Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 03/08/2023, 10:54 (GMT+7)

Chuyên gia chỉ ra những kỹ năng sống theo lứa tuổi mà cha mẹ cần dạy trẻ

Những kỹ năng sống được dạy trong các khóa học ở trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số cha mẹ lại không quá chú trọng vào việc dạy trẻ các kỹ năng đó.

Lindsay Hutton - Biên tập viên của FamilyEducation.com cho biết, kỹ năng sống là điều cần thiết để trẻ học cách độc lập và tự lập. Kỹ năng sống phù hợp cũng sẽ giúp trẻ cảm thấy được trao quyền. Đồng thời, giúp phát triển lòng tự trọng, cũng như được hỗ trợ kỹ năng xã hội hóa và lý luận.

Bà Hutton cho rằng, các lớp học đã trở nên quá tập trung vào việc chuẩn bị cho học sinh về mặt học thuật và lý thuyết và thường bỏ qua giáo dục kỹ năng sống. Xu hướng nuôi dạy con bởi các “cha mẹ trực thăng” đã làm nảy sinh nỗi sợ hãi. Nhiều cha mẹ luôn cảm thấy bất an về trẻ. Do đó, họ bảo vệ con quá mức bằng cách ngăn trẻ tiếp xúc điện, dao và vật dụng khác - những thứ có khả năng gây hại. Những yếu tố này cản trở việc học các kỹ năng sống của trẻ. Bà Hutton đã gợi ý những kỹ năng sống quan trọng mà cha mẹ nên dạy trẻ theo từng lứa tuổi.

Lứa tuổi tiểu học

Bà Hutton cho rằng, trẻ em tiểu học cần được dạy ghi nhớ họ tên, địa chỉ và số điện thoại. Điều này liên quan đến sự an toàn của trẻ, việc trẻ biết cách thực hiện cuộc gọi khẩn cấp cũng rất quan trọng.

Ở những năm đầu tiểu học, trẻ cũng cần biết tự chăm sóc bản thân như: tắm, đánh răng, mặc quần áo và vệ sinh cá nhân. Phụ huynh có thể tạo danh sách điều trẻ cần làm và kiểm tra quá trình con mình thực hiện vào mỗi cuối ngày.

ky nang song Tiepthigiadinh H1
Vệ sinh cá nhân ở kỹ năng trẻ tiểu học cần nắm được

Theo bà Hutton, cha mẹ cần dạy trẻ cách chăm sóc người khác bao gồm cả thú cưng trong gia đình, từ khi trẻ học hết lớp mẫu giáo. Chẳng hạn như, học sinh lớp 2 có thể lấy thức ăn và nước uống cho chó mèo mỗi ngày.

Bên cạnh đó, trẻ tiểu học cũng cần biết cách nhìn vào mắt mọi người và trò chuyện lịch sự. Trẻ có thể thực hành bằng cách gọi đồ ăn tại nhà hàng, trả tiền hoặc có thể nhờ thủ thư giúp tìm sách khi ở thư viện...

Lứa tuổi THCS

Ở lứa tuổi trên 10 tuổi, trẻ cần sẵn sàng ở nhà một mình. Kỹ năng tự đảm bảo an toàn khi ở nhà một mình là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ chưa quen ở nhà một mình, cha mẹ hãy bắt đầu để con thực hành trong những khoảng thời gian ngắn. Phụ huynh có thể đi đến quán cà phê gần nhà trong một giờ, để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Trẻ cũng nên biết cách sử dụng bếp và dao an toàn cũng như những việc đơn giản khi nấu ăn, rửa bát. Phụ huynh có thể chỉ định một buổi tối cố định để trẻ thực hành nấu ăn cho gia đình.

ky nang song Tiepthigiadinh H2
Trẻ vào cấp 2 cần biết phụ giúp cha mẹ làm một số việc nhà

Trẻ ở tuổi THCS cũng cần quan sát và biết cách đọc kỹ nhãn mác của sản phẩm như đọc được hướng dẫn giặt ủi hoặc liều lượng của các loại thuốc thông thường. Thay vì tự lấy thuốc, cha mẹ hãy để con đọc hướng dẫn cho mình nghe. Sau đó, phụ huynh có thể giải đáp khi trẻ có thắc mắc.

Khi đã lớn hơn, cách giao tiếp của trẻ cũng cần trưởng thành hơn. Phụ huynh cần dạy trẻ quản lý các tình huống xã hội theo quy trình gồm 3 bước. Bước 1, khi gặp bất kỳ ai lần đầu tiên, hãy bắt tay thật chặt, giao tiếp bằng mắt và nở một nụ cười chân thành. Bước 2, thể hiện sự quan tâm bằng cách đặt câu hỏi về công việc, gia đình, sở thích… Bước 3, sau khi chăm chú lắng nghe chia sẻ của đối phương, hãy đưa ra phản hồi. Việc bắt đầu và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp là chìa khóa để lãnh đạo, phát triển và thành công.

Lứa tuổi THPT

Ở độ tuổi 14-15 tuổi, trẻ cần viết cách quản lý tiền bạc. Phụ huynh có thể bắt đầu dạy con có trách nhiệm với tiền bằng cách cho chúng một khoản tiêu vặt từ khi còn học mẫu giáo. Đến độ tuổi THPT, cha mẹ có thể lập tài khoản ngân hàng cho con và dạy con cách quản lý tiền bạc. Như vậy, khi vào đại học, trẻ hiểu rằng, con chỉ có thể tiêu số tiền đã có sẵn. Điều này giúp trẻ thành công về mặt tài chính khi tham gia vào thị trường việc làm và bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn.

ky nang song Tiepthigiadinh H3
Quản lý tiền bạc là kỹ năng quan trọng cần dạy trẻ ở tuổi vị thành niên

Trẻ ở tuổi THPT cũng đã có thể tự điều khiển xe đi học, cha mẹ hãy dạy trẻ tham gia giao thông một cách có trách nhiệm. Nghe nhạc, nhắn tin hoặc sử dụng các chất kích thích là điều cấm kỵ khi tham gia giao thông.

Bà Hutton nhấn mạnh việc cân đối giữa việc học ở trường, tham gia hoạt động ngoại khóa và đời sống xã hội. Đây là thử thách đối với bất kỳ thanh, thiếu niên nào. Mẹo để quản lý tốt thời gian bao gồm việc biết đâu là những thứ lãng phí thì giờ như mạng xã hội, trò chơi điện tử... Do đó, trẻ cần biết cách sắp xếp thời gian để duy trì sự cân bằng giữa trường học/công việc và cuộc sống. Việc học những kỹ năng sống sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho trẻ trong tương lai.

Cùng chuyên mục