Thứ ba, 29/08/2023, 10:42 (GMT+7)

Lùi 1 năm so với lộ trình tăng học phí: "Người mừng kẻ lo"

Xung quanh Nghị định 81, nội dung điều chỉnh chỉ về lộ trình tăng học phí, các quy định khác không thay đổi.

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phương án dự thảo học phí mới nhất trong năm học 2023 - 2024. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024. Dự thảo theo hướng tiếp tục lùi thời gian áp dụng chính sách tăng học phí theo lộ trình tại Nghị định 81 thêm 1 năm.

Giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh, sinh viên

Theo Nghị định 81 được Chính phủ ban hành năm 2021, lộ trình tăng học phí công lập thực hiện đến năm 2026. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế, xã hội nên Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí. Do đó, đã 3 năm liên tiếp các cơ sở giáo dục đại học không tăng học phí. Còn ở mầm non và phổ thông, các tỉnh, thành phải cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh và học sinh.

tang hoc phi Tiepthigiadinh H1
Phụ huynh và sinh viên giảm áp lực khi chưa tăng học phí

Mức phí năm học mới nếu được áp dụng theo Nghị định 81 sẽ tăng rất cao so với năm học trước đây. Học phí đại học công lập tăng bình quân 45,7%, đặc biệt, học phí khối ngành Y - dược tăng 93%, khối Nhân văn - khoa học xã hội tăng 53%... Học phí tăng cao gây khó khăn cho phụ huynh và trở thành rào cản với nhiều sinh viên theo học các ngành đặc thù có học phí cao.

Do đó, việc lùi lộ trình tăng học phí 1 năm, biên độ điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 thấp hơn sẽ giảm áp lực cho người học. Đồng thời giữ nguyên các quy định tại Nghị định 81 về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục…

Nhiều phụ huynh và sinh viên cho rằng, việc Bộ GD&ĐT lùi lộ trình tăng học phí 1 năm theo lộ trình tại Nghị định 81 theo yêu cầu của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với người học trong bối cảnh hiện nay là chủ trương rất nhân văn.

Bài toán khó cho các cơ sở giáo dục

Số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Ngân sách chi cho giáo dục đại học trong những năm qua chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi, số tiền chi chưa đạt 0,78% GDP. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy, các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu. Không được tăng học phí, nhà trường vô cùng khó khăn để duy trì hoạt động và cải thiện chất lượng, cơ sở vật chất.

tang hoc phi Tiepthigiadinh H2
Không tăng học phí khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó

Việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp theo lộ trình tại Nghị định 81 khiến nhiều trường đại học gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính. Bên cạnh đó, từ 1/7/2023, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó cũng gây áp lực cho nhà trường…

Về lâu dài, việc tăng học phí đại học theo lộ trình là điều khó tránh khỏi. Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,25 - 2,45 triệu đồng/tháng tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng/tháng. Mức thu hiện nay là 0,98 - 1,43 triệu đồng/tháng. Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...)  tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tức 2,4 - 6,15 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai.

Với bậc mầm non, phổ thông công lập, mức trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 dao động từ 30.000 - 650.000 đồng tùy cấp học và khu vực. Với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức trần tối đa gấp 2 - 2,5 lần mức trên.

Căn cứ vào mức trần này và tình hình địa phương, HĐND tỉnh, thành phố quyết định khung học phí bậc mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn. Từ năm học 2024 - 2025, khung và mức học phí được điều chỉnh phù hợp theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không quá 7,5%/năm.

Cùng chuyên mục