Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 28/08/2024, 05:48 (GMT+7)

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Doanh nghiệp đau đầu vì 'nơi cần thì không có, nơi có thì không cần'

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp quảng cáo đang rơi vào tình cảnh "nơi cần thì không có, nơi có thì không cần". Bởi những vị trí được quy hoạch thì doanh nghiệp không cần, còn vị trí "vàng" lại không có trong quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực kinh tế.

Luật Quảng cáo 2012 quy định hoạt động quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ theo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Theo đó, việc đặt các biển quảng cáo, màn hình chuyên quảng cáo, băng-rôn đều phải tuân thủ quy hoạch cáo ngoài trời do địa phương ban hành. Thông thường, các quy định về vị trí, địa điểm và cách thức thể hiện (kiểu dáng, chất liệu, số lượng) quảng cáo sẽ được nêu rõ trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời. 

Với quy hoạch quảng cáo ngoài trời được lập ở các tuyến đường lớn như quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, các phương tiện quảng cáo sẽ được bố trí dọc theo các tuyến đường lớn này. Để tăng ngân sách nhà nước, bài toán đặt ra là làm sao cấp phép được nhiều vị trí quảng cáo nhất có thể trên các tuyến đường này. 

Quảng cáo Billboard là gì và lý do bạn nên sử dụng chúng
Quy hoạch quảng cáo ngoài trời có nhiều vướng mắc gây khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. (Ảnh: M.H)

Liên quan đến vấn đề này, TS. Đậu Anh Tuấn cho hay, nếu cơ quan thẩm quyền không xác định trước có thể dẫn đến tình trạng khoảng cách giữa các biển quảng cáo đã được cấp quá rộng so với khoảng cách cần thiết, nhưng lại không đủ rộng để bố trí thêm biển quảng cáo mới vào giữa, nên không tối đa hóa được tổng số vị trí đặt phương tiện quảng cáo trên tuyển đường. Hoặc nếu cấp phép với khoảng cách quá dày thì có nguy cơ biển quảng cáo sau có thể che lấp biển quảng cáo đã được lắp đặt trước, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do vậy, quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên các tuyến đường này cần được thực hiện theo lộ trình quy hoạch quảng cáo. 

Cũng theo TS. Đậu Anh Tuấn, các biển quảng cáo đặt dọc trên các tuyến đường này cần sử dụng đất để xây dựng. Do vậy, đa phần các vị trí xây dựng biển đều cần chuyển đổi mục đích, chẳng hạn chuyển đổi đất nông nghiệp bên đường quốc lộ thành đất thương mại dịch vụ. Điều này yêu cầu các vị trí này phải được thể hiện trong quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất. 

Thực tế, trong quá trình thực thi Luật Quảng cáo 2012 đã xảy ra tình trạng các điểm vị trí xây dựng biển quảng cáo được quy hoạch trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời nhưng không có trong quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất, do đó không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này dẫn đến một nghịch lý là doanh nghiệp không có quyền sử dụng hợp pháp với phần đất (thường có diện tích rất nhỏ) dưới chân công trình xây dựng biên quảng cáo. Trường hợp này buộc doanh nghiệp chỉ có 1 trong 2 lựa chọn là từ bỏ vị trí quảng cáo vàng đã có trong quy hoạch, hoặc xây dựng trên phần đất (thường là đất nông nghiệp) và chấp nhận chịu xử phạt.

Quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ làm khó các doanh nghiệp quảng cáo. (Ảnh: M.H)
Quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ làm khó các doanh nghiệp quảng cáo. (Ảnh: M.H)

Nói thêm về điều này, TS. Đậu Anh Tuấn nhận định, quy hoạch quảng cáo ngoài trời lại là quy hoạch chuyên ngành, thiếu sự liên kết với các quy hoạch khác, đặc biệt của ngành đất đai, xây dựng, giao thông nên thường xảy ra các chồng chéo do sự thay đối của các công trình giao thông, xây dựng hoặc quy hoạch ngành khác. Kết quả là doanh nghiệp không thể triển khai bảng quảng cáo trên các vị trí đã được quy hoạch.

"Việc xác định vị trí biển quảng cáo ngoài trời trên đường giao thông lớn là cần thiết, nhưng không nên chỉ giải quyết thông qua việc xây dựng một quy hoạch chuyên ngành cho quảng cáo ngoài trời. Thay vào đó, các vị trí này nên được tích hợp trong các quy hoạch chung" - TS. Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Ngoài ra, một điểm cần được cân nhắc thêm về quy hoạch là việc quy hoạch luôn không sát thực tế, luôn có nguy cơ lỗi thời. Bởi việc xác định một vị trí có tiềm năng thương mại hay không thuộc về doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp mới có khả năng nhìn ra các vị trí mang lại lợi nhuận cho họ. Trong khi đó, các cán bộ quản lý lại khó xác định được vị trí phù hợp. Điều này đã dẫn đến tình trạng vị trí được quy hoạch thì doanh nghiệp không cần, còn vị trí "vàng" lại không có trong quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực kinh tế.

Từ thực tế trên, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng cần xem xét lại sự cần thiết của quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tránh tạo ra thêm gánh nặng về thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục