Bệnh thủy đậu: Đối tượng nào dễ mắc bệnh nhất và để lại biến chứng gì?
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ xảy ra với hầu hết tất cả mọi người. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị thủy đậu nhất và phụ nữ mang thai nếu bị thủy đậu sẽ vô cùng nguy hiểm cho thai nhi.
1. Đối tượng dễ bị mắc bệnh thủy đậu
Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu cao nhất
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh thủy đậu nhất vì hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi.
Những trẻ dưới 1 tuổi thường không bị nhiễm bệnh vì trẻ vẫn có một số miễn dịch từ kháng thể của mẹ truyền cho trẻ trước khi sinh (nếu mẹ từng mắc bệnh thủy đậu trước đó).
Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu rất quan trọng, cần tiêm vacxin thủy đậu sớm và đủ liều lượng theo quy định.
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
- Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Người lớn cũng có thể mắc bệnh thủy đậu
Người bình thường
Dù bệnh thủy đậu dễ xảy ra ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể bị bệnh vì đây là bệnh truyền nhiễm, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được phòng ngừa, chăm sóc đúng cách.
Người có hệ miễn dịch yếu
Những người có cơ thể bị suy giảm khả năng chống lại virus và bệnh tật (hệ thống miễn dịch suy yếu) do bệnh tật hoặc thuốc men.
Người bị HIV/AIDS hoặc ung thư dễ bị mắc bệnh thủy đậu hơn người bình thường.
Bệnh nhân đã được cấy ghép và những người đang hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng steroid lâu dài.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu nguy hiểm như thế nào?
Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc thủy đậu không cao hơn so với các đối tượng khác, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn. Nguy cơ mắc bệnh thủy đậu sẽ tăng lên khi có kèm viêm phổi.
Ảnh hưởng của người mẹ khi mang thai tác động đến em bé sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả việc mẹ đang mang thai bao nhiêu tuần.
- Nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong 20 tuần đầu, trẻ sinh ra có nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh, bao gồm: dị tật ở mắt, các vấn đề về thần kinh (đầu nhỏ, mù, chậm phát triển, co giật), sẹo da và các chi bị teo nhỏ.
- Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh thủy đậu trong khoảng thời gian từ 20 đến 36 tuần, em bé có nguy cơ mắc bệnh zona khi còn nhỏ.
- Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh hoặc phát ban trong vòng 5 ngày trước khi cho đến 2 ngày sau sinh, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh thủy đậu.
2. Một số biến chứng của bệnh thủy đậu
Biến chứng sớm của bệnh thủy đậu
Trong giai đoạn mắc bệnh thủy đậu, người bệnh có thể gặp các biến chứng có biểu hiện rõ rệt như:
- Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng liên cầu nhóm A
- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
- Nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, mất điều hòa tiểu não)
- Các vấn đề về chảy máu (biến chứng xuất huyết)
- Nhiễm trùng máu ( nhiễm trùng huyết )
- Mất nước
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu, trẻ khi sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh.
Một số người bị biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu có thể trở nên ốm yếu đến mức phải nhập viện. Thủy đậu cũng có thể gây tử vong.
Với những người đã tiêm phòng vacxin thủy đậu, tỷ lệ tử vong xảy ra thấp hơn.
Biến chứng muộn của bệnh thủy đậu
Sau khi bị thủy đậu, người bệnh còn có nguy cơ mắc bệnh zona. Virus gây bệnh thủy đậu varicella-zoster vẫn còn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi vết mụn nước nhiễm trùng trên da đã lành.
Sau thời gian dài, khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu do tuổi tác, virus có thể tái hoạt động và tái phát thành bệnh zona.