Phân biệt bệnh thủy đậu với bệnh zona và tay chân miệng
Bệnh thủy đậu có các triệu chứng trông giống với bệnh zona hay bệnh tay chân miệng làm nhiều người nhầm lẫn giữa 3 bệnh này với nhau. Hãy cùng Tiếp thị và Gia đình tìm hiểu các điểm khác biệt giữa 3 bệnh này nhé.
1.Các cách phân biệt bệnh thủy đậu với bệnh zona và tay chân miệng
Phân biệt qua nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do một loại vi rút mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên và dễ lây truyền.
Thời điểm bệnh xuất hiện nhiều nhất từ cuối mùa đông đến đầu mùa hè. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em từ 5-11 tuổi, nhưng người lớn cũng dễ mắc phải nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.
Nguyên nhân bệnh zona
Bệnh zona thần kinh hay còn có tên gọi khác là giời leo, người từng bị thủy đậu trước đó sẽ dễ mắc bệnh này do virus vẫn còn trong cơ thể, khi tuổi tác cao, hệ miễn dịch yếu, virus hoạt động trở lại và gây ra bệnh zona.
Bệnh zona thường không dễ bùng phát thành đại dịch như bệnh thủy đậu hay tay chân miệng mà thường gặp ở tất cả mọi lứa tuổi nếu sức đề kháng, hệ miễn dịch kém.
Nguyên nhân bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong.
Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm, có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi.
Phân biệt qua triệu chứng của bệnh thủy đậu, bệnh zona và bệnh tay chân miệng
Triệu chứng bệnh thủy đậu
Triệu chứng thường thấy của bệnh thủy đậu là phát ban biến thành mụn nước ngứa, chứa đầy chất lỏng, cuối cùng đóng vảy. Phát ban đầu tiên có thể xuất hiện trên ngực, lưng và mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bên trong miệng, mí mắt hoặc vùng sinh dục. Thường mất khoảng một tuần để tất cả các mụn nước đóng vảy.
Bên cạnh nổi mụn nước, bệnh thủy đậu thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Sau khi bệnh thuyên giảm, các nốt ban sẽ khô, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng.
Triệu chứng bệnh zona
Triệu chứng ban đầu của bệnh zona là ngứa, rát hoặc ngứa ran ở một vùng da ở một bên cơ thể. Kèm theo đó là các biểu hiện như: sốt, mệt mỏi hoặc đau đầu.
Trong vòng một đến hai ngày, phát ban mụn nước có thể xuất hiện trên hầu hết các bộ phận của cơ thể.
Không giống như thủy đậu, bệnh zona còn kèm theo các cơn đau từ nhẹ đến dữ dội và bỏng rát. Đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi phát ban xuất hiện.
Trong vòng ba đến bốn ngày, các mụn nước giời leo có thể trở thành vết loét hở, vết loét sẽ đóng vảy và không còn lây nhiễm vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, và phát ban thường biến mất trong vòng ba đến bốn tuần.
Triệu chứng bệnh tay chân miệng
Khi bị tay chân miệng, người bệnh cũng có biểu hiện bị nổi mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Mụn nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng. Tuy nhiên, những nốt mụn nước này không ngứa, không đau.
Ngoài những nốt phát ban, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như: chán ăn, sốt cao,....
2.Phương pháp điều trị bệnh thủy đậu, zona và tay chân miệng
Điều trị bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh lành tính có thể điều trị tại nhà với thuốc tây, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp.
Dùng thuốc
Thuốc hạ sốt, vitamin, các thuốc bôi làm giảm ngứa, thuốc kháng vi rút, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, các vitamin,…nhưng cần theo kê đơn của bác sĩ.
Các loại thuốc điều trị như valacyclovir, famciclovir hoặc acyclovir dùng cho người bệnh có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu từ trung bình đến nặng.
Chế độ sinh hoạt
Tắm rửa, vệ sinh thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ trên da gây nhiễm trùng, không chà xát làm vỡ các mụn nước.
Chế độ dinh dưỡng
Khi bị thủy đậu, nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có cồn,...
Hạn chế ra nơi có gió, giữ ấm cơ thể để tránh bị viêm phổi, nhưng người bệnh cần được ở nơi thoáng, không bí bách, trời nóng thì phải bật quạt để tránh ra nhiều mồ hôi.
Điều trị bệnh zona
Bệnh zona có thể dùng thuốc để kiểm soát nhiễm trùng, rút ngắn thời gian lành bệnh, kháng viêm và giảm đau. Bôi thuốc sát khuẩn và phòng ngừa bội nhiễm bằng xanh Methylen.
Thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng, tránh gãi làm trầy xước da. Vệ sinh cơ thể với nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ các bóng nước.
Điều trị bệnh tay chân miệng
Việc điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là giảm sốt, giảm đau nhức và tăng cường sức đề kháng bằng Paracetamol hay Acetaminophen.
Không được dùng Aspirin hay các thuốc có chứa Aspirin.
Chế độ sinh hoạt
Giảm nguy cơ nhiễm trùng da bằng cách vệ sinh thân thể, súc miệng mỗi ngày, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt móng tay để tránh cào, gãi gây bội nhiễm.
Chế độ dinh dưỡng
Nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn các thức ăn loãng, mát; giữ ấm và cho uống nhiều nước.