Nguyên nhân bị bệnh thủy đậu, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan qua đường hô hấp và các tiếp xúc trực tiếp. Tiêm phòng vacxin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài, được áp dụng nhiều nhất hiện nay.
1. Nguyên nhân bị bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu lây truyền như thế nào?
Nguyên nhân chính của bệnh thủy đậu chủ yếu là do bạn đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh vì đây là một bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan.
Khoảng 90% những người chưa từng mắc bệnh thủy đậu sẽ nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với virus nếu không được chủng ngừa trước đó.
Thủy đậu lây theo đường hô hấp khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi, người bình thường hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.
Nếu bạn tiếp xúc với dịch từ mụn nước bị vỡ ra (từ người bệnh hoặc các đồ vật, bề mặt tiếp xúc có dính chất dịch), thì cũng dễ bị nhiễm bệnh thủy đậu,
Với người đang mang thai, thủy đậu có thể lây từ mẹ sang con thông qua nhau thai.
Thời gian lây truyền của bệnh thủy đậu
Thời gian ủ bệnh
Sau khi virus varicella-zoster đi vào trong cơ thể, thời gian ủ bệnh của loại virus thủy đậu trung bình từ 5 đến 21 ngày, với những người từng bị động vật cắn hoặc cào, thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn.
Thời gian lây truyền
Khi một người bị bệnh thủy đậu, họ có khả năng truyền bệnh cho người khác trong 1 đến 2 ngày trước khi phát ban, và dài nhất là 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên.
Đồng thời, khả năng truyền bệnh vẫn tiếp tục cho đến khi mụn nước đóng vảy, thường là ngày thứ 5 sau khi nhiễm bệnh.
Với những người có hệ miễn dịch yếu hay bị thay đổi hệ miễn dịch, sự lây truyền có thể kéo dài hơn.
Tỷ lệ truyền nhiễm và mắc bệnh thủy đậu ở những người cùng chung sống trong một gia đình là 70 - 90%.
2. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả
Tiêm phòng vacxin thủy đậu
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu được đánh giá hiệu quả và lâu dài nhất hiện nay là tiêm phòng vacxin thủy đậu. Vacxin thủy đậu giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, có tác dụng lâu bền.
Khoảng 90% người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng.
Các loại vacxin thủy đậu
Có 3 loại vacxin phòng bệnh thủy đậu được sử dụng nhiều nhất hiện nay là:
- Vacxin Varivax (Mỹ): được chỉ định phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch.
- Vắc xin Varicella (Hàn Quốc): được chỉ định phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch.
- Vắc xin Varilrix (Bỉ): được chỉ định để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh thủy đậu ở những người khỏe mạnh từ 9 tháng trở lên.
Lịch tiêm vacxin thủy đậu
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
- Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.
Các biện pháp khác phòng ngừa bệnh thủy đậu
Ngoài tiêm phòng vacxin thủy đậu, bạn có thể lưu ý một số điều sau để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thủy đậu:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh thủy đậu
- Rửa tay thường xuyên, sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc
- Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài
- Tìm hiểu các thông tin về bệnh thủy đậu để không bị hoang mang khi không may bị nhiễm bệnh.
3. Bệnh thủy đậu có thể tái nhiễm không?
Dù thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nhưng có tính miễn nhiễm cao.
Các đối tượng nếu đã bị thủy đậu 1 lần, sau khi khỏi bệnh thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời. Nguyên nhân bởi lượng kháng thể tự nhiên đầy đủ và tồn tại bền vững trong hệ miễn dịch của cơ thể trong thời gian chiến đấu với virus thủy đậu. Do đó, rất hiếm trường hợp bệnh nhân bị thủy đậu lần 2.
Tuy nhiên, khi tuổi tác càng cao, hệ miễn dịch suy giảm, người bệnh từng nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ mắc bệnh Zona. Virus gây bệnh thủy đậu varicella-zoster vẫn còn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi vết mụn nước nhiễm trùng trên da đã lành.
Bên cạnh đó, những người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch để điều trị một số loại bệnh cũng là đối tượng dễ mắc bệnh Zona sau khi bị thủy đậu.