Thứ hai, 09/01/2023, 15:35 (GMT+7)

Lì xì Tết: Mách cha mẹ dạy con cách tiết kiệm thông qua tiền lì xì

Lì xì Tết như là một lời chúc mừng năm mới tốt lành, may mắn, với mong muốn đem lại sự hanh thông cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng biết cách quản lý tiền lì xì của con một cách hợp lý.

Sau đây là một vài cách để quản lý tiền lì xì mà Tiếp thị và Gia đình gợi ý, bạn hãy thử áp dụng nhé!

Tiền chỉ được sử dụng một lần

Hãy nói cho con hiểu: Tiền là nguồn lực hạn chế, mỗi chúng ta chỉ có một số tiền nhất định, nếu con tiêu tiền cho nhu cầu này thì sẽ phải chấp nhận bỏ qua nhu cầu khác. Điều này có nghĩa là, ta chỉ nên sử dụng tiền trong những tình huống cần thiết, tránh sự lãng phí khó có thể bù đắp.

Khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: “Con có thực sự cần món đồ này không?”, “Sau khi mua về, con sẽ sử dụng chúng chứ ?” hoặc “Tại sao con lại muốn mua món đồ này?”. Những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng lại giúp kích hoạt não bộ của con suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.

Nếu con thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể khéo léo dạy bài học về tiết kiệm. Hãy cho con thấy rằng số tiền lì xì con có chưa đủ và con phải tiết kiệm số tiền nhiều hơn mới có thể mua được những món đồ này hoặc phải làm việc để kiếm tiền.

Tiền lì xì có nguồn gốc từ đâu? 

Trẻ con sẽ rất vui khi nhận được lì xì, bạn có thể tranh thủ niềm vui của trẻ để giải thích nguồn gốc đằng sau lì xì: “Con có biết tại sao người lớn lại lì xì cho con trong dịp Tết không?”.

Tương truyên rằng, vào dịp đầu năm mới, người lớn sẽ lì xì cho trẻ nhỏ như một phong tục truyền thống tốt đẹp để trấn áp được tà ma, thu hút vận may.

Nhưng tiền lì xì không phải tự nhiên mà có, đó là mối quan hệ hai chiều. Mọi người lì xì cho con, thì ngược lại, cha mẹ cũng lì xì cho con họ, xét cho cùng số tiền này vẫn là tiền của cha mẹ, vậy tiền của cha mẹ từ đâu ra? Cha mẹ phải làm việc chăm chỉ để kiếm được số tiền ấy.

Khéo léo dạy con kỹ năng quản lý tài chính thông qua tiền lì xì

Sau khi phổ cập kiến thức về tiền bạc cho trẻ em, chúng ta nên làm gì với tiền lì xì ngày Tết của con? Cha mẹ có thể cùng con thảo luận trước, cha mẹ phải tôn trọng ý kiến của con, đây là cơ sở để nuôi dưỡng cách nhìn về tiền bạc của con. Về cách xử lý cụ thể, được chia làm 3 phần: 

1. Dạy con tự quyết định tiền lì xì của mình

Trẻ con tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,… được cha mẹ dạy cách quản lý tài chính cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Đây là một kĩ năng vô cùng quan trọng, giúp trẻ sớm hiểu được giá trị đồng tiền cũng như biết cách xây dựng kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý, tránh đi những tiêu pha hoang phí cũng vô cùng quan trọng. 

Theo cách trên, cha mẹ Việt có thể tham khảo và áp dụng vào việc hướng dẫn con quản lý tài chính qua việc nhận tiền lì xì vào dịp tết nguyên đán sắp tới.

quanly-tienlixi-tiepthigiadinh
Mỗi dịp Tết đến, tiền lì xì luôn là câu chuyện dở khóc dở cười trong mỗi gia đình. Nguồn: Internet

Đối với những trẻ ở độ tuổi từ 6 tuổi trở lên, hãy khuyến khích con biết cách tiết kiệm để có thể mua những món đồ cần thiết phục vụ cho học tập. Ví dụ như dẫn con đi mua sắm sách, vở, bút nhân dịp đầu năm mới; gợi ý cho con mua máy tính xách tay, mua quần áo, xe đạp điện để đi học cho tiện hoặc tư vấn một vài lớp học kỹ năng mềm để con tham gia và đóng tiền học kỹ năng ấy bằng tiền lì xì. Điều này sẽ giúp ích cho các bé có được tính tự lập, duy trì thói quen lên kế hoạch chi tiêu cho tương lai.

Hoặc bố mẹ có thể mua tặng con một chú lợn đất, sau đó dạy con tự tay đút tiền vào lợn để tiết kiệm dùng cho nhiều khoản chưa có kế hoạch sau này, hoặc mua một món quà cho các thành viên trong gia đình.

2. Mở tài khoản tiết kiệm tiền lì xì

Đối với trẻ con, việc quản lý một số tiền lì xì lớn là một bài toán khó. Vì thế, cha mẹ hãy cân nhắc việc gợi ý cho con mở một tài khoản tiết kiệm. Việc này giúp con có thể giữ được khoản tiền lì xì lớn và sử dụng cho mục đích lâu dài. Bên cạnh đó, việc có một tài khoản tiết kiệm còn là niềm hãnh diện của trẻ con, bởi chúng cảm thấy mình được làm điều mà trong trí tưởng tượng của chúng: “Chỉ có người lớn mới làm được việc này”. Từ đó tăng thêm sự hào hứng cho trẻ con trong việc quản lý tiền lì xì của mình.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em, việc cha mẹ thường xuyên hỏi ý kiến của con cũng như cùng đưa ra nhiều giải pháp trước khi có quyết định cuối cùng sẽ khiến các bé cảm thấy mình được tôn trọng, tự có chính kiến và đưa ra quan điểm mà không bị áp đặt phải theo ý kiến của cha mẹ.

quanly-tienlixi-tiepthigiadinh
Cha mẹ hướng dẫn con cách quản lý nguồn tiền cá nhân ngay từ khi còn bé. Nguồn: Facebook

Alfred Chia, giám đốc công ty tư vấn tài chính Singcapital, khuyên các bậc cha mẹ mở một tài khoản tiết kiệm riêng cho tiền mừng tuổi hay tiền lẻ của con cái và để chúng thấy khoản tiền của mình dần tăng lên. Khi con bạn thấy tiền của chính mình ngày một tăng, chúng sẽ hào hứng tiết kiệm tiền hơn.

Ông nói “Bạn hãy gửi tiền tiết kiệm của con vào một tài khoản ngân hàng không yêu cầu khoản tiền gửi tối thiểu và không mất phí dịch vụ hàng tháng nếu số dư thấp hơn quy định. Một tài khoản như vậy sẽ giúp việc quản lý tiền tiết kiệm dễ dàng và đỡ căng thẳng hơn. Bạn sẽ thay con cái quản lý tiền bạc cho đến khi con bạn đạt đến độ tuổi nhất định, chẳng hạn 21 tuổi. Dù lãi suất có thể không cao, nhưng đây chính là cách mà con bạn có thể hiểu biết rõ hơn về lập kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi tình trạng tài chính trực tuyến. Con bạn sẽ thấy thích thú khi số tiền dần tăng lên”.

Vậy nên, thay vì kiểm soát tiền, cha mẹ nên dạy con cách phân bổ tiền một cách khoa học, hợp lý. Cha mẹ hãy khéo léo điều chỉnh thái độ của con, từ đó giúp con có chính kiến riêng trong mọi việc sau này.

3. Lập kế hoạch sử dụng tiền như người lớn

Các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con lên kế hoạch chi tiêu cho năm mới với số tiền lì xì mà chúng nhận được trong dịp Tết. Việc chi tiêu trong năm mới có thể chia theo 12 tháng hoặc 3 quý. Mỗi tháng sẽ cần chi những số tiền khác nhau tùy vào thực tiễn. Ví dụ, tháng hè, nhiều hoạt động vui chơi chắc chắn sẽ cần chi nhiều hơn các tháng trong năm học. Với những dự tính chi tiêu đó, bố mẹ giúp các bé có kế hoạch cân đo tính toán sử dụng hợp lí số tiền lì xì của mình.

Bên cạnh việc sử dụng tiền lì xì cho nhu cầu cá nhân, cha mẹ cũng nên gợi ý cho con mua quà lưu niệm tặng cho những người thân yêu, như một cách để bày tỏ tình cảm với mọi người. Hơn thế, bố mẹ cũng có thể khuyên con dành một phần tiền lì xì để làm từ thiện, bởi đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình thương người và sự hào phóng, bởi trẻ đang có sẵn khá nhiều tiền vừa được người khác cho thay vì tiêu khiển vào những thứ thiếu tính thực tế.

Nói chung, ứng xử với tiền lì xì sao cho hợp lý không dừng lại ở suy nghĩ hay hành động của trẻ nhỏ, việc này còn phụ thuộc vào sự tinh tế của người lớn trong việc bảo ban con ngay từ khi còn nhỏ. Hy vọng các bé sẽ hiểu và có ứng xử đẹp trong câu chuyện tiền lì xì năm mới 2023.

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm
Cùng chuyên mục