Thứ tư, 11/10/2023, 10:00 (GMT+7)

Nhiều trường đại học công bố học phí tạm thu năm học 2023 - 2024

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố mức học phí tạm thu kỳ 1 hoặc cả năm học 2023 - 2024 trong khi chờ ban hành quy định chính thức về mức trần học phí.

Trong khi chờ Chính phủ ban hành quy định chính thức về mức trần học phí năm học 2023 - 2024, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí tạm thu theo hướng không tăng dù trước đó đã công bố lộ trình tăng học phí trong đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024.

Đại học Bách Khoa Hà Nội quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I như 2 năm qua dù trong đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội trúng tuyển năm 2023 tạm đóng 6 triệu đồng. Trong đó, học phí là hơn 4,4 triệu đồng; tiền mua Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, phí khám sức khỏe 391.500 đồng, phí tham dự kiểm tra tiếng Anh đầu vào 350.000 đồng, áp dụng đối với sinh viên thuộc diện cần kiểm tra năng lực tiếng Anh.

Học phí năm 2023 của Trường Đại học Y Hà Nội với khóa tuyển sinh mới dao động từ 20,9 - 55,2 triệu đồng/năm học (10 tháng).

hoc phi tam thu Tiepthigiadinh H1
Nhiều trường đại học công bố học phí tạm thu năm học 2023 - 2024

Trường Đại học Ngoại thương thu từ 10 - 35 triệu đồng. Học viện Ngoại giao 9,5 - 20,75 triệu đồng. Mức thu này thấp hơn so với dự kiến khoảng 1 - 2,5 triệu đồng/học kỳ.

Học phí tạm thu và các loại phí nhập học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 9.500.000 đồng/sinh viên. Trong đó: Lệ phí nhập học: 335.000 đồng/sinh viên; phí duy trì tài khoản (thu hộ ngân hàng): 50.000 đồng/sinh viên; bảo hiểm y tế sinh viên bắt buộc: 851.000 đồng/sinh viên/15 tháng; tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2023-2024: 8.264.000 đồng/sinh viên (Học viện sẽ thông báo chính thức số tiền học phí phải nộp của học kỳ 1 sau khi nhập học 2 tháng). Sau khi nhập học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không trả lại các khoản phí đã thu nếu sinh viên xin thôi học.

Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Thủ đô, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng quyết định giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo, trường sẽ công bố điều chỉnh ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 81 sửa đổi hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.

Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tạm thu học phí học kỳ I bằng năm ngoái là 13,75 - 36 triệu đồng.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng thông báo dừng tăng học phí và thu khoảng 10,6 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến.

Sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM nhập học từ năm 2020 trở đi phải đóng học phí thấp nhất là 41,8 triệu đồng đến cao nhất là 77 triệu đồng/năm học. Học phí năm học 2023 - 2024 được điều chỉnh tăng 10% so với năm học 2022 - 2023. Cụ thể, học phí của ngành bác sĩ răng hàm mặt là 77 triệu đồng/năm (tăng 7 triệu so với năm trước), ngành bác sĩ y khoa là 74,8 triệu đồng, ngành dược sĩ là 55 triệu đồng, ngành bác sĩ y học cổ truyền là 45 triệu đồng... Tân sinh viên năm 2023 khi nhập học đóng tạm ứng học phí 1 học kỳ hoặc cả năm, và đóng thêm 60.000 đồng khám sức khỏe.

Sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM nhập học từ năm 2019 trở về trước có mức học phí thấp hơn. Chẳng hạn, các ngành bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ đa khoa, dược sĩ, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền có mức học phí một năm học từ 20,9 - 27,6 triệu đồng. Chênh lệch học phí giữa hai khóa lên đến 49,4 triệu đồng. Các ngành cử nhân Điều dưỡng, Kỹ thuật y học, Phục hình răng, Y tế cộng đồng, Dinh dưỡng là 20,9 triệu đồng/năm học, tăng 6,6 triệu đồng so với năm 2022.

Học phí các ngành Y khoa, Dược, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền tại Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM là 55 triệu đồng/năm. Riêng ngành Điều dưỡng có mức tăng ít hơn, từ 37 lên 40 triệu đồng/năm. Y khoa (CLC), trung bình: 72,6 triệu/năm; Ngành Dược học (CLC), trung bình: 66,5 triệu/năm; Răng - Hàm - Mặt (CLC), trung bình: 106,48 triệu/năm.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo, học phí ngành Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học: 55,2 triệu đồng/năm. Các ngành cử nhân học phí là hơn 31,6 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Y Dược Thái Bình thông báo học phí tạm thu năm 2023 đối với sinh viên khóa tuyển mới như sau: Ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền là 55 triệu đồng/năm; Ngành Điều dưỡng 40 triệu đồng/năm.

Theo tờ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước của Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ cho phép tăng học phí bậc đại học. Học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học này áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi 1 năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.

Trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2 - 2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980.000 đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ, được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tức 2,4 - 6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Với đề xuất trên, một số ý kiến lo ngại rằng, nếu áp dụng theo Nghị định 81, thì mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022 - 2023, đặc biệt khối ngành y dược tăng 93%, khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%; mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp công lập tăng bình quân 82% so với năm học 2022 - 2023. Thậm chí, có khối ngành tăng lên gần 100% so với các năm học trước (2020 - 2021, 2021 - 2022, 2022 - 2023). Việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Cùng chuyên mục