Lì xì đầu năm, nguồn gốc và những điều cần lưu ý
(Tiepthigiadinh) - Bao lì xì đỏ cùng hoa đào, hoa mai, tràng pháo, bánh chưng xanh,... vốn là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt quan niệm, lì xì đầu năm tượng trưng cho sự may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, thuận lợi trong năm mới.
Lì xì nghĩa là gì?
Lì xì là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là đồng tiền đem lại may mắn, điều lành, điều tốt cho mọi người, nhất là trẻ em trong dịp đầu năm.
Nguồn gốc của phong tục lì xì ngày Tết
Phong tục lì xì ngày Tết đã xuất hiện từ rất lâu và có nguồn gốc ở Trung Quốc. Theo thời gian, tục lì xì ngày Tết lan rộng và trở nên phổ biến ở những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,...Vào đêm giao thừa và các ngày đầu năm mới, cả nhà sum họp, thắp hương tổ tiên, kể cho nhau nghe về những thăng trầm trong năm vừa qua. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ và ông bà, cha mẹ lì xì lại con cháu kèm theo đó là những lời chúc tốt lành. Vậy nguồn gốc của những bao lì xì bắt nguồn từ đâu?
Câu chuyện về bao lì xì ở Đông Hải
Không biết chính xác thời gian bao lì xì ra đời , chỉ biết nó đã xuất hiện từ rất lâu với nhiều câu chuyện được lưu truyền khác nhau.
Xưa kia, người ta lưu truyền rằng, ở vùng Đông Hải xa xôi, có rất nhiều yêu quái đe dọa sự sống của dân làng. Vào những ngày thường chúng bị các thần tiên canh giữ ở hạ giới. Nhưng vào các ngày giao thừa, các vị tiên này phải về trời để đoàn tụ với gia đình, vô tình tạo ra cơ hội để yêu quái phá hoại dân làng.
Đặc biệt, sở thích của các con yêu quái độc ác này là quấy rối những đứa trẻ, khiến chúng ngày đêm than khóc, không ngủ được. Các bậc cha mẹ vì thương con nên vào những ngày giao thừa phải thức trắng đêm để canh con của mình.
Có một dịp, Bát tiên (8 vị tiên) đi ngang qua thì thấy tình cảnh này, họ liền hóa thân thành những đồng tiền nằm bên cạnh những đứa trẻ. Cha mẹ chúng thấy vậy liền gói những đồng tiền vào trong chiếc bao đỏ để xua tan đi bọn ác quỷ hung dữ, tàn ác. Tiếng lành đồn xa, phép màu này được lan truyền khắp mọi nơi.
Do đó, vào mỗi dịp tết về, người ta thường bỏ tiền vào trong những chiếc túi đỏ để tặng trẻ con. Đó như là lời chúc cho sức khỏe, chăm ngoan và mau lớn mà họ gửi gắm vào đó. Từ đó, phong tục về bao lì xì được hình thành.
Câu chuyện về thủ tục “đặt áp tế tiền”
Xuất hiện một câu chuyện khác về bao lì xì Tết là câu chuyện biến thể về thủ tục “đặt áp tế tiền”. Người ta xâu những đồng tiền lại với nhau bằng sợi chỉ đỏ thắm, sau đó buộc lại thành hình thanh kiếm hoặc con rồng. Điều này mang ý nghĩa bảo vệ giấc ngủ, chống tà ma xâm hại những đứa trẻ nhỏ.
Được lưu truyền lại như một thủ tục tốt đẹp, những bao lì xì đỏ trao nhau vào dịp đầu năm có ý nghĩa chúc nhau một năm mới an khang, sung túc, giàu sức khỏe. Vậy nên, lì xì là một biểu tượng không thể trong những ngày tết của người Châu Á nói chung và người Việt Nam ta nói riêng.
Dù có bao nhiêu câu chuyện đi nữa, chúng đều hướng tới mục đích chung là muốn truyền tải những lời chúc tốt đẹp đến những người yêu thương vào dịp đầu năm mới.
Ý nghĩa của bao lì xì trong ngày đầu năm
Lì xì đầu năm là một phong tục, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt, với mong muốn đem lại những điều may mắn đến trong năm mới. Việc lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 Tết, bạn có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mồng 9, mùng 10.
Bắt đầu từ thời khắc giao thừa, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ trao những bao lì xì cho con cháu, rồi tới lượt con cháu mừng tuổi lại ông bà, cha mẹ để lấy may cho cả năm. Tương tự, những người tới chơi cũng được nhận tiền lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại.
Giá trị của tiền lì xì không nói lên ý nghĩa của nó, mà ý nghĩa thật sự được thể hiện ở mong ước trẻ hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, ngoan ngoãn; còn các bậc phụ huynh thì khỏe mạnh, ăn nên làm ra để có thể bên con cháu thật lâu. Nhìn chung, mọi lứa tuổi đều có thể được nhận lì xì để lấy may.
Phong bao lì xì với gam màu chủ đạo là sắc đỏ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trước hết, nó tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có trong cuộc sống. Màu đỏ của chiếc bao lì xì còn tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng trong suốt cả năm, màu của niềm hy vọng và sự may mắn.
Một số lưu ý khi trao và nhận tiền lì xì
Có một sự thật đáng buồn là qua thời gian, phong tục lì xì Tết đang dần mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó. Đó là khi mà giờ đây mọi người thường đặt câu hỏi "Lì xì bao nhiêu là đủ?". Câu hỏi ấy cho thấy, chúng ta- những người trao và nhận tiền lì xì, đang đặt nặng vấn đề vật chất hơn là về vấn đề tinh thần.
Trước đây, mọi người thường đặt trong bao lì xì tờ tiền mệnh giá 500đ và 10.000đ, lý do là vì cả hai tờ tiền này đều có màu đỏ với ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn và an lành cho con cháu. Giờ đây mệnh giá đồng tiền trong bao lì xì thường thấp hoặc cao hơn tùy vào cấp bậc của người nhận hay mục đích cá nhân của người trao. Ví dụ như với những người lớn tuổi như cha mẹ, ông bà, người Việt thường gửi bao lì xì có giá trị cao hơn để thể hiện lòng thành mong muốn cha mẹ luôn dồi dào sức khỏe.
Song, dù tiền lì xì có mệnh giá là bao nhiêu thì bao lì xì vẫn luôn thể hiện ý nghĩa vốn có của nó chính là mong muốn người nhận gặp thật nhiều may mắn và dồi dào sức khỏe trong năm mới.
Hiện nay, bao lì xì cũng không chỉ còn là màu đỏ hay vàng truyền thống mà còn có thêm nhiều mẫu mã phù hợp với sở thích của mỗi người.