Những điều cần biết về bệnh thủy đậu để tránh các biến chứng nguy hiểm
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa Xuân, trong thời tiết nồm ẩm. Cần tìm hiểu về loại bệnh này để có cách điều trị, chăm sóc đúng cách, tránh các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
- 1. Thủy đậu là gì?
- 2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
- 3. Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu
- 4. Đối tượng dễ bị mắc bệnh thủy đậu
- 5. Các biến chứng của bệnh thủy đậu
- 6. Phương pháp chẩn đoán bệnh thủy đậu
- 7. Phương pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu
- 8. Các phương pháp điều trị bệnh thủy đậu
- 9. Điều trị thủy đậu bằng thảo dược và các phương pháp y học cổ truyền
- 10. Cách chăm sóc bệnh thủy đậu an toàn, đúng cách
1. Thủy đậu là gì?
Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Loại virus này có kích thước từ 200 nm đến 250 nm, khó phân biệt được với virus đậu mùa và virus gây ra zona.
Bệnh thủy đậu được xem là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não....
Đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu thường là trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Thủy đậu rất dễ lây lan từ người này sang người khác.
2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Triệu chứng thường thấy của bệnh thủy đậu là phát ban biến thành mụn nước ngứa, chứa đầy chất lỏng, cuối cùng đóng vảy. Phát ban đầu tiên có thể xuất hiện trên ngực, lưng và mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bên trong miệng, mí mắt hoặc vùng sinh dục. Thường mất khoảng một tuần để tất cả các mụn nước đóng vảy.
Ở mỗi giai đoạn của bệnh thủy đậu sẽ có những dấu hiệu, biểu hiện rõ ràng.
Giai đoạn ủ bệnh thủy đậu
Thời gian ủ bệnh của virus thủy đậu trung bình từ 5 đến 21 ngày, với những người từng bị động vật cắn hoặc cào, thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn.
Người bệnh trong giai đoạn virus thủy đậu ủ bệnh trong cơ thể sẽ không có những biểu hiện rõ rệt nào.
Giai đoạn phát bệnh thủy đậu
Trước khi phát ban 1-2 ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng điển hình như: sốt, mệt mỏi, ăn không ngon, đau đầu, nôn ói, đau họng,....
Sau 1-2 ngày, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.
Giai đoạn toàn phát bệnh thủy đậu
Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 đến 24 giờ.
Sau đó các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, rồi khô đi, bong vảy và tự khỏi hoàn toàn sau 4 đến 5 ngày. Các mụn nước gây ra cảm giác ngứa, rát, khó chịu cho người bệnh.
Giai đoạn hồi phục sau thủy đậu
Mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng.
Để ngăn ngừa các vết sẹo rỗ (lõm) sau khi bị thủy đậu, nên kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân, thời tiết nồm, ẩm, virus dễ phát triển.
Bệnh thủy đậu dễ lây lan bằng nhiều cách như:
- Thủy đậu lây theo đường hô hấp khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi, người bình thường hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.
- Bệnh thủy đậu cũng có thể lây thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh.
- Thủy đậu lây qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
- Với người đang mang thai, thủy đậu có thể lây từ mẹ sang con thông qua nhau thai.
4. Đối tượng dễ bị mắc bệnh thủy đậu
Trẻ em
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh thủy đậu, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi.
Những trẻ dưới 1 tuổi thường không bị nhiễm bệnh vì trẻ vẫn có một số miễn dịch từ kháng thể của mẹ truyền cho trẻ trước khi sinh (nếu mẹ từng mắc bệnh thủy đậu trước đó).
Người lớn
Người bình thường
Dù bệnh thủy đậu dễ xảy ra ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể bị bệnh vì đây là bệnh truyền nhiễm, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được phòng ngừa, chăm sóc đúng cách.
Người có hệ miễn dịch yếu
Những người có cơ thể bị suy giảm khả năng chống lại virus và bệnh tật (hệ thống miễn dịch suy yếu) do bệnh tật hoặc thuốc men.
- Người bị HIV/AIDS hoặc ung thư
- Bệnh nhân đã được cấy ghép, và
- Những người đang hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng steroid lâu dài.
Phụ nữ mang thai
Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc thủy đậu không cao hơn so với các đối tượng khác, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn. Nguy cơ mắc bệnh thủy đậu sẽ tăng lên khi có kèm Viêm phổi.
