Vì sao bạn tiết kiệm không thành công?
(Tiepthigiadinh) - Tiết kiệm sẽ trở nên khó khăn hơn nếu bạn không biết những nguyên nhân "tưởng lạ mà quen" dưới đây. Hãy cùng tìm hiểu xem điều gì đang cản trở bạn tiết kiệm nhé!
Tiêu xài hoang phí
"Vũng lầy" lớn nhất đang níu chân bạn khỏi việc tiết kiệm chính là sự lãng phí. Trong đời sống, có rất nhiều lí do khiến chúng ta “vung tay quá trán” như: tự thưởng cho bản thân những món đồ hiệu, muốn trải nghiệm những tiện ích mà sản phẩm công nghệ hiện đại mang lại, hòa mình vào những buổi tiệc tùng sau giờ làm để xả stress, thường xuyên ăn trưa ở hàng quán khi đi làm hay chỉ đơn giản là thấy đồ vật đẹp mắt, độc đáo thì mua về để ở nhà chứ không có mục đích gì… Tất cả những hành động tưởng chừng như rất nhỏ ở trên chính là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu xài hoang phí của bản thân. Xung quanh chúng ta có rất nhiều cám dỗ, nếu bản thân không thể vượt qua thì chúng ta sẽ dễ dàng đối mặt với tình trạng thiếu thốn phải đi vay mượn, vậy thì tiết kiệm là điều không thể.
Để hạn chế những trường hợp phải chi tiêu cho những việc không cần thiết, trước tiên, bạn cần phải nhìn nhận lại xem bản thân đã thật sự tiêu tiền hợp lý chưa. Biết được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp. Sau khi xem xét lại bản thân, nếu bạn đang mắc phải những trường hợp chi tiêu tốn kém như trên thì hãy tính toán và phân chia lại tài chính cá nhân để hạn chế việc chi tiêu không hợp lý. Thay vì ăn cơm ngoài thì hãy mang cơm trưa theo, tìm các phương pháp thư giãn lành mạnh và ít tốn kém như tập thể dục tại nhà để hạn chế những bữa tiệc, nếu đồ công nghệ chưa bị hỏng thì không nên thay mới chúng liên tục và trước khi mua bất cứ thứ gì thì cần phải cân nhắc về mục đích và nhu cầu của bản thân.
Không ưu tiên tiết kiệm
Một số người cho rằng tiết kiệm chỉ dành cho những người có điều kiện, dư dả về tài chính, nhưng sự thật tiết kiệm là việc mà ai cũng nên làm. Phần lớn những người không có quỹ tiết kiệm là do họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc này hoặc họ cũng chưa có mục tiêu cho bản thân, cũng có thể hoàn cảnh của họ chưa cho phép khi mà có quá nhiều thứ cần phải chi trả, nhưng tiền lương thì ít.
Để có thể bắt đầu tiết kiệm, trước hết bạn phải hiểu được tầm quan trọng của tiết kiệm, nắm được lý do vì sao bản thân nên tiết kiệm và từ đó có thể lên kế hoạch cho việc này. Bạn không nhất thiết phải bỏ ra một số tiền quá lớn mà hãy bắt đầu tích dần dần. Ngoài ra, bạn hãy cho tiết kiệm vào một đầu mục cố định mỗi khi tính toán các khoản thu chi trong một tháng để tạo thói quen tiết kiệm nhé!
Không có kế hoạch, mục tiêu tiết kiệm
Nhiều người cho rằng tiết kiệm không phải là việc quan trọng nên họ cảm thấy lên kế hoạch cho nó là không cần thiết. Tuy nhiên, dù là dự định lớn hay nhỏ thì cũng đều phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện. Khi đã quyết định tiết kiệm, bạn cần phải biết bản thân muốn tiết kiệm vì lý do gì, tiết kiệm trong bao lâu và khoản tiết kiệm ấy có giá trị là bao nhiêu.
Việc lập kế hoạch cần phải được cụ thể ngay từ đầu bởi khi xác định rõ những gì chúng ta cần phải làm thì việc tiết kiệm mới có thể hiệu quả được. Hiện nay, có rất nhiều các công cụ giúp bạn lập kế hoạch chi tiêu và theo dõi quá trình ấy một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Không thể nói “không”
Một trong số những lý do dẫn đến thất bại trong tiết kiệm chính là việc bạn không thể nói “không”. Nhiều người có suy nghĩ rằng “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”, với họ, tiền luôn xếp sau những mối quan hệ nên để có thể giữ được những liên kết tốt đẹp ấy, một số người sẵn sàng cho vay không tính toán hoặc tự nguyện bỏ một số tiền lớn ra mua quà cho những người kia. Tình trạng rất phổ biến hiện nay đó là chúng ta nhận được thiệp mời đến dự đám cưới của một người bạn mà thậm chí một năm chỉ nói chuyện một hai lần, nhưng do cả nể và muốn giữ liên hệ nên chúng ta đã đồng ý. Việc thỏa hiệp với những mối quan hệ và để bản thân chịu thiệt không còn là điều mới mẻ, song, nhiều người vẫn chưa thể tìm cách để thoát ra khỏi chiếc "mê cung" ấy.
Nếu bạn đang gặp phải những trường hợp tương tự như trên, hãy mạnh dạn nói “không”, bởi chẳng ai đánh giá hay phê phán nếu bạn từ chối một lời đề nghị khiến bản thân không thoải mái. Nếu chỉ vì bạn không cho đối phương vay mượn mà họ quay lưng lại với bạn thì bạn cùng hoàn toàn có thể tránh xa những mối quan hệ như vậy.
Ở gần những người không tiết kiệm
Tâm lý đám đông là một loại tâm lý khá phổ biến. Con người rất dễ bị ý kiến chung chi phối bởi chúng ta cho rằng nếu nhiều người làm như vậy thì có nghĩa đó là việc đúng đắn. Khi bạn ở gần những người không tiết kiệm, bạn sẽ có cảm giác yên tâm bởi xung quanh không có ai đang tiết kiệm mà vẫn sống tốt, vẫn vui vẻ. Thế nên, bạn sẽ cho rằng việc tiết kiệm cũng chẳng to tát gì và không tiết kiệm thì vẫn có thể sống thoải mái. Bên cạnh đó, thói quen chi tiêu và quản lý tiền bạc của những người bạn chơi cùng sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến bạn. Khi ở cạnh những người luôn rủ rê bạn đi ăn uống, mua sắm, bạn sẽ không thể từ chối và lại phải tốn tiền vào những việc không cần thiết.
Những lúc như vậy, bạn cần xác định rõ quan điểm của bản thân đó chính là xây dựng một khoản tiết kiệm. Từ đó, lấy khoản này làm trung tâm và loại bỏ những mối bận tâm khác. Ý kiến của số đông chưa chắc đã đúng, chúng ta nên ưu tiên những gì tốt nhất cho bản thân. Ngoài ra, thay vì ở cạnh những người bạn lúc nào cũng khuyến khích tiêu tiền, chúng ta hãy tìm kiếm những người bạn có lối sống tiết kiệm và cách quản lý chi tiêu hợp lý để có thể học hỏi từ họ.
Không có hành động cụ thể
Mọi mục tiêu sẽ không thể hoàn thành nếu bạn không bắt tay vào thực hiện. Một số người ý thức được rằng bản thân phải tiết kiệm nhưng vẫn chưa thể thành công bởi họ đang thỏa hiệp với hoàn cảnh. Họ luôn tự nhủ rằng phải bắt đầu tiết kiệm nhưng trên thực tế họ lại trì hoãn từ ngày này qua ngày khác. “Nốt hôm nay rồi mai mình sẽ tiết kiệm”, “Chơi nốt mấy hôm rồi sang tháng tiết kiệm sau”, đây là những suy nghĩ sẽ khiến bạn ngày càng rời xa việc tiết kiệm vì nói thì luôn dễ hơn làm.
Nếu đã có dự định tiết kiệm thì bạn nên bắt tay vào hành động luôn và ngay. Vì khi bạn có suy nghĩ như vậy mà bạn không thực hiện thì mọi thứ chỉ dừng lại ở việc ý thức và sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Nếu bạn có ý định tiết kiệm nhưng chưa có điều kiện để thực hiện thì hãy lên kế hoạch cho dự định này để bạn luôn trong tâm thế sẵn sàng tiết kiệm khi có đủ khả năng.
Lo sợ tiền mất giá
Những năm gần đây tốc độ lạm phát ngày càng tăng một cách chóng mặt khiến giá của một số mặt hàng thay đổi. Thị trường không ổn định mang lại nỗi lo cho người dân, chính vì vậy, mỗi khi các sản phẩm hạ giá, nhiều người ngay lập tức đi mua nhiều để tích trữ dần trong nhà vì sợ rằng ngày mai nó sẽ tăng giá. Đối với tiết kiệm, nhiều người cho rằng lạm phát sẽ làm đồng tiền mất giá, tích nhiều cũng không để làm gì, thế nên họ thà tiêu cho bản thân còn hơn tiết kiệm.
Lạm phát là việc mà một cá nhân không thể can thiệp, nhưng có những điều mà chúng ta không nên làm khi đồng tiền mất giá. Bạn không nên tích trữ thực phẩm bởi thực phẩm không thể bảo quản lâu dài, nếu làm không đúng cách cộng với việc tích trữ quá lâu sẽ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nếu bạn đã có ý định tiết kiệm nhưng còn chần chừ vì lo lắng đồng tiền sẽ mất giá thì có thể chọn giải pháp khác như mua vàng hoặc mua đất trong trường hợp bạn muốn quỹ tiết kiệm của bản thân được lâu dài.
Không theo dõi tình hình chi tiêu
Nhiều người không có thói quen theo dõi tình hình chi tiêu của bản thân, bởi họ cho rằng đó là việc làm rắc rối và thừa thãi. Đôi khi họ chỉ mua cái kẹo vài nghìn đồng, nếu khoản nhỏ lặt vặt nào cũng phải ghi chép sẽ tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm bởi một lần mua đồ nhỏ lẻ số tiền bỏ ra không đáng kể nhưng nếu nhiều lần như thế lặp lại thì số tiền có thể vượt xa sức tưởng tượng của bạn. Việc không ghi chép lại chi tiêu sẽ khiến bạn cảm thấy lơ mơ về tài chính của bản thân vì bạn không biết tháng trước mình đã tiêu tiền vào những thứ gì, nó khiến bạn cảm thấy bạn luôn chi tiêu hợp lý mà vẫn thiếu thốn và sẽ khiến bạn lầm tưởng rằng những sinh hoạt hằng ngày của bản thân là tốn kém nên không thể tiết kiệm.
Nếu mắc phải trường hợp trên thì bạn nên bắt đầu ghi chép lại thu chi của bản thân, ngay cả những thứ nhỏ nhất cũng không được bỏ qua. Điều này sẽ giúp bạn không bỏ qua bất kì lỗ hổng nào trong chi tiêu và biết được mình cần phải làm gì để cải thiện tình hình tài chính cá nhân.
Tận hưởng cuộc sống
Cuộc sống có vô vàn những điều tốt đẹp nên việc tận hưởng nó không có gì là sai. Thế nhưng, tận hưởng sao cho tiết kiệm và hợp lý thì lại là vấn đề khác. Gần đây, một số người có thói quen đi đây đi đó để thư giãn và cũng là tìm hiểu văn hóa. Cứ mỗi khi có dịp nghỉ lễ là họ sẽ đi du lịch cùng bạn bè và người thân. Trước khi quyết định đi du lịch, bạn hãy suy nghĩ đến tài chính của bản thân. Có nhiều người đam mê đi du lịch đến nỗi chấp nhận vay mượn để được đi hoặc là sau khi đi du lịch về thì sinh hoạt kiểu "thắt lưng buộc bụng" cả tháng.
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần phải suy nghĩ thật kĩ trước khi lên kế hoạch cho một chuyến đi. Bạn nên tính toán các khoản chi cho chuyến đi sao cho thật hợp lý. Ngoài ra, bạn cũng phải xem chuyến đi diễn ra trong dịp nào vì có thể những ngày lễ giá thành của sản phẩm và dịch vụ sẽ cao hơn bình thường. Nếu chưa có điều kiện nhưng bạn vẫn muốn đi đâu đó thư giãn thì bạn hãy cân nhắc những địa điểm gần có thể đi 1 ngày để tránh tốn kém.