Thứ năm, 07/09/2023, 09:05 (GMT+7)

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

ty le thua can Tiepthigiadinh H1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ về tình trạng thừa cân, béo phì

Tại buổi lễ phát động Cuộc thi Tôi khoẻ đẹp hơn lần 2 ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, béo phì từ lâu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Thừa cân béo phì có thể gây ra rất nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố lớn.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ: "Trong quá khứ từng có những thông tin rất thú vị rằng người Việt ít béo phì nhất thế giới, hay cả thế giới ăn cơm như Việt Nam thì sẽ dẹp được nạn béo phì. Nhưng trong khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, tập trung nhiều ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh".

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Số liệu của Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, tháng 10/2022, Bộ Y tế lần đầu tiên ban hành một hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì để áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước. Nội dung chính của Hướng dẫn tập trung vào nguyên nhân gây ra bệnh béo phì; chẩn đoán thừa cân, béo phì; xác định các dạng béo phì; các nguyên tắc chung trong điều trị béo phì và hướng dẫn điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý… Thứ trưởng khẳng định, nếu không đối mặt và ứng phó với tình trạng béo phì đang gia tăng nhanh, áp lực lên hệ thống y tế cũng sẽ theo đó mà không ngừng lớn hơn.

GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đã nêu ra nhiều nguyên nhân gây béo phì. Lối sống tĩnh tại, ít vận động và chế độ dinh dưỡng mất cân bằng gây ra tình trạng nguy hại về sức khỏe như: béo phì, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thậm chí là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư…

ty le thua can Tiepthigiadinh H2
Gene, ăn uống không kiểm soát, thiếu vận động… là nguyên nhân gây béo phì

Thừa cân, béo phì là quá trình diễn ra trong thời gian dài, mỡ thừa, độc tố tích tụ qua nhiều năm tháng và gây ra nhiều tác động xấu đến cơ thể. GS.TS. Lê Thị Hương khuyến cáo, cha mẹ cần kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ, nên đi khám dinh dưỡng nếu trẻ tăng cân quá mức. Không cắt giảm bữa ăn đột ngột hay bắt trẻ nhịn ăn, bỏ bữa bởi tác động xấu đến thể trạng của trẻ. Thay vào đó nên giảm khẩu phần ăn từ từ, giảm đều cả tinh bột, dầu, mỡ và đạm. Không nên cắt bỏ hoàn toàn một trong những thực phẩm trên, vì tinh bột giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỡ giúp hoà tan các vitamin tan trong dầu, đạm giúp hình thành máu nuôi các tế bào. Ngoài kiểm soát khẩu phần ăn của con, cha mẹ nên cho trẻ vận động từ 1-2 giờ mỗi ngày, vừa rèn luyện sức khoẻ lại có thể tiêu hao năng lượng.

Thừa cân, béo phì là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động. Vì thế mọi người cần thay đổi lối sống bằng cách thực hành dinh dưỡng lành mạnh, vận động hợp lý. Những hành động này sẽ hình thành thói quen lành mạnh trong việc tự chăm sóc, rèn luyện sức khỏe, giảm bớt tình trạng thừa cân, béo phì.

Cùng chuyên mục