Theo nghiên cứu về dịch tễ học tại Anh và Mỹ, tỷ lệ bị thủy đậu khi mang thai chiếm khoảng 3/1.000. Nếu chiếu theo tỷ lệ này, mỗi năm tại Mỹ có ít nhất 3 triệu phụ nữ mang thai, thì có đến 9.000 trường hợp bị thủy đậu khi mang thai mỗi năm.
5. Các biến chứng của bệnh thủy đậu
Biến chứng sớm
Trong giai đoạn mắc bệnh thủy đậu, người bệnh sẽ gặp các biến chứng có biểu hiện rõ rệt như:
- Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng liên cầu nhóm A
- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
- Nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, mất điều hòa tiểu não)
- Các vấn đề về chảy máu (biến chứng xuất huyết)
- Nhiễm trùng máu ( nhiễm trùng huyết )
- Mất nước
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu, trẻ khi sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh.
Một số người bị biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu có thể trở nên ốm yếu đến mức phải nhập viện. Thủy đậu cũng có thể gây tử vong.
Với những người đã tiêm phòng vacxin thủy đậu, tỷ lệ tử vong xảy ra thấp hơn.
Biến chứng muộn
Sau khi bị thủy đậu, người bệnh còn có nguy cơ mắc bệnh zona. Virus gây bệnh thủy đậu varicella-zoster vẫn còn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi vết mụn nước nhiễm trùng trên da đã lành.
Sau thời gian dài, khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu do tuổi tác, virus có thể tái hoạt động và tái phát thành bệnh zona.
6. Phương pháp chẩn đoán bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu được chẩn đoán dựa trên các kết quả lâm sàng như người bệnh chưa tiêm vắc xin và chưa mắc thuỷ đậu, người bệnh bị lây nhiễm vi rút trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần trước đó,…
Để chẩn đoán bệnh thủy đậu, bác sĩ thường loại trừ một số bệnh có triệu chứng hoặc biến chứng gần giống bệnh thủy đậu gây ra như: chốc lây dạng bọng nước, Herpes simplex lan tràn, Eczema dạng ecpet, Eczema do vacxin, nhiễm Rickettsia, nhiễm enterovirus.
Bệnh nhân nghi ngờ hoặc có thể mắc bệnh thủy đậu nên được đề nghị xét nghiệm axit nucleic (NAAT), xét nghiệm chung với orthopoxvirus hoặc đặc hiệu với virus thủy đậu. Ngoài ra, người bệnh còn được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: bạch cầu máu ngoại vi giảm, lympho bào tăng, miễn dịch huỳnh quang, soi tìm vi rút, phân lập vi rút, xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh,…
7. Phương pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu
Tiêm vacxin thủy đậu
Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài, được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu rất quan trọng, cần tiêm vacxin thủy đậu sớm và đủ liều lượng theo quy định.
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
- Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
8. Các phương pháp điều trị bệnh thủy đậu
Điều trị thủy đậu tại nhà
- Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, có thể chữa trị tại nhà bằng một số lưu ý đơn giản sau để bệnh không trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nên mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều.
- Dùng dung dịch xanh Milan để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
- Dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng (nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh).
- Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
- Sử dụng các dung dịch sát khuẩn để giữ gìn vệ sinh cơ thể, tắm rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm.
- Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả
- Khi có dấu hiệu của những biến chứng nguy hiểm do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để kiểm tra và chữa trị kịp thời.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan bệnh.
Điều trị thủy đậu bằng thuốc tây
Các loại thuốc thường được dùng để chữa trị bệnh thủy đậu như thuốc kháng vi rút, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, các vitamin,…
Các loại thuốc điều trị như valacyclovir, famciclovir hoặc acyclovir dùng cho người bệnh có nguy cơ mắc bệnh từ trung bình đến nặng.
- Với thuốc famciclovir 500mg, mỗi ngày 3 lần.
- Thuốc valacyclovir 1g, mỗi ngày 3 lần 3 lần mỗi ngày cho người lớn.
- Thuốc acyclovir có thể sử dụng được ở liều 20mg/kg, với 4 lần/ngày và có thể sử dụng trong 5 ngày cho trẻ em từ 2 tuổi và ≤ 40kg. Liều cho trẻ em nặng trên 40kg là 800mg 4 lần mỗi ngày trong 5 ngày. Trẻ vị thành niên và người lớn có thể uống acyclovir uống với liều 800mg 5 lần/ngày.
- Trẻ em trên 1 tuổi bị suy giảm miễn dịch cũng nên dùng acyclovir 20mg/kg, mỗi 8 giờ qua đường tĩnh mạch. Người lớn suy giảm miễn dịch cần được điều trị với acyclovir 10 đến 12 mg/kg đường tĩnh mạch mỗi 8 giờ.
- Với thai phụ đối diện nguy cơ cao biến chứng thủy đậu, có thể uống acyclovir hoặc valacyclovir. Thuốc acyclovir tiêm tĩnh mạch được khuyến cáo cho bệnh thủy đậu nghiêm trọng ở thai phụ.
Ngoài ra, người bệnh được uống thuốc hạ sốt có hoạt chất paracetamol, thuốc an thần chống co giật gardenal, seduxen, canxi bromua 3%,… thuốc chống ngứa bằng các thuốc kháng histamin như dimedrol 1%… Nếu người bệnh bị bội nhiễm sẽ được dùng kháng sinh thích hợp. Người bệnh có thể được khuyến cáo tiêm thuốc chủng ngừa bệnh zona (Shingrix). Thuốc này được chấp thuận và khuyên dùng cho những người từ 50 tuổi trở lên.
Lưu ý khi dùng thuốc để điều trị thủy đậu
- Không dùng những loại thuốc bôi ngoài da mà chưa có chỉ định của bác sĩ
- Không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt
- Không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.
- Không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai
9. Điều trị thủy đậu bằng thảo dược và các phương pháp y học cổ truyền
Thuốc tắm trị thủy đậu từ lá khế
Lá khế thường được dân gian sử dụng để nấu nước tắm trị bệnh thủy đậu và một số vấn đề về da như nổi mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa, rôm sảy…
Lá khế có tác dụng sát trùng, giải nhiệt, tiêu độc, giúp giảm ngứa, làm tiêu các nốt mụn và ngăn ngừa bội nhiễm da. Một số hoạt chất trong lá khế có tác dụng diệt khuẩn, ức chế virus gây bệnh thủy đậu.
Lá khế cũng là nguyên liệu dễ tìm kiếm, người bệnh có thể hái lá tươi về rửa thật sạch rồi sắc kỹ lấy nước tắm rửa hoặc vệ sinh vùng da bị nổi mụn hàng ngày.
Dùng rau sam để chữa bệnh thủy đậu
Rau sam có tác dụng giảm viêm đỏ da, làm tiêu mụn nước, ức chế hoạt động của virus, đồng thời xoa dịu cảm giác ngứa rát khó chịu ở khu vực bị ảnh hưởng.
Chỉ cần dùng 100 – 200gr rau sam tươi (toàn thân cây) rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng 15 phút. Thái nhỏ và đem xay nhuyễn với một ít nước đun sôi để nguội, dùng phần nước cốt rau sam để uống, phần bã dùng để đắp vào các nốt mụn thủy đậu.
10. Cách chăm sóc bệnh thủy đậu an toàn, đúng cách
Dinh dưỡng khi bị thủy đậu
Các loại thực phẩm nên ăn
Người bệnh thủy đậu nên thực hiện chế độ ăn nhẹ nhàng, ăn thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như: các loại cháo, các loại đậu nấu mềm, trứng, chuối, các loại rau, củ, trái cây bổ sung vitamin C.
Các loại thực phẩm không nên ăn
Người bệnh thủy đậu nên tránh các thức ăn nhiều dầu, mỡ, thức ăn nóng, có mùi như gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, cà ri, mù tạt, rau mùi, trái vải, xoài chín.
Hạn chế ăn các loại thịt quá nhiều đạm như thịt dê, thịt gà, ngỗng, lươn, tôm, cua, sò, ốc,…
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
- Tắm thường xuyên bằng nước ấm một cách nhẹ nhàng để tránh bị vỡ các vết mụn nước.
- Không để móng tay dài vì dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh răng miệng, vệ sinh tai mũi họng, luôn giữ cho da khô sạch, không để trẻ gãi gây vỡ mụn nước.
- Mặc quần áo mềm mại, thoải mái và sạch sẽ để các mụn nước không gây nhiễm trùng, ngứa ngáy.
- Người bệnh thủy đậu nên ở trong phòng thoáng khí, tránh gió lùa.
- Người bệnh thủy đậu tốt nhất là nên được nghỉ ngơi tại nhà, không nên cố đi làm hay đi học cho đến khi những vết thủy đậu cuối cùng đóng vảy.