Không nên chủ quan trước những biến chứng từ bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu được xem là lành tính, nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, có thể để lại các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
1. Các biến chứng thủy đậu có nguy cơ xảy ra
Bệnh thủy đậu thường xảy ra quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông - xuân vì thời tiết nồm ẩm, virus thủy đậu dễ phát triển. Bệnh thủy đậu có diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần.
Bệnh thủy đậu có thể để lại một số biến chứng như nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não,....và thường xảy ra ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy giảm hệ miễn dịch.
Tùy vào từng giai đoạn, thời điểm mà các biến chứng thủy đậu có thể xuất hiện.
Trong giai đoạn mắc bệnh thủy đậu, người bệnh sẽ gặp các biến chứng có biểu hiện rõ rệt như:
Nhiễm trùng da
Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng liên cầu nhóm A.
Nhiễm trùng, gây lở loét các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thủy đậu thường gặp do không kiêng giữ được như dùng tay để gãi ngứa. Do đó, khi bị bệnh thủy đậu, không được gãi các vết mụn vì sẽ làm tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
Viêm phổi là một trong những biến chứng thủy đậu thường xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/400.
Biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh với các biểu hiện thường gặp như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.
Nhiễm trùng hoặc sưng não
Nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, mất điều hòa tiểu não) xảy ra với khoảng 1 – 2 trường hợp trong số 1.000 trường hợp mắc bệnh.
Biến chứng này có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng thủy đậu này hơn.
Các triệu chứng thường gặp là đau đầu, chóng mặt, lú lẫn và thậm chí co giật. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Biến chứng thủy đậu: viêm tai giữa, viêm thanh quản
Trong giai đoạn khởi phát bệnh thủy đậu, người bệnh dễ xuất hiện hạch sau tai, viêm họng. Các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy, có thể gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm thanh quản.
Phụ nữ mang thai bị thủy đậu gây ảnh hưởng đến thai nhi
Nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong 20 tuần đầu, trẻ sinh ra có nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh, bao gồm: dị tật ở mắt, các vấn đề về thần kinh (đầu nhỏ, mù, chậm phát triển, co giật), sẹo da và các chi bị teo nhỏ.
Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh thủy đậu trong khoảng thời gian từ 20 đến 36 tuần, em bé có nguy cơ mắc bệnh zona khi còn nhỏ.
Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh hoặc phát ban trong vòng 5 ngày trước khi cho đến 2 ngày sau sinh, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh thủy đậu.
Zona là biến chứng thủy đậu
Sau khi bị thủy đậu, người bệnh còn có nguy cơ mắc bệnh zona. Virus gây bệnh thủy đậu varicella-zoster vẫn còn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi vết mụn nước nhiễm trùng trên da đã lành.
Sau thời gian dài, khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu do tuổi tác, virus có thể tái hoạt động và tái phát thành bệnh zona.
Các biến chứng thủy đậu khác
Ngoài các biến chứng thủy đậu nguy hiểm ở trên, người bệnh có thể gặp các biến chứng khác như:
- Các vấn đề về chảy máu (biến chứng xuất huyết)
- Nhiễm trùng máu ( nhiễm trùng huyết )
- Mất nước
2. Một số dấu hiệu cảnh báo biến chứng thủy đậu
Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh thủy đậu, bạn nên đến bệnh viện khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ, bạn cũng nên chú ý đến một số dấu hiệu cảnh báo biến chứng như:
- Sốt kéo dài hơn bốn ngày hoặc cao hơn 38,8 độ C
- Cơn ho thường xuyên, kéo dài hoặc khó thở
- Vết loét do thủy đậu chảy ra mủ (chất dịch đặc, màu vàng) hoặc trở nên rất đỏ hoặc mềm
- Phát ban lan rộng sang một hoặc cả hai mắt
- Chóng mặt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, tim đập loạn nhịp
- Mất phối hợp cơ, đi lại khó khăn
- Cổ trở nên cứng, khó cử động
- Buồn ngủ bất thường hoặc khó đánh thức
Lưu ý để tránh các biến chứng thủy đậu trở nên nghiêm trọng
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, đối với bệnh thủy đậu, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả nhất và lâu dài. Bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm vắc-xin thủy đậu để phòng bệnh; không được tiêm khi đã mang thai.
Trẻ từ 1-12 tuổi, chỉ cần một liều vắc-xin là đủ giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần.