Những sai lầm về chi tiêu mà bạn cần tránh
(Tiepthigiadinh) - Trên hành trình kiếm tiền và làm giàu, rất nhiều người đang mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Điều nguy hiểm hơn là chỉ một số ít người biết cách nhận ra và khắc phục những sai lầm đó.
Dưới đây là 5 sai lầm lớn nhất về chi tiêu nhất định phải tránh nếu muốn trở nên giàu có:
Phải vay nợ mới mua sắm được những thứ lớn lao
Bạn có thể mua một chiếc xe hơi mà không cần vay. Bạn cũng có thể mua một ngôi nhà mà không cần nợ. Nhưng phần lớn mọi người đều tin rằng vay nợ mới là cách duy nhất. Nhiều người không có điều kiện tài chính nhưng sẵn sàng vay 90% thậm chí 100% tổng chi phí tài sản để đạt được mục đích. Và nhiều người nói rằng đây là giải pháp tối ưu bởi vì đó là cách duy nhất giúp họ có đủ khả năng để mua ô tô hoặc nhà.
Nếu phải vay 90 - 100% chi phí để mua một thứ gì đó thì thật không nên bởi các giao dịch mua lớn không chỉ đòi hỏi chi phí cho riêng tài sản, mà còn đi kèm các chi phí khác như: bảo hiểm, chuyển nhượng quyền sở hữu…
Để tránh sai lầm này, bạn cần:
- Cố gắng tiết kiệm được ít nhất 40% giá trị của món hàng. Cách này giúp bản thân bạn hiểu cái giá thực sự để có nó là bao nhiêu và sẽ phấn đấu hết sức vì mục tiêu của mình.
- Nếu phải gánh trên 80% khoản nợ, không nên thực hiện giao dịch mua nữa. Hãy đợi đến khi khả năng tài chính của bản thân tốt hơn, vì mọi giao dịch mua hàng quy mô lớn đều đi kèm những bất trắc và phụ phí có thể phát sinh.
Được cho vay bao nhiêu, mua hết bấy nhiêu
Được duyệt một số tiền cho vay không có nghĩa đó là năng lực vay thực sự của bạn. Hãy nhớ rằng ngân hàng chỉ muốn lấy được càng nhiều tiền càng tốt. Khi họ cho bạn vay số tiền lớn hơn, thì mức lãi suất hàng tháng phải trả cũng lớn hơn: Khoản vay 50 triệu đồng với lãi suất 6% là 250.000 đồng mỗi tháng, nhưng khoản vay 500 triệu đồng với lãi suất 5% sẽ lên tới gần 2.100.000 đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, khi chấp nhận cho vay khoản lớn, các ngân hàng cũng tìm cách để ta không thể thực hiện các khoản thanh toán hoàn trả bất thường.
Để tránh sai lầm này, bạn cần:
- Lập ngân sách và phân tích khả năng trả nợ của bản thân sau khi đã thanh toán tất cả các khoản chi tiêu cần thiết. Cố gắng chỉ vay ở mức thấp hơn hoặc bằng 50% tổng thu nhập hiện tại và hoàn trả hàng tháng.
- Cố gắng chỉ sử dụng một nguồn thu nhập để mua một thứ gì đó và để dành ra một khoản để có thể sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra.
Trả quá nhiều loại phí
Chúng ta đang phải trả nhiều khoản phí cho những thứ không thực sự cần thiết chỉ vì không thể tự kiểm soát bản thân như: phí thấu chi, phí ATM, phí trả lãi chậm... Những khoản phí này có vẻ nhỏ, không đáng kể nhưng nhiếu số nhỏ công lại sẽ có thể thành một con số lớn, tiêu tốn đáng kể nguồn thu nhập hàng tháng.
Để tránh sai lầm này, bạn cần:
- Không lạm dụng bất kì công cụ nào cho phép bạn tiếp cận số tiền không phải của mình một cách dễ dàng. Nếu thực sự gặp trường hợp khẩn cấp, hãy tìm cách khác để lấy số tiền đó.
- Quán xuyến tình hình tài chính và khả năng chi trả của bản thân. Nếu biết mình cần một lượng tiền mặt cụ thể, hãy đến trực tiếp ngân hàng hoặc cây ATM mỗi tháng một lần để tránh phí rút tiền nhiều lần.
- Luôn ghi nhớ hạn trả nợ, thanh toán. Tạo thanh toán tự động trong ứng dụng của ngân hàng hoặc sử dụng sổ ghi chép để nhắc nhở bản thân là những ý tưởng khá hay.
Coi thẻ tín dụng như một nguồn vay
Thẻ tín dụng được nhiều người coi là một phương tiện để mua đồ vào bất kỳ thời điểm nào trong tháng và coi nó như một khoản vay cá nhân, vô tình sẽ dấn đến tình trạng mắc nợ thẻ tín dụng và phải trả số tiền lãi vô lý, vì họ không biết công cụ này thực sự hoạt động như thế nào. Hãy nhớ, thẻ tín dụng không phải là một nguồn vay.
Để tránh sai lầm này, bạn cần:
- Không bao giờ để tồn đọng nợ trong thẻ tín dụng. Khi nhận lương, hãy trả hết nợ thẻ.
- Chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng cho các khoản thanh toán cố định hoặc trường hợp khẩn cấp. Lạm dụng thẻ tín dụng sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề.
Không hiểu các nguyên tắc cơ bản về tiền bạc
Rất nhiều cá nhân, vì không muốn sử dụng số tiền đang có trong tài khoản ngân hàng, nên đã vay mượn để mua thứ gì đó. Họ lại tự tán thưởng vì nghĩ rằng theo cách này, họ sẽ luôn có tiền trong tài khoản ngân hàng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, chịu một khoản vay cá nhân với lãi suất 13% sẽ không bao giờ tốt bằng việc có cùng một số tiền trong tài khoản ngân hàng đang sinh lãi với lãi suất 0,03%.
Không hiểu cách thức hoạt động của đồng tiền có thể khiến người ta đưa ra những quyết định tài chính sai lầm. Và việc tìm kiếm kiến thức không đúng chỗ cũng có thể khiến họ thất bại trong việc quản lí đồng tiền. Bạn cũng sẽ không bao giờ điều khiển được tiền làm việc cho mình.
Để tránh sai lầm này, bạn cần:
- Tự trang bị kiến thức cơ bản để đưa ra quyết định thông minh hơn về tiền bạc.
- Tìm hiểu về một số hệ thống và lời khuyên đã được chứng minh có thể giúp mọi người sử dụng tiền thông minh hơn và gặt hái được sự giàu có theo thời gian.