Thứ tư, 09/08/2023, 10:09 (GMT+7)

Chuyên gia giáo dục nêu lý do tại sao kiên trì là kỹ năng khiến trẻ thành công trong cuộc sống

Những đứa trẻ có IQ cao chưa chắc sẽ thành công nhưng những đứa trẻ kiên trì sẽ có động lực làm việc chăm chỉ để thành công, bất chấp mọi rào cản nảy sinh.

kien tri Tiepthigiadinh H1
Kiên trì là kỹ năng mêm khiến trẻ thành công trong cuộc sống

Kiên trì là kỹ năng khiến trẻ thành công

TS. Michele Borba là một nhà tâm lý học giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái và là tác giả từng đoạt giải thưởng của 24 cuốn sách dạy trẻ được dịch ra 19 thứ tiếng. Với tư cách là một nhà tâm lý học trẻ em, Michele Borba nhận thấy rằng tính kiên trì là kỹ năng số 1 giúp trẻ trở nên thành công trong cuộc sống. Điều đó cũng thật đúng với thực tế, khi hầu hết các nghiên cứu đều chứng minh rằng tính kiên trì là yếu tố quan trọng dự đoán khả năng thành công ở trẻ hơn cả chỉ số IQ.

Những đứa trẻ có lòng kiên trì sẽ không bỏ cuộc khi gặp thất bại và chúng luôn tin rằng mọi nỗ lực rồi sẽ được đền đáp. Vì vậy, những đứa trẻ sở hữu lòng kiên trì sẽ có động lực để làm việc chăm chỉ và hoàn thành những gì họ khao khát, bất chấp mọi rào cản nảy sinh.

9 bước dạy con kiên trì

TS. Michele Borba khuyên các bậc phụ huynh cần phải nắm bắt ngay 9 cách này để xây dựng tính kiên trì cho trẻ.

1. Tránh những yếu tố khiến trẻ nản lòng

Bước đầu tiên là tránh 4 yếu tố làm “trật bánh” sự kiên trì và Michele Borba gọi nguyên tắc này là “FAIL”:

- Fatigue (Mệt mỏi): Bảo vệ khả năng tập trung của con bạn bằng cách tuân thủ thói quen ngủ đúng giờ, không thức khuya. Tắt các thiết bị công nghệ 1 tiếng trước khi đi ngủ và để chúng ở bên ngoài phòng ngủ vào ban đêm.

- Anxiety (Lo lắng): Áp lực phải thành công có thể gây ra cảm giác choáng ngợp và lo lắng. Hãy khuyến khích con cố gắng từng ngày để bản thân trở nên ưu tú hơn.

- Identity solely based on fast achievements (Khen ngợi dựa trên thành tích đạt được): Hãy để con hiểu rằng thành công không cố định và bất biến. Khen ngợi con vì những nỗ lực của con chứ không phải vì kết quả con đạt được.

- Learning expectations that don’t match abilities (Đặt kỳ vọng không phù hợp với khả năng): Hãy hướng dẫn trẻ chỉ nên đặt mục tiêu cao hơn một chút so với khả năng của con bạn. Kỳ vọng quá cao có thể gây lo lắng, trong khi kỳ vọng quá thấp có thể dẫn đến sự buồn chán cho trẻ.

2. Sai lầm là cơ hội phát triển

Nhắc con bạn rằng sai lầm có thể là một điều tích cực, ngay cả khi kết quả cuối cùng không diễn ra theo đúng kỳ vọng ban đầu của chúng. Hãy để trẻ tự nhận ra lỗi lầm của mình rồi sau đó cha mẹ hãy khích lệ tinh thần con bằng câu nói: "Không sao cả. Điều quan trọng là con đã rất cố gắng!".

Cha mẹ cũng nên thừa nhận sai lầm của mình. Như vậy, trẻ sẽ nhận ra rằng mọi người đều mắc sai lầm và thành công sẽ xảy ra khi bạn không để thất bại "nuốt chửng" bản thân.

3. Chia nhỏ nhiệm vụ để giải quyết

Dạy con bạn biết cách chia các nhiệm vụ lớn thành các đầu việc nhỏ hơn để dễ quản lý hơn. Phân chia công việc phù hợp sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng thời gian biểu.

Nếu trẻ cảm thấy quá tải với số lượng bài tập về nhà quá lớn, cha mẹ có thể hướng dẫn con viết ra từng nhiệm vụ cần phải hoàn thiện vào một tờ giấy, xếp chúng chồng lên nhau theo độ khó tăng dần và lần lượt hoàn thành các nhiệm vụ. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để giải quyết mọi thứ theo một cách khoa học nhất.

4. Ăn mừng những thành tựu dù là nhỏ

kien tri Tiepthigiadinh H2
Thành tựu nhỏ nhưng con đã cố gắng hết sức

Thất bại lặp đi lặp lại có thể phá hỏng sự kiên trì, nhưng thành công nhỏ nhất có thể khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng. Vì vậy, hãy giúp trẻ xác định những chiến thắng nho nhỏ của mình. Ví dụ như lần trước trẻ đánh vần đúng 6 từ, hôm nay được 8 từ, hãy xem đó là một "chiến thắng" vì trẻ đang tiến bộ nhờ sự chăm chỉ.

5. Kéo dài sự tập trung của con

Nếu con bạn muốn từ bỏ một bài tập khó, cha mẹ đừng vội quát mắng mà hãy đặt đồng hồ trên bàn và hẹn giờ trong một khoảng phù hợp nhất định, chẳng hạn như 30 phút. Sau đó, cha mẹ hãy giải thích rằng: "Mẹ biết là bài tập này rất khó, nhưng con đừng bỏ cuộc sớm như vậy. Mẹ đã hẹn giờ 30 phút và trong 30 phút đến khi chuông đồng hồ gieo lên, con hãy cố gắng tìm ra cách giải và ngẫm nghĩ thật kỹ về nó nhé! Biết đâu con sẽ tìm ra được lời giải".

Nếu như con có thể tìm ra được lời giải trong 30 phút thì quả thực tuyệt vời, nhưng nếu trẻ vẫn loay hoay mãi thì cũng không sao cả, hãy để con được nghỉ ngơi một chút rồi hỗ trợ con làm bài tập đó.

6. Xác định đúng vấn đề đang gặp phải

Khi trẻ bỏ cuộc, lý do lớn nhất có thể là do chúng không tìm được cách giải quyết cho các vấn đề đang gặp phải. Trong hoàn cảnh này, cha mẹ nên gỡ rối cho con bằng cách trấn an con và bày tỏ rằng thất vọng là cảm giác hết sức bình thường.

Bạn có thể dạy con điều tiết hơi thở để kiểm soát cảm xúc hoặc nghỉ ngơi để tâm trạng khoan khoái trở lại. Sau đó, khi họ quay lại công việc của mình, hãy liệt kê tất cả những khả năng có thể đã và đang cản trở tiến độ hoàn thành công việc chúng.

7. Khen ngợi những nỗ lực

Nhà tâm lý học Stanford Carol Dweck phát hiện ra rằng, khi những đứa trẻ được khen ngợi vì trí thông minh của chúng như "Con thông minh quá" thì chúng sẽ ít có khả năng kiên trì hơn. Nhưng khi được khen ngợi về nỗ lực như "Con đã làm việc rất chăm chỉ, con làm tốt lắm!" thì trẻ sẽ có động lực và làm việc tốt hơn.

Theo nghiên cứu, các thành tích bề ngoài có thể làm giảm sự kiên trì của trẻ. Đó là lý do tại sao điểm số cao hay thành tích học tập khủng là quan trọng nhưng không phải tất cả. Để kéo dài sự kiên trì, hãy khen ngợi nỗ lực của con bạn, không phải điểm số hoặc kết quả mà chúng đạt được.

8. Hướng dẫn con tự động viên bản thân

kien tri Tiepthigiadinh H3
Tự động viên bản thân sẽ giúp con có động lực thực hiện mọi việc

Những câu nói tiêu cực như: "Con không thể làm được" hoặc "Con không đủ thông minh" sẽ làm mất đi sự kiên trì của trẻ. Cha mẹ nên tìm kiếm những câu nói truyền cảm hứng để nói với con khi gặp khó khó khăn. Nhắc con lặp lại thành tiếng câu nói đó nhiều lần trong vài ngày cho đến khi chúng có thể ghi nhớ và tự sử dụng được: "Mọi thứ không nhất thiết phải hoàn hảo. Tôi sẽ ngày càng tốt hơn nếu tôi tiếp tục cố gắng".

9. Không thay con làm mọi việc

Một trong những quy tắc nuôi dạy con cái hàng đầu của Michele Borba là: "Đừng bao giờ làm điều gì đó cho con mà chúng có thể tự làm". Mỗi lần cha mẹ sửa lỗi hoặc làm điều gì đó cho con, chúng sẽ ngày càng phụ thuộc vào bạn.

Khi biết rằng con có thể hoàn thành nhiệm vụ một mình, cha mẹ hãy lùi lại một bước, quan sát xem cách con tự tìm tòi, chiêm nghiệm mọi thứ để con đón nhận cảm giác thành công do nỗ lực của bản thân, từ đó sẽ xây dựng được tính kiên trì trong trẻ.

Cùng chuyên mục