ngồi thẳng lưng và mở người hướng về phía nhà tuyển dụng. Trong lúc trả lời câu hỏi, một vài động tác tay nhỏ nhưng thoải mái cũng sẽ làm giọng điệu bạn tự nhiên hơn rất nhiều. Đừng quên mỉm cười lúc bắt đầu và trước khi kết thúc buổi phỏng vấn để tạo thiện cảm và làm không khí cuộc gặp gỡ trở nên dễ chịu hơn